Giảm nghèo bền vững: Trao sinh kế phù hợp
BẮC GIANG - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là giải pháp quan trọng, giúp khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để người nghèo tự lực vươn lên.
Cơ hội thoát nghèo
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh triển khai 144 dự án, mô hình giảm nghèo (11 dự án trồng trọt, 133 dự án chăn nuôi) với gần 3,4 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Trong đó, 87 mô hình thuộc hai chương trình: 30a và 135. Một số dự án hiện vẫn duy trì hiệu quả như: Nuôi bò sinh sản tại các xã Đồng Tiến, Canh Nậu, Tiến Thắng, Đồng Hưu (Yên Thế); nuôi dê, thỏ, ong kết hợp trồng rừng tại xã An Bá, Yên Định, Tuấn Đạo (Sơn Động); trồng cam, bưởi tại xã Lục Sơn (Lục Nam), Tân Sơn (Lục Ngạn)… Việc đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất đã khai thác được thế mạnh của địa phương; các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án, mô hình không chỉ được hỗ trợ cây, con giống mà còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tạo động lực vươn lên thoát nghèo.
Được hỗ trợ nuôi ong, gia đình anh Hoàng Hồng Ngọc, thôn Trại Chùa, xã Yên Định (Sơn Động) vươn lên thoát nghèo. |
Gia đình bà Đỗ Thị Hiển (SN 1972), thôn Am Hà, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) là một trong 31 hộ nghèo, hộ cận nghèo của thôn được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ sinh kế. Với địa hình đồi núi, bà cũng như nhiều người dân khác ở địa phương quanh năm trồng vải thiều, sắn và chăn nuôi nhỏ lẻ. Những năm trước, nguồn thu của gia đình chủ yếu dựa vào gần 100 cây vải đã cằn cỗi do không có điều kiện cải tạo. Vợ chồng bà cố gắng vẫn không thể thoát nghèo.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh triển khai 144 dự án, mô hình giảm nghèo (11 dự án trồng trọt, 133 dự án chăn nuôi) với gần 3,4 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia. Trong đó, có 87 mô hình thuộc hai chương trình 30a và 135. |
Năm 2019, gia đình được lựa chọn tham gia dự án trồng cây keo từ vốn hỗ trợ của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật chăm sóc nhưng bà và các hộ trong thôn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tỉ mỉ. Từ vốn tích lũy và vay mượn thêm, đến nay, bà Hiển có hơn 2 nghìn cây keo trên diện tích 1,3 ha. Cuộc sống dần vơi bớt khó khăn, năm 2022, bà Hiển đã viết đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
7 năm trước, anh Phạm Văn Trường (SN 1981), thôn Hợp Thành, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) chưa từng nghĩ đến giấc mơ thoát nghèo. Đất sản xuất ít, vợ chồng anh không có việc làm thêm, hai con đi học nên đời sống khó khăn. Là trụ cột trong gia đình nhưng anh Trường hay đau yếu. Nắm bắt tình hình, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đưa anh vào danh sách hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2020.
Từ 2 con bò sinh sản được hỗ trợ, vợ chồng anh chịu khó chăm sóc, đến nay đã xuất bán được 1 lứa (2 con bê), thu nhập gần 40 triệu đồng. Có vốn, anh Trường dự định nuôi gà, vịt để có thêm nguồn thu. “Nhờ được hỗ trợ sinh kế phù hợp mà đợt rà soát năm 2023, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chăm chỉ làm lụng, tôi cố gắng dành dụm để mua sắm thêm đồ dùng trong nhà, lo cho con ăn học, trưởng thành”, anh Trường chia sẻ.
Phân bổ vốn hợp lý, phát huy lợi thế địa phương
Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn hơn 12,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm gần 5,4 nghìn hộ, tương đương tỷ lệ giảm 1,18% so với năm 2022 (vượt kế hoạch 0,18%). Hộ cận nghèo còn 16,2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%, giảm 0,8% so với năm 2022. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Với phương châm công khai, minh bạch, hằng năm, ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp rà soát, thống kê để nắm tình hình hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định từng “chiều” thiếu hụt để đề xuất phương thức hỗ trợ phù hợp.
Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), ngoài áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi chung và đặc thù, Sở tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hằng năm trên cơ sở phân bổ hợp lý nguồn hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên kinh phí cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất, nâng cao thu nhập, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Năm 2023, huyện Yên Thế còn 876 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,83%, giảm so với năm 2022 là 275 hộ, tương đương với 0,94% (vượt kế hoạch tỉnh giao 0,45%). Ông Dương Ngọc Minh, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện cho biết: “Qua khảo sát, huyện triển khai dự án nuôi bò sinh sản bởi đây là loài vật dễ nuôi, ít rủi ro về dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào nhờ địa hình nhiều đồi núi. Năm 2024, từ nguồn phân bổ hơn 3,6 tỷ đồng cho dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), Phòng chỉ đạo cán bộ LĐTBXH ở 6 xã: Canh Nậu, Đồng Hưu, Đồng Lạc, Tân Hiệp, Hồng Kỳ, Tam Hiệp rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia dự án nuôi bò sinh sản”. Để bảo đảm nguồn hỗ trợ phát huy hiệu quả, các hộ được lựa chọn cấp vốn (18 triệu đồng/hộ) phải có năng lực để đối ứng một phần kinh phí xây dựng chuồng trại và có sức khỏe duy trì, phát triển mô hình.
Tại Lục Nam, lãnh đạo huyện giao trách nhiệm cho người đứng đầu các xã, thị trấn trong triển khai và đánh giá kết quả giảm nghèo. Mỗi xã lựa chọn từ 1-2 mô hình sản xuất phù hợp để hỗ trợ nhân rộng. Đơn cử như tại xã Nghĩa Phương, với thổ nhưỡng, địa hình đồi núi nên bà con quan tâm trồng, mở rộng diện tích bưởi. Theo bà Phùng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã, kinh phí của Chương trình 135 được ưu tiên cho cải tạo đường giao thông ở 5 thôn đặc biệt khó khăn giúp người dân tiêu thụ nông sản thuận lợi.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2024, 9 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh được phân bổ 35,5 tỷ đồng thực hiện dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Để khai thác tối đa hiệu quả nguồn vốn, các ngành, địa phương chủ động phân bổ, lồng ghép với các chương trình, chính sách hỗ trợ đặc thù; lựa chọn những mô hình sản xuất phù hợp với thực tế địa phương để nhân rộng. Đồng thời, đơn giản thủ tục để 100% hộ nghèo tiếp cận tín dụng ưu đãi, giúp họ có điều kiện sản xuất tốt nhất; tăng cường đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)