Đổi mới hoạt động, phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp
Đến dự có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức (Tổng LĐLĐ Việt Nam), Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối DN, Hiệp hội DN tỉnh và các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐCS trực thuộc.
Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 07, đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã kết nạp hơn 77,6 nghìn đoàn viên, thành lập 374 CĐCS; trong đó có hơn 74,7 nghìn đoàn viên ở khu vực DN, chiếm 96,2%, 295 CĐCS trong DN, chiếm 78,9%.
Như vậy, hiện LĐLĐ tỉnh quản lý, chỉ đạo trực tiếp 1.821 CĐCS (trong đó 557 CĐCS DN), thu hút gần 183 nghìn đoàn viên công đoàn tham gia (trong đó có hơn 132 nghìn đoàn viên khu vực DN.
Quang cảnh hội thảo. |
Công đoàn các cấp đã tích cực bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng những đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) ưu tú để xem xét kết nạp. Từ năm 2016 đến nay đã có 4,3 nghìn người được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có 861 đảng viên là đoàn viên, người lao động ở các DN.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất đánh giá về những kết quả nổi bật trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nhất là trong DN, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Đồng thời, trao đổi, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ này như: Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ DN thành lập tổ chức công đoàn chưa linh hoạt, thiếu thuyết phục nên nhiều DN đủ điều kiện nhưng chưa thành lập công đoàn; cán bộ công đoàn ở DN chủ yếu kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian, thậm chí bị giới chủ chi phối trong tổ chức các hoạt động chăm lo đoàn viên, CNLĐ; một bộ phận công nhân, người lao động trong DN chưa giác ngộ về chính trị, ngại tham gia tổ chức cũng như hưởng ứng các chương trình do công đoàn phát động.
Hoạt động của một số CĐCS trong DN còn hạn chế, chưa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nên chưa trở thành động lực để thu hút, tập hợp công nhân lao động. Công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài khu vực nhà nước đạt kết quả tích cực nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Bùi Văn Khước, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Bắc Giang trao đổi một số vấn đề tại hội thảo. |
Ông Bùi Văn Khước, Chủ tịch LĐLĐ TP Bắc Giang cho rằng, cán bộ CĐCS cần linh hoạt trong việc tiếp cận các đối tượng liên quan trong quá trình vận động thành lập. Bên cạnh cách thức truyền thống từ phía người lao động, nên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với chủ DN để họ tạo điều kiện cho ban vận động tổ chức tuyên truyền. Thành lập ban vận động trên cơ sở lựa chọn các thành viên nòng cốt là CNLĐ trong DN, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, có kế hoạch vận động phù hợp.
Tổ chức công đoàn cần tập trung đổi mới hoạt động để thu hút đoàn viên, hướng về cơ sở, nhất là nâng chất lượng các thỏa ước lao động tập thể với các điều kiện có lợi cho đoàn viên; chủ động phối hợp với các ngành chức năng trong giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về lao động trong DN, kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm, từng bước nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 07, phát triển tổ chức công đoàn, nhất là trong DN, thu hút đông đảo CNLĐ tham gia, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác phối hợp với các ngành liên quan, bám sát để nắm bắt tình hình thu hút đầu tư, lao động tại các DN trên địa bàn. Từ đó xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển CĐCS, kết nạp đoàn viên cho công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn ngành. Đẩy mạnh và đổi mới hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người lao động về vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn để tự nguyện tham gia.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)