Già làng Lưu Đình Tiến: Dành trọn tâm huyết bảo tồn dân ca Sán Dìu
Giữ bản sắc dân tộc bằng tiếng hát
Từ trung tâm xã, con đường vào thôn Đồng Mạ uốn lượn bao quanh những khu dân cư trù phú, nhà mái ngói đỏ tươi, nhà cao tầng nhấp nhô xen lẫn đồi vải thiều xanh mát. Thôn có 240 hộ dân thuộc 7 dân tộc gồm: Kinh, Hoa, Tày, Nùng, Mường, Thái và Sán Dìu.
Ông Lưu Đình Tiến và các thành viên CLB dân ca Sán Dìu thôn Đồng Mạ hát Soọng cô. Ảnh: Thu Trang. |
Năm nay dù đã 76 tuổi, song già làng Lưu Đình Tiến vẫn minh mẫn, tinh tường khi nhớ về những năm tháng khó khăn, đói kém xưa kia và bảo: "Đời sống bà con nay đã khác xưa rất nhiều. Khi cuộc sống bớt khó khăn về vật chất, người dân trong làng, nhất là người già có nhiều thời gian hơn để tìm cách bảo tồn văn hóa dân tộc mình".
Được biết từ nhỏ, ông Tiến là người sáng dạ, ham học nên được cha mẹ gửi học ở Trường Dân tộc nội trú của huyện, sau đó theo học Trường Sư phạm Hà Bắc, được kết nạp Đảng tại trường. Học xong ông được Ty Giáo dục Hà Bắc phân công về công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh rồi nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Khi ra quân, ông về quê hương, làm Phó Hiệu trưởng Trường Thanh niên dân tộc huyện Lục Nam. Do ảnh hưởng sức khoẻ từ những năm tháng tham gia quân ngũ, năm 1989 ông Tiến xin nghỉ hưu sớm.
Ông Lưu Đình Tiến và cuốn tài liệu chữ Sán Dìu dạy cho đồng bào dân tộc. |
Vừa trở về quê hương ít ngày, ông tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Với mong muốn gìn giữ làn điệu dân ca Soọng cô, ông vận động hội viên người cao tuổi gương mẫu tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ (CLB) dân ca của xã. Từ năm 2015 đến 2020, ông là Chủ nhiệm CLB hát dân ca Sán Dìu xã Vô Tranh. Đến nay, CLB có hơn 40 thành viên từ cao niên đến thanh thiếu nhi duy trì sinh hoạt đều đặn.
Người già nêu gương gìn giữ, không ngại ngần cất cao tiếng hát Soọng cô thì con trẻ mới học theo, làm theo, từ đó mà thành phong trào bảo tồn di sản văn hóa dân tộc”.
Ông Lưu Đình Tiến |
Tuổi cao không quản khó khăn, ông cùng nhiều người cao tuổi trong xã cất công sưu tầm, ghi chép, tập hàng trăm bài hát đối đáp giao duyên, lễ Tết, mừng nhà mới…
Công việc này đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ, chính xác bởi nếu sai một câu là làm mất đi giá trị cốt lõi trong hàm ý của cha ông xưa.
Ông Tiến không nhớ đã có bao chuyến đi đến từng thôn bản, gõ cửa từng nếp nhà gặp gỡ các cụ cao niên để góp nhặt tư liệu quý. Bù đắp lại những tháng ngày vất vả đó của ông là những tập sách chữ viết của người Sán Dìu, từ đó sách được in sao thành nhiều bản và đồng bào có tư liệu muôn đời để truyền dạy cho con cháu.
Nhắc về chuyện sưu tầm làn điệu dân ca, ông Tiến hào hứng kể, hát Soọng cô là một trong những nghi thức không thể thiếu trong cộng đồng người dân tộc Sán Dìu. Lời ca, giai điệu chủ yếu ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, truyền tải tâm tư, tình cảm, mong ước cuộc sống no đủ tới mọi người. Ví như trong đám cưới, khi nhà trai đến đón dâu thì ở trước cổng nhà gái sẽ có một rào kết bằng hai cành tre. Nếu bên nhà trai đối được nhà gái thì cành tre đó được gỡ ra, khi ấy mới được vào rước dâu.
Từ năm 18 tuổi, ông Tiến nổi tiếng trong vùng là chàng trai hát giỏi, nhanh trí trong gieo vần hát đối nên thường được mời làm người đi hát đối ở lễ rước dâu trong vùng. Dân ca Sán Dìu từ xưa đến nay bài hát chỉ có 4 câu; mỗi câu có 7 chữ với nhiều thể hát khác nhau như hát giao lưu, hát giao duyên, hát tìm hiểu, hát chúc mừng, hát xin phép, hát tâm sự, hát mời, hát đối đáp…
“Hát dân ca Sán Dìu có nhiều lối hát lắm, nếu một người đi hát đối giỏi mà không thuộc khoảng 200 bài thì không đối nổi”, nói rồi, ông Tiến lấy hơi hát cho chúng tôi nghe một bài làm quen tỏ tình bằng lối hát chậm rãi, ngân nga, khi dịch ra tiếng phổ thông có vần điệu là: “Con cò có cánh bay xa/ Anh đây không cánh anh ra đường dài/ Đi từ buổi sáng đến chiều/ Đến nơi lại được gặp người thương thế này”. Giả dụ trong thôn có ai xây nhà mới, thay bằng tặng quà là hiện vật, khách sẽ hát bài mừng: “Tôi hát bài mừng chủ nhà/ Chủ nhà dựng nhà thật là to/ Một năm làm nhà ngàn năm ở/ Ngàn năm con cháu được ấm no”. Lời hát ý tứ sâu xa chính là tiếng lòng chân chất, mộc mạc của người Sán Dìu dành tặng cho nhau.
Với sự đóng góp tích cực của ông Tiến và người dân xã Vô Tranh, CLB hát dân ca Sán Dìu của xã từng đoạt nhiều giải thưởng trong các dịp hội hát tiếng dân tộc. Gần đây nhất là năm 2022, CLB đoạt giải B tại Hội thi văn nghệ các dân tộc thiểu số tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).
Hạnh phúc được dân tin yêu
Đi công tác hơn 20 năm, xa quê hương, xa cộng đồng người Sán Dìu, ông Tiến như cái cành vươn cao mà chưa bao giờ quên “cái gốc”. Từ ngày nghỉ hưu đến nay, ông không lúc nào ngơi việc làng, việc xã.
Ông Lưu Đình Tiến (người cầm micro) cùng hội viên người cao tuổi xã Vô Tranh hát dân ca Soọng cô. Ảnh: Công Doanh. |
Từ khi tham gia công tác xã hội, già làng Lưu Đình Tiến đau đáu một niềm là nhiều thanh niên ngay trong thôn, xã bây giờ không biết nói tiếng dân tộc mình. Ngẫm nghĩ mình dẫu tuổi cao nhưng còn sức khỏe, lại thông thạo chữ nghĩa, thuộc nhiều lời ca tiếng hát, ông quyết định truyền dạy tiếng dân tộc Sán Dìu cho bà con trong xã.
Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc, ông tuyên truyền, vận động bà con phát triển KT-XH gắn với giữ gìn nếp sống văn hoá tốt đẹp của cha ông. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông phối hợp với Ban mặt trận khu dân cư, Ban quản lý thôn vận động bà con hiến đất mở rộng đường giao thông, đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng và kinh phí để cứng hóa 7 km đường bê tông thôn Đồng Mạ. Ước tính, tổng kinh phí huy động nhân dân đối ứng khoảng 800 triệu đồng.
Các em nhỏ hát Soọng cô trong ngày hội. Ảnh: VIỆT HƯNG. |
Ông Lưu Văn Báo, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Ở vùng sâu, vùng xa như xã Vô Tranh, những khó khăn, trở ngại tưởng chừng như không thể thực hiện nhưng qua lời nói, việc làm nêu gương của già làng Lưu Đình Tiến đã mang lại kết quả tốt đẹp. Đời sống nhân dân nơi đây đổi thay từng ngày nhờ tình đoàn kết. Hiện thôn Đồng Mạ có nhà văn hóa khang trang, có sân thể thao là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân mỗi buổi sớm chiều. Người dân tuyên truyền, vận động nhau giữ gìn vệ sinh môi trường sống, tạo cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp".
Tháng 4/2022, ông Lưu Đình Tiến được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Bảo tồn văn hoá dân tộc Sán Dìu tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2022-2027. Ông cùng Ban Chấp hành Hội đã và đang xây dựng nhiều dự án bảo tồn và phát triển về tiếng nói, chữ viết, phong tục văn hóa với tinh thần mỗi gia đình là một trường học, ông bà truyền tiếng nói đồng bào dân tộc Sán Dìu cho bố mẹ, bố mẹ lại dạy cho con. Ngay trong dịp hè 2023, Hội Bảo tồn văn hoá dân tộc Sán Dìu tỉnh sẽ tổ chức hai lớp dạy tiếng nói và dạy hát cho các cháu trong cộng đồng.
Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng lòng nhiệt huyết, kinh nghiệm tích lũy bao năm cũng như sự tin yêu của đồng bào là nguồn năng lượng tinh thần lớn giúp già làng Lưu Đình Tiến tích cực tham gia công tác bảo tồn văn hoá của dân tộc Sán Dìu. Với nhiều đóng góp cho cộng đồng, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2022.
Thu Hà
Ý kiến bạn đọc (0)