Gian nan cô đỡ thôn bản
Ðóng góp thầm lặng
Năm 2013, khi đang là nhân viên y tế thôn bản, chị Chu Thị Vân, người dân tộc H’Mông, ở xóm Cốc Phia, xã Quang Trung, huyện Hòa An được chọn, cử đi đào tạo CÐTB tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Học xong, nhận thêm nhiệm vụ, không được thêm phụ cấp, lại phải trèo đèo, lội suối, đi sớm, về muộn khám, tư vấn cho sản phụ, chăm sóc trẻ sơ sinh và đỡ đẻ, nhưng chị Vân vẫn âm thầm gắn bó với công việc, góp phần quan trọng bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em đồng bào dân tộc.
Chị Chu Thị Vân (bên trái), cô đỡ thôn bản của phụ nữ và trẻ em xóm Cốc Phia, xã Quang Trung, huyện Hòa An (Cao Bằng). |
Xã Quang Trung có hơn 2.700 người sinh sống, trong đó, gần 50% là đồng bào dân tộc H’Mông. Do điều kiện kinh tế khó khăn, quan niệm lạc hậu khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nên nhiều phụ nữ không đến cơ sở y tế mà sinh con tại nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, tính mạng sản phụ, thai nhi.
Kể từ khi làm CÐTB, định kỳ ba tháng một lần, chị Vân đến nhà sản phụ khám, tư vấn để sản phụ quan tâm bảo đảm dinh dưỡng, không làm việc nặng và đến cơ sở y tế sinh con. Mỗi khi ở xóm có người nhà sản phụ đến đón và nhờ, chị lại lên đường đi làm bà đỡ.
Chị Chu Thị Vân tâm sự, công việc vất vả, không kể đêm khuya, mưa nắng, cứ có người đến gọi là chị lên đường. May mắn là chị được chồng thông cảm, ủng hộ hoàn thành nhiệm vụ.
Trong gần 10 năm, chị Vân đã thực hiện hơn 100 cuộc tư vấn sức khỏe, đỡ đẻ. Niềm vui, hạnh phúc đối với chị là được chứng kiến những đứa trẻ chào đời, "mẹ tròn con vuông". Nhớ lại ca đỡ đẻ tại khu Mạ Bân, sản phụ kiệt sức, người nhà đón CÐTB về đến nhà thì sản phụ đã ngất lên, ngất xuống. Với những kỹ năng được đào tạo, chị Vân đã giúp sản phụ "vượt cạn" an toàn.
Hay ca đỡ đẻ tại khu Pản Kèng, đứa bé vừa ra khỏi bụng mẹ thì dây rốn đứt, chị Vân nhanh trí dùng hai cái panh kẹp dây rốn sản phụ, trẻ sơ sinh; sau đó, thực hiện thủ thuật cầm máu, bảo đảm an toàn cả mẹ và con.
Tại xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc, muốn đến Trạm y tế xã phải đi hơn 10 km đường đèo dốc. Do đó, phụ nữ ở đây ít đến trạm y tế khám thai, chưa hiểu và biết cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sinh tại nhà, tiềm ẩn nguy hiểm cho bà mẹ, thai nhi.
Những hạn chế này đã được khắc phục từ năm 2011, khi chị Ma Thị Ất làm CÐTB. Không quản ngại vất vả, chị Ất đến tận nhà phụ nữ có thai để tư vấn, khám thai; vận động chị em đến trạm y tế xã khám, đồng thời, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ em.
Chị Ất còn tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, chế biến bữa ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và các bà mẹ nuôi con nhỏ, giúp nâng cao sức khỏe sản phụ và trẻ em. Mặt khác, 90% số phụ nữ trong xóm là người các dân tộc H’Mông, Dao có tập quán sinh đẻ tại nhà cho nên chị Ất còn là bà đỡ "mát tay".
Chị Ất và gia đình sản phụ không quên ca hồi sinh cho cháu bé bị ngạt trong bụng mẹ. Chị Ma Thị Ất kể: "Ðó là một sản phụ khó sinh, người nhà tất tả chạy đến gọi tôi, khi đến nơi thì em bé đã bị ngạt. Tôi đã vận dụng những phương pháp căn bản được học, giúp cháu bé chào đời, rồi vận dụng mọi phương pháp, khả năng để cấp cứu đứa trẻ. Và rồi đứa trẻ đã òa khóc trong niềm hân hoan của gia đình sản phụ và CÐTB".
CÐTB Dương Thị Tâm, xóm Pác Hoan, xã Nội Thôn, cho biết: CÐTB là mô hình rất tốt và phù hợp đặc thù vùng sâu, vùng xa ở huyện Hà Quảng. Tôi có một cuốn sổ theo dõi thông tin của các sản phụ đang mang thai ở xóm, từ đó có kế hoạch theo dõi và thường xuyên đến nhà nhắc nhở đi tiêm, đi khám theo định kỳ. Ðối với những trường hợp sắp sinh thì dặn dò chị em theo dõi từng dấu hiệu để chồng và gia đình biết, có kế hoạch chuẩn bị.
Do địa hình phức tạp của địa phương cho nên mỗi khi đi vận động thường tốn rất nhiều thời gian. Ðến nay, do điều kiện kinh tế khá giả nhờ trồng gừng, được tiếp cận nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhận thức của người dân nơi đây đã tốt lên rất nhiều, ít có trường hợp sinh con tại nhà. Hầu hết khi có dấu hiệu chuyển dạ thì đều lên Trung tâm y tế huyện để sinh nở.
Quan tâm phát triển đội ngũ
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng Triệu Thị Hoa, đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, vai trò của CÐTB rất quan trọng vì Cao Bằng là tỉnh miền núi với những huyện, xã khó khăn, để vận động bà mẹ đến cơ sở y tế khám thai là cả một vấn đề.
Vận động họ đến sinh con tại cơ sở y tế lại là vấn đề nữa. Vì thế, tỷ lệ sinh đẻ tại nhà vẫn rất cao, nhất là ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng. CÐTB đóng góp đáng kể vào thành công chung của địa phương. Lực lượng CÐTB hiện chưa được hỗ trợ chi phí, tuy nhiên các CÐTB vẫn hoạt động khá nhiệt tình.
Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 124 CÐTB, trong đó, có 69 người không kiêm nhiệm y tế thôn bản, không có phụ cấp. CÐTB trong tỉnh Cao Bằng đều là người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ cộng đồng tại địa phương. Họ được đào tạo về y tế trong chín tháng để có thể cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Do cùng sống trong cộng đồng, thấu hiểu phong tục tập quán, tâm tư tình cảm của chị em, có cùng ngôn ngữ, CÐTB đã dễ dàng tiếp cận để tuyên truyền và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn. Ðánh giá về đóng góp thầm lặng của CÐTB, Trưởng Trạm y tế xã Quang Trung, huyện Hòa An Triệu Văn Tuyên chia sẻ, do điều kiện kinh tế khó khăn và phong tục tập quán lạc hậu cho nên khoảng 80 đến 90% số phụ nữ dân tộc H’Mông trong xã sinh con tại nhà, chỉ khi đẻ khó mới đón CÐTB hoặc đến cơ sở y tế. Nhờ những đóng góp thầm lặng, hiệu quả của CÐTB mà chục năm nay, trong xã không có trường hợp tử vong mẹ, tử vong con trong quá trình sinh đẻ.
Huyện Hà Quảng có 113 xóm với 24 CÐTB đang hoạt động, vẫn thấp so với nhu cầu thực tế của địa phương, lại dàn trải, không đồng đều, xóm có xóm không. Vì vậy, còn có những xã đang trắng CÐTB. Mặt khác, các CÐTB cũng cần được bồi dưỡng nghiệp vụ và cần trang bị thiết bị y tế để thực hiện nhiệm vụ.
Chị Hoàng Thị Nga, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm y tế huyện Hà Quảng mong muốn có kinh phí hỗ trợ đầy đủ và kịp thời cho các CÐTB, có kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ CÐTB, có nhiều lớp đào tạo hơn cho những địa bàn trắng CÐTB. Mỗi CÐTB đều đã được trang bị đầy đủ một bộ đồ dụng cụ hỗ trợ cho công việc của mình, tuy nhiên đến nay hầu hết các bộ dụng cụ này đã hỏng hoặc đã hết hạn sử dụng.
Theo báo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc (0)