Gặp đồng hương ở Tây Nguyên
BẮC GIANG - Ở tuổi thất thập, nhân kỷ niệm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, 5 lão cựu chiến binh cùng các bà vợ muốn đánh dấu cột mốc quan trọng của cuộc đời bằng một chuyến về chiến trường xưa. Gọi thế thôi nhưng các lão còn khá tráng kiện, mỗi ngày vẫn đi bộ ít nhất dăm cây số, đạp xe hơn vòng Hồ Tây.
Thời tráng niên, 5 ông từng tham gia cuộc chiến tại B3, tên gọi của chiến trường Tây Nguyên thời đánh Mỹ. Cách đi của họ khá độc đáo. Không nhằm địa danh đã diễn ra những trận đánh ác liệt, mà họ muốn thăm vùng đất xưa, đôi lúc viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương cho những người đồng đội có danh và vô danh. Đặc biệt, họ dành nhiều thời gian thăm những điểm du lịch của Cao nguyên trung phần. Đánh nhau mãi rồi, đi bộ luồn rừng mãi rồi, nay thử cảm giác đi trên đường lớn, để thấy đất nước mình, thấy Tây Nguyên đẹp giàu thế nào. Cũng là để thấy những năm tháng thanh xuân của mình cùng bao xương máu đồng đội đã bỏ ra để giành ngày chiến thắng không uổng phí.
Ảnh minh họa. |
Cái đích cuối cùng của chuyến du lịch về chiến trường xưa là Măng Đen, nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Cao nguyên. Sau khi thăm thú mọi địa điểm du lịch của Măng Đen, từ viếng thăm tượng Đức mẹ Sầu bi, làng du lịch Kon Pring, thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke… cả đoàn có một buổi tối thư giãn, tận hưởng không khí trong lành của thị trấn cao nguyên với những hàng thông cao vút, nguyên sơ. Nguyên, một tay lo hết mọi chuyện hậu cần, từ mua vé máy bay, đặt khách sạn, đặt xe, dự tính lộ trình ăn nghỉ… được cả nhóm tấn phong là trưởng đoàn quyết định sẽ tìm một quán ăn mang hương vị Bắc để mấy anh em chuyện trò tâm sự trước ngày trở về.
Cậu lái xe quê Thái Bình nhưng đã ở Tây Nguyên mấy chục năm, đi với đoàn hơn tuần nay được tín nhiệm bởi luôn giới thiệu những quán ăn đủ tiêu chuẩn ngon, bổ, rẻ đề xuất: Vậy thì con đưa các cô chú đến quán Mai Thương.
Có thể nói khó có thể tìm được vị trí nào mở một quán nhậu bình dân đắc địa hơn. Quán nằm trên sườn đồi nhìn xuống hồ Đăk Ke, ngay dưới tán rừng thông xanh mát, bất chấp mùa khô Tây Nguyên đã kéo dài hơn nửa năm. Trước cửa quán, một giàn hoa giấy, thứ hoa rất đặc trưng của Tây Nguyên đủ màu ôm trọn tấm biển “Mai Thương quán” khiến mấy bà vợ nghiện ảnh thi nhau tạo dáng chek in. Tuy nhiên, điều bất ngờ còn đang ở bên trong quán. Choán cả bức tường chính của phòng ăn có kê mấy bộ bàn ghế đơn sơ là một bức ảnh khổ lớn. Quê ở Bắc Giang, lại là người viết lách, Nguyên nhận ngay ra bức tường trình đất rêu phong với chiếc cổng nhỏ, lối vào xưa của chùa Bổ Đà, ngôi chùa cổ nổi tiếng tọa lạc tại xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang quê ông.
Trong hình là một cặp đôi, người đàn ông trong bộ quân phục tề chỉnh, còn người phụ nữ duyên dáng với trang phục của phụ nữ Ê đê. Cũng ngay lập tức, Nguyên nhận ra người đàn ông trong ảnh chính là chủ quán đang niềm nở chào khách bằng một giọng Bắc thuần chất. Màn nhận đồng hương diễn ra đầy xúc động. Sau mỗi thông tin được chia sẻ, hai người đồng hương đã chuyển từ cái bắt tay sang những cái ôm thân thiết. Và như một điều tất nhiên khi những người Bắc Giang gặp nhau, chuyện tiếp tục nở bung bên ly rượu nếp cái làng Vân cùng tấm bánh đa Kế giòn đôm đốp. Trong lúc đợi món ăn được đưa lên, Hoàng, tên ông chủ quán, kể với đồng hương câu chuyện dài về đời mình.
Tháng Ba năm 1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Ngày 10/3, Buôn Ma Thuột được giải phóng. Tiếp đó, Sư đoàn 23 quân lực Việt Nam Cộng hòa bị đánh tơi tả trên đường 21. Sư đoàn 22 bị tổn thất nặng nề và bị vây hãm ở An Khê. Gần như toàn bộ lực lượng Biệt động quân bị tiêu hao và giam chân ở Bắc Tây Nguyên. Các con đường 14, 19, 21 bị Quân giải phóng cắt đứt. Khối chủ lực của Quân khu 2, Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa bị vây chặt ở Kon Tum, Pleiku.
Mọi cố gắng giải cứu Buôn Ma Thuột đều thất bại. Trước tình thế túng quẫn đó, Nguyễn Văn Thiệu cùng các tướng lĩnh chóp bu của Việt Nam Cộng hòa quyết định rút toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 theo đường số 7 về duyên hải miền Trung để bảo toàn lực lượng. Thời điểm đó, toàn bộ các con đường từ Tây Nguyên về đồng bằng ven biển bị cắt dứt, chỉ còn duy nhất đường 7, nhưng cũng bị hư hỏng nặng. Trái với mong muốn của địch, cuộc rút lui chiến lược đã nhanh chóng biến thành cuộc tháo chạy hoảng loạn của hàng chục vạn binh lính, thường dân.
Nắm được ý đồ chiến lược của đối phương, Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên đã lệnh cho sư đoàn 320A cùng các lực lượng tăng cường khẩn trương truy kích, ngăn chặn, bao vây, tiêu diệt lực lượng quân địch đang rút chạy trên đường số 7, kiên quyết không cho chúng co cụm về vùng đồng bằng duyên hải Trung bộ.
Để chạy đua với các phương tiện cơ giới của địch, bộ đội ta đã bỏ lại toàn bộ quân tư trang, chỉ mang theo vũ khí, đạn dược cần thiết, cắt núi, băng rừng tìm con đường nhanh nhất chiếm lĩnh các điểm cao thuận tiện để lập các chốt chặn.
Không nặng về lời lãi, quán nhỏ như một sự gợi nhớ về quê hương Bắc Giang. Cũng bởi vậy, cùng những món ngon ba miền, Thương Mai nổi tiếng với món bánh đa Kế, nem nướng đưa cay với nếp cái hoa vàng làng Vân, mì Chũ nấu cá rô rau cải… những sản vật mà dù cách xa cả ngàn cây số vẫn đều đặn theo những chuyến xe khách ngày nào cũng có, từ Bắc Giang vào Tây Nguyên… Rót tràn những ly rượu quê thơm mùi nếp mới, ông Hoàng tếu táo mà không kém xúc động: Mai là tên bà xã, còn Thương là để nhớ con sông quê hương. |
Tổ trinh sát của Hoàng đã thần tốc cùng tiểu đoàn 9 bắt vào ven đường số 7, cách Cheo Reo khoảng hai cây số, lập chốt trước khi địch tới. Từ điểm cao, các chiến sĩ hướng nòng súng về phía đoàn xe quân sự đủ loại chen lấn nhau lọt vào trận địa phục kích. Từng là người lính dày dạn chiến trường nhưng Hoàng vẫn thấy cảm xúc rất khó tả. Các anh thấy trong đoàn quân đang tháo chạy, có cả những người dân vô tội, phụ nữ và trẻ em, gia đình binh lính, sĩ quan địch. Phải chọn cách đánh làm sao để tránh sự thương vong cao nhất cho những người dân vô tội. Những chiếc xe đi đầu bị tiêu diệt gọn khi chúng vừa lọt vào trận địa, khiến chúng trở thành vật cản ngăn cả đoàn xe. Đội hình địch rối loạn, đường số 7 tắc nghẽn, đại bộ phận địch rút lại về thị xã Cheo Reo, nhiều nhóm người tỏa ra, tìm đường chạy vào ven rừng.
Cùng tổ trinh sát của mình, Hoàng nhận lệnh tiếp tục vượt lên trước, tìm địa điểm lập chốt cho bộ binh chặn địch đang có ý đồ ngoặt sang đường số 5 để tiếp tục tháo chạy về đồng bằng. Vừa lội qua một khúc suối cạn, Hoàng phát hiện bên tảng đá lớn phía trước có người. Sau khi ra hiệu cho đồng đội tản ra theo đội hình chiến đấu, Hoàng đưa mắt quan sát. Thì ra đó là một cô gái còn khá trẻ, vẻ tơi tả của cuộc tháo chạy vẫn không giấu nổi nét khỏe khoắn của tuổi thanh xuân. Hình như cô đã kiệt sức với đôi chân trần rớm máu. Theo phản xạ tự nhiên, Hoàng tiến tới, vừa hỏi han, vừa cúi xuống xem xét đôi bàn chân cô gái. Vừa chỉ kịp nhận ra ánh mắt khác lạ của cô, anh đã cảm thấy đau nhói bởi nhát dao đâm lén của kẻ chuyên nghiệp. Trước lúc lịm đi, Hoàng còn kịp nhận thấy đồng đội của mình bắn hạ tên lính ngụy trong bộ quần áo rằn ri vừa nhào vào anh từ phía sau.
Tỉnh lại ở trạm phẫu tiền phương, hình ảnh đầu tiên mà đôi mắt mệt mỏi của Hoàng nhận biết là gương mặt con gái đang đầm đìa nước mắt. Phải mất hồi lâu, Hoàng mới mang máng nhận ra đó chính là cô gái ngồi bên tảng đá. Theo lời các y tá ở trạm phẫu, khi đồng đội đưa Hoàng tới đây, cô gái cứ lẽo đẽo theo sau và một mực xin ở lại chăm sóc anh. Cô xin với bác sĩ trạm trưởng được túc trực bên anh, đỡ đần cho các chị hộ lý vốn đã rất tất bật trong mùa chiến dịch. Được ít hôm, khi Hoàng đã dần bình phục, trong một lần dìu anh đi dạo ven bờ suối, cô mới kể với anh đầu đuôi câu chuyện.
Cha cô là một sĩ quan hậu cần thuộc Bộ tư lệnh quân đoàn 2. Khi được lệnh tùy nghi di tản, ông nhanh chóng chạy về, chất cả nhà gồm bà vợ và 4 con lên chiếc xe Jeep, hòa vào dòng người xe tháo chạy trên đường số 7. Khi tiếng súng đánh chặn của quân giải phóng vang lên ở trận địa phục kích gần thị xã Cheo Reo, cả gia đình tan tác, cô theo một toán lính chạy thục mạng vào rừng. Đến khi tiếng súng đã xa, cô mới chợt nhận ra chỉ còn mình với một gã lính dáng bặm trợn trong bộ đồ thám báo. Có lẽ trong lúc chạy thục mạng, gã vứt cả súng chỉ còn con dao găm đeo lủng lẳng bên hông. Đúng lúc đó thì họ phát hiện Hoàng đang theo con suối cạn đi tới. Gã thám báo nhanh chóng dàn cảnh, ép cô phải vờ bị thương, mong thu hút sự chú ý của Hoàng để gã bất ngờ tấn công từ phía sau.
Trước diễn biến nhanh chóng của sự việc, H’ Mai Niê, tên cô gái chỉ biết đưa ánh mắt cảnh báo anh giải phóng nhưng không kịp. Rất may đồng đội của anh đã kịp thời ứng cứu.
Lạc mất gia đình, không biết đi đâu, phần cũng thấy mình có trách nhiệm với Hoàng, H’Mai Niê luôn ở bên suốt thời gian anh điều trị và cả lúc anh được chuyển về phía sau. Các thầy thuốc mặc nhiên thừa nhận việc cô gái người Ê đê có nước da nâu mịn, thân hình cân đối và cặp mặt sáng như biết nói luôn đi theo anh thương binh quê Hà Bắc, cũng như chấp nhận bao cảnh ngộ éo le trong những ngày loạn lạc đầy đau thương đó. Cứ như vậy, H’Mai Niê gắn bó với Hoàng đến lúc anh được ra quân, phục viên, rồi cùng về đến quê hương Việt Yên, nơi có ngôi chùa Bổ Đà mà tuổi thơ anh hằng gắn bó.
Về quê, Hoàng mới biết bố mẹ anh đều đã mất. Có lẽ các cụ qua đời vì sự mòn mỏi trông chờ trong đau đớn khi người anh cả của Hoàng hy sinh năm 1972 ở Thành cổ Quảng Trị, còn Hoàng thì bặt vô âm tín. Biết làm sao được, chiến tranh là như thế. Sau khi thăm mộ bố mẹ, giao lại ngôi nhà cho người chú ruột, Hoàng cùng H’ Mai Niê trở lại Tây Nguyên. Với Hoàng, giờ H’Mai Niê như người thân duy nhất. Chừng ấy thời gian và những gì họ cùng trải nghiệm đã đủ làm nảy sinh tình cảm giữa hai người.
Thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ. Vợ chồng Hoàng đã nên ông, nên bà, con cháu đề huề, phương trưởng. Cách đây gần chục năm, khi Măng Đen dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, hai người chọn nơi đây làm chốn an hưởng tuổi già. Và thế là quán nhỏ Mai Thương ra đời. Không nặng về lời lãi, quán nhỏ như một sự gợi nhớ về quê hương Bắc Giang. Cũng bởi vậy, cùng những món ngon ba miền, Thương Mai nổi tiếng với món bánh đa Kế, nem nướng đưa cay với nếp cái hoa vàng làng Vân, mì Chũ nấu cá rô rau cải… những sản vật mà dù cách xa cả ngàn cây số vẫn đều đặn theo những chuyến xe khách ngày nào cũng có, từ Bắc Giang vào Tây Nguyên…
Rót tràn những ly rượu quê thơm mùi nếp mới, ông Hoàng tếu táo mà không kém xúc động: Mai là tên bà xã, còn Thương là để nhớ con sông quê hương. Mai Thương là vì tôi là rể người Ê đê, mà dân tộc Ê đê vẫn theo chế độ mẫu hệ.
Nào, mời các chiến hữu cạn ly!
Tây Nguyên - Hà Nội, tháng 4/2024
Truyện ngắn của Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)