Hà Giang - những địa danh bất tử
Khúc tráng ca nơi phên dậu
Chúng tôi khởi hành từ Bắc Giang lúc 6 giờ 30 phút. Chặng đường hơn 300 km đến với Hà Giang nay đã gần hơn, thuận tiện hơn khi dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đúng dịp này.
Đầu giờ chiều ngày 23/12/2023, gần 30 thành viên đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn trong trang phục chỉnh tề có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên để dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các AHLS nơi đây. Nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của gần 1,9 nghìn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tỉnh Bắc Giang có 19 liệt sĩ yên nghỉ tại đây.
Ông Nguyễn Quốc Hà (giữa), Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cùng thành viên đoàn công tác trước mộ một liệt sĩ chưa có thông tin. |
Gần 40 năm trước, Vị Xuyên là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Toàn bộ mặt trận Vị Xuyên lúc đó trải rộng trên 20 km2 trở thành vùng đất lửa với những địa danh khốc liệt như: Cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Ðồi Ðài, Cô Ích, Bốn Hầm… 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn đã trực tiếp tham chiến tại đây.
Dưới cái giá lạnh của vùng núi cao, cả đoàn thành kính dâng nén hương thơm trên phần mộ các AHLS. Dừng lại tại phần mộ các liệt sĩ quê Bắc Giang như: Nguyễn Văn Toàn, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa); Trần Văn Thử, xã Xương Lâm (Lạng Giang); Nguyễn Ngọc Sơn, xã An Dương (Tân Yên); Đỗ Xuân Dương, xã Đồng Kỳ (Yên Thế)…, các thành viên trong đoàn đều rưng rưng nước mắt bởi các anh hy sinh khi còn quá trẻ, có người mới tròn 19 tuổi.
“…Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đời đời ghi nhớ công ơn của các AHLS đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Chúng tôi nguyện tiếp tục phấn đấu, học tập theo gương của Bác Hồ kính yêu và các AHLS, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi sổ truyền thống. |
Các phần mộ được quy tập tại Nghĩa trang chủ yếu hy sinh trong giai đoạn 1984 - 1989. Khác với một số nghĩa trang liệt sĩ quốc gia của cả nước, các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên không phân khu theo từng tỉnh, TP. Các liệt sĩ được đặt nằm cạnh nhau với tâm niệm ở thế giới bên kia, các anh mãi là những người đồng đội kề vai sát cánh.
Tại đây, đồng chí Mai Sơn đã xúc động ghi vào sổ truyền thống: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đời đời ghi nhớ công ơn của các AHLS đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Chúng tôi nguyện tiếp tục phấn đấu, học tập theo gương của Bác Hồ kính yêu và các AHLS, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
"Sống bám đá đánh giặc, chết hoá đá bất tử"
Rời Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, chúng tôi ngược lên biên giới Thanh Thủy - nơi chiến trường ác liệt năm xưa - đến dâng hương tại Đền thờ các AHLS ở điểm cao 468 thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Theo lời anh Tạ Viết Trường, nhân viên đang làm việc tại đây, trong suốt những năm tháng chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, hàng nghìn chiến sĩ đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết tâm giữ gìn từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao với tinh thần quả cảm “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.
Anh Tạ Viết Trường giới thiệu về những cuộc chiến trên mặt trận Vị Xuyên. |
Trong cuộc chiến này, hơn 4 nghìn cán bộ, chiến sĩ từ nhiều miền quê trên cả nước đã nằm lại mảnh đất Vị Xuyên. "Sau nhiều lần tổ chức tìm kiếm, hiện mới có gần 1,9 nghìn liệt sĩ được quy tập về đây. Nhiều người vẫn nằm rải rác khắp các sườn đồi, thung sâu”. Giọng anh Trường trầm hẳn xuống.
Từ điểm cao 468, phóng tầm mắt nhìn sang dải núi hình yên ngựa, những triền núi, thung lũng xanh ngút một màu yên bình, ít ai có thể hình dung được chiến trường xưa khốc liệt đến thế nào.
Anh Trường giới thiệu: “Từ Đền thờ nhìn sang hướng Tây, xuôi theo đường yên ngựa, có thể quan sát thấy điểm cao 772. Ngày 12/7/1984, Sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ đánh chiếm cao điểm 772. Trận đánh diễn ra một ngày, một đêm, ác liệt đến mức đã có hơn 1 nghìn cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có 592 người thuộc biên chế của Sư đoàn 356. Từ đó, ngày 12/7 hằng năm được coi là ngày giỗ trận Vị Xuyên. Nằm cạnh vị trí Đền thờ là cao điểm 685 cũng bị hạ thấp gần 3 m do sức công phá của hàng nghìn quả đạn pháo”.
Được biết, trong số cán bộ, chiến sĩ nằm xuống tại điểm cao 685 ngày ấy có hai liệt sĩ đang được thờ tại Đền. Ðó là anh Nguyễn Viết Ninh, quê ở Phú Thọ và Lê Trần Mãn, quê Thanh Hóa. Là Trung đội trưởng của Sư đoàn 356, anh Nguyễn Viết Ninh đã khắc lên báng súng lời thề, cũng là phương châm sống của những người lính can trường năm ấy: "Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử".
Trong một trận đánh, Nguyễn Viết Ninh không may bị thương tới ba lần. Hai lần đầu, anh đã tự băng bó và tiếp tục chiến đấu. Tới lần thứ ba, anh bị thương ở chân, mất quá nhiều máu nên đã anh dũng hy sinh. Ngày 29/8/1985, liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lời thề trên báng súng giờ được khắc trang trọng trên bức phù điêu ở Đền thờ Liệt sĩ nằm trên điểm cao 468 thuộc xã Thanh Thủy.
Câu chuyện về AHLS Lê Trần Mãn, nguyên là y sĩ của Sư đoàn 356 cũng can trường không kém. Anh Mãn là người đã xung phong mang lá cờ Tổ quốc lên cắm trên đỉnh E5, điểm cao nhất của cao điểm 685 để đánh dấu chủ quyền của Tổ quốc, thay thế lá cờ mà địch đã cắm. Một đợt pháo bắn trùm lên cao điểm đã khiến anh ra đi mãi mãi, máu xương hòa vào lòng đất mẹ, đến nay vẫn chưa thể tìm được hài cốt...
Nguyện viết tiếp lời thề
Hành trình đến với Hà Giang, về với mảnh đất Vị Xuyên bom đạn cày xới năm xưa, dọc tuyến đường trục chính là những ngôi nhà khang trang, cửa hàng mọc lên san sát. Trên đồng ruộng, sườn đồi, những rừng chè, keo, bạch đàn xanh tốt đã bao phủ vùng đất hoang tàn năm nào. Được biết trước đây, Vị Xuyên nói chung, Thanh Thủy nói riêng dân cư sống thưa thớt, nhà cách nhà hàng cây số.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ, người dân đã bám đất, bám bản, đời sống ngày càng nâng lên. Bà con nơi đây luôn tâm niệm, xương máu của các liệt sĩ đã nằm lại chiến trường để cây cối bát ngát màu xanh. Với mỗi người dân Vị Xuyên, lời thề của những chiến sĩ năm xưa luôn được nhắc đến làm động lực, xem như mệnh lệnh để cùng nhau đoàn kết, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Trong đoàn công tác của tỉnh đến Vị Xuyên lần này có đồng chí Nguyễn Quốc Hà, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Đồng chí cho biết, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc có hàng nghìn người con Bắc Giang trong đội hình các sư đoàn chủ lực đã chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, trong đó 50 người đã nằm lại chiến trường.
Ngày 22/8/2019, Ban liên lạc Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên tỉnh Bắc Giang được thành lập với gần 100 hội viên. Đến nay, sau 4 năm hoạt động, Ban liên lạc đã tập hợp được 260 cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trên mặt trận này. “Chưa bao giờ ký ức chiến tranh bị quên lãng trong tâm trí những cựu chiến binh. Đây là một hành trình tri ân khó có thể dùng ngôn từ nào diễn tả hết bởi tất cả cảm xúc, ý nghĩa đã lắng vào tâm tư, suy nghĩ, trí óc của mỗi thành viên đoàn công tác”, đồng chí Nguyễn Quốc Hà chia sẻ.
Chia tay Hà Giang với các địa danh bất tử, trong lòng chúng tôi ai cũng nghẹn ngào và rất đỗi tự hào, biết ơn các thế hệ cha anh đã đổ bao xương máu giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Ghi chép của Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)