Đồng nghiệp
Khi tôi vào lớp dạy tiết năm môn Ngữ văn của mình, thay vì giở vở chuẩn bị trả bài cũ hay học bài mới thì mấy cậu học trò láu táu đã khoe tiết bốn cô Ngà nghỉ ốm, thầy Học dạy thay môn Tiếng Anh thích lắm.
Minh họa: HIỀN NHÂN. |
Lúc tan trường, đi qua phòng nghe nhìn đã thấy thầy Học ở đó, tôi vào hỏi:
- Học sinh khoe thầy dạy tiếng Anh hay lắm.
- Trời ơi, chị nói thật không đấy? Em cứ lo cái bằng B tiếng Anh của em lúc học thạc sĩ chưa chắc đã dạy được. Chị Ngà bị tai nạn giao thông, cô Hòa lại đang làm thủ tục để theo chồng ra nước ngoài. Không có ai dạy, em đành phải dạy thay.
- Như thế, trường thiếu giáo viên dạy tiếng Anh à?
- Vâng. Đã báo cáo lên trên rồi chị ạ.
- Đầu năm trước, do thừa biên chế, cả huyện chả cắt ba mươi hợp đồng, trong đó có tám giáo viên tiếng Anh, giờ mới thế.
Giọng thầy Học nhỏ lại:
- Em đang tính sẽ đến tìm cô Thơi chị ạ.
Thơi về trường sau tôi mấy năm. Mười năm dạy hợp đồng, bỗng dưng đầu năm học trước ba chục giáo viên hợp đồng bị cắt trong đó có Thơi. Ai cũng thương cho cô ấy, một nách nuôi hai con nhỏ, chồng bị ốm mất đã ba năm nhưng không ai giúp gì được. Thơi nghỉ dạy, về xin đi làm công ty.
*
* *
Đợi đám học trò chen nhau xuống cầu thang chạy ra lấy xe, tôi lách qua phòng nghe nhìn vì biết thời khóa biểu cô Ngà có tiết năm. Đúng lúc gặp ngay thầy Học đang sửa chữa máy tính. Vốn học cùng và chơi thân với em trai tôi nên tôi biết khá nhiều về Học, dù trên cơ quan chúng tôi ít tâm sự với nhau về chuyện gia đình. Học vốn không thích nói chuyện riêng tư.
Vợ Học là cô Lợi, trước bán quần áo ở chợ. Sau khi sinh con gái thứ hai được bốn tuổi, trong xã có phong trào đi xuất khẩu lao động, Lợi đòi đi bằng được. Ba năm vợ đi Đài Loan, Học ở nhà vừa dạy học, vừa học đại học tại chức, vừa nuôi con. Lợi về nhà hai tháng rồi lại ký tiếp hợp đồng để đi thêm ba năm nữa. Đây là khoảng thời gian Học lên chức phó hiệu trưởng rồi học tiếp cao học. Vợ Học đi nước ngoài lúc cháu lớn mới chín tuổi, cháu bé bốn tuổi. Khi con trai lớn đã học lớp chín, cháu bé học lớp bốn thì vợ chồng Học bỏ nhau.
Thầy Học ngẩng lên, thấy tôi vào thì phủi tay cho hết bụi, miệng nhoẻn nụ cười tươi.
- Chị.
- Thầy sửa máy hả? Nó lại đòi tiền rồi chăng?
- Em đang sửa, máy cũ hay trục trặc quá, loa rè, học sinh khó nghe. Cũng ổn rồi chị ạ, chứ động hỏng lại gọi thợ thì tốn tiền lắm.
- Thế chuyện nhờ cô Thơi đến đâu rồi? Cô Ngà mới mổ xong, đang nằm phòng cấp cứu theo dõi. Ổn thì tháng sau mổ lại.
- Em gặp Thơi rồi, chiều tối hôm qua rảnh, em tới.
Tôi biết Thơi đã được nhận vào làm việc ở công ty may. Làm được hai tháng, Thơi chuyển lên làm việc tại văn phòng nhờ giỏi tiếng Anh. Ngày Nhà giáo Việt Nam năm ngoái, Học rủ tôi tranh thủ tới thăm hai mẹ con. Thơi chưa về, ngồi chơi với mẹ Thơi, thấy có bó hoa hồng nhung cắm trong bình, bà cụ khoe của học sinh cũ tặng. Một lúc sau Thơi về, gặp chúng tôi, cô ấy vui lắm, khoe đã quen công việc, lương năm triệu rưỡi một tháng, chỉ phải cái thời gian đi làm từ bảy giờ sáng đến sáu giờ tối mới về đến nhà. Nhiều hôm mệt chỉ còn lăn ra ngủ, con tự học hết. May mà con bé cũng ngoan.
- Thế cô Thơi bảo sao? Tôi hỏi. Học lơ đãng nhìn mấy lá bàng khô bay ngoài cửa sổ.
- Thơi mời em ở lại ăn cơm. Bẵng đi nửa năm nay em không tới thăm mẹ con cô ấy được vì cô ấy đi làm về muộn, em lại bận chuyên môn. Nay tự dưng ở lại ăn cơm, ngại quá, em lấy lý do phải về nhà với con bé kẻo nó sợ, thằng anh thì sang bà ngoại chơi từ chiều. Trò chuyện vòng vo mãi em mới nói được với cô ấy. Cô ấy bảo, bây giờ thiếu người thì gọi cô ấy về, vài hôm nữa cô Ngà khỏi bệnh, trên lại điều cho giáo viên mới, lúc đó cô ấy lại đi đâu. Quay về công ty ai người ta nhận nữa.
- Thế thầy có nói đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh không? Sẽ có cơ hội thi tuyển viên chức để cô ấy yên tâm khi quay về không?
- Có, ý em cũng như vậy nhưng cô ấy bảo là anh nói thế thôi, anh đâu có quyền. Rồi cô ấy nói con em đang lớn cần phải có chỗ dựa vững chắc và em thì không muốn phiêu lưu một lần nữa để rồi lại về tay trắng. Lúc em đứng dậy chào mẹ Thơi, bà cụ cứ ngồi im không nói gì.
- Biết làm sao bây giờ. Cô ấy lo xa cũng phải thôi. Nếu cô ấy trở lại trường thì phải đề nghị cấp trên có chính sách hợp lý cho giáo viên hợp đồng lâu năm như cô ấy.
Thầy Học ngập ngừng:
- Chị cho em hỏi một chút
được không?
Mắt Học tự dưng nghi ngại.
- Thầy cứ hỏi.
- Nhưng chị hứa đừng nói với ai!
- Sao thầy lại úp mở thế?
- Em biết chị đã hiểu hoàn cảnh của em nhưng chị không muốn hỏi thôi. Em thì
Bầy trẻ nhỏ vừa trồng cây vừa trêu đùa nhau. Một cậu học trò đang giơ con sâu xanh bắt được trong vòm lá lên trêu bạn gái bên cạnh khiến cô bé thất thanh chạy qua những cây hồng đang nhú nụ. Vạt áo trắng chạm khẽ vào cành lá, một mùi hương thoang thoảng khẽ bay lên... |
thế, còn Thơi chị cũng biết. Trước đây em đã có ít nhiều cảm tình với cô ấy. Sau buổi gặp gỡ với Thơi nói về nghề, đêm về, em trằn trọc khó ngủ. Em cứ nghĩ về Thơi. Em nghĩ cô ấy sẽ hợp với hoàn cảnh của em. Liệu em đến với cô ấy có được không chị nhỉ?
Câu hỏi bất ngờ khiến tôi lúng túng. Lời thầy Học bâng bâng:
- Trước kia em từng có ý nghĩ ấy, rồi Thơi rời trường mà em không làm gì giúp cô ấy được. Tự em thấy mình hèn quá nên ngại gặp Thơi. Dần dà chúng em có khoảng trống. Nay gặp lại cô ấy, cảm xúc khó tả lại trỗi dậy. Cô ấy có gầy, đen hơn một chút nhưng trông rắn rỏi và vui tươi lắm chị ạ. Mỗi việc là cô ấy từ chối trở lại trường làm em day dứt. Có khi nào nếu em đặt vấn đề cũng sẽ khiến cô ấy dù không nhận lời nhưng cũng không vui không?
- Chuyện Thơi không về lại trường với việc thầy định đến với cô ấy là hai chuyện khác nhau.
*
* *
Tháng sau, cô Hòa chính thức thôi việc theo chồng ra nước ngoài. Thầy Học được hiệu trưởng phân công đi tìm người dạy thay. Dù thầy Học đã gọi cho giáo viên mấy trường xung quanh song ai cũng kín hết lịch, vài người còn bận học khóa bồi dưỡng Tiếng Anh trên Sở nên không giúp gì được. Thầy Học đành gọi cho cô Mai, giáo viên Tiếng Anh cũ của trường đã nghỉ hưu nhờ ra đứng lớp trong thời gian tìm giáo viên mới.
Sáng thứ năm, thầy Học gọi tôi bảo hơi mệt nên nhờ buổi chiều hướng dẫn học sinh lớp tôi trồng hoa cho kịp ngày 20/11. Mười lăm giờ, như đã hẹn, tôi đến trường. Trong vườn trường, các em học sinh đã như bầy chim non dàn ra các luống hoa. Nhìn thầy Học và cái dáng quen thuộc của cô Thơi đang hướng dẫn các em trồng từng luống hoa, tôi mừng quá vội chạy lại chỗ Thơi. Hai chị em vồn vã chào nhau trong khi Học chỉ nhìn và cười tủm.
- Sao thầy Học bảo mệt mà còn ra hướng dẫn các em trồng hoa sớm hơn dự kiến làm tôi thành người đi muộn mất rồi?
- Đầu giờ chiều nay, Thơi bất ngờ gọi điện cho em nói sẽ quay về trường. Biết em đang chở bầu hoa ra, cô ấy qua luôn bảo còn nhận thời khóa biểu để chuẩn bị bài mai đi dạy chị ạ.
Thơi ngừng cuốc đất, đưa tay lau mấy giọt mồ hôi trên má:
- Hôm qua, con gái em về kể thầy Học lên lớp dạy nhiều khản cả tiếng, còn ho liên tục. Đêm, em mất ngủ, rồi quyết định gọi điện cho thầy Học. Chiều nay về trường, gặp lại học sinh, em mới hiểu mình vẫn còn yêu nghề lắm chị ạ!
Tôi nắm tay Thơi.
- Mừng đồng nghiệp về trường với chúng tôi. Yêu nghề bao nhiêu càng yêu người bấy nhiêu đúng không thầy Học?
Học liếc nhanh nhìn Thơi, không trả lời tôi.
Thơi đỏ mặt nhìn bầy học trò.
Bầy trẻ nhỏ vừa trồng cây vừa trêu đùa nhau. Một cậu học trò đang giơ con sâu xanh bắt được trong vòm lá lên trêu bạn gái bên cạnh khiến cô bé thất thanh chạy qua những cây hồng đang nhú nụ. Vạt áo trắng chạm khẽ vào cành lá, một mùi hương thoang thoảng khẽ bay lên...
Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc (0)