Đi chợ quét mã mua hàng
An toàn, thuận tiện
Thông thường, các chợ trên địa bàn huyện họp theo phiên, chiều tối đóng cửa hoặc chỉ còn một số quầy hàng ngoài cổng, dãy gần mặt đường mở bán nhưng chợ Nếnh lại khác, đông vui, nhộn nhịp từ tờ mờ sáng đến tối. Sở dĩ như vậy là do thị trấn Nếnh và địa bàn lân cận có hàng chục nghìn công nhân ở trọ, giờ tan ca, rời nhà máy, xí nghiệp cũng là lúc họ tranh thủ rẽ qua chợ mua sắm vật dụng, thực phẩm.
Chiều tối, chợ Nếnh đông đúc người. |
Nắm bắt nhu cầu đó và để phục vụ “thượng đế”, các tiểu thương kinh doanh trong chợ mở cửa hầu hết thời gian trong ngày. Vì thế, chợ Nếnh ngày càng sầm uất, hàng hóa đa dạng.
18 giờ một ngày cuối tháng 8, chúng tôi đi vào các dãy hàng trong chợ, người qua lại đông đúc, len qua nhau vội vã. Chờ người thưa hơn, chị Nguyễn Thị Thùy, quê ở huyện Bình Lộc (Lạng Sơn) hiện là công nhân tại Khu công nghiệp Đình Trám dừng chân tại cửa hàng giày dép. Thử vài loại, chị chọn cho mình đôi dép có giá 170 nghìn đồng.
Thấy khách ưng ý, chị Nguyễn Thị Hải-chủ cửa hàng nhanh nhảu: “Em trả bằng tiền mặt hay quét chuyển khoản?” rồi lấy ra một bảng nhựa hình chữ nhật có mã QR của ngân hàng. Chị Thùy đáp: “Em quét mã cho nhanh”. Trong chốc lát, đưa chiếc điện thoại gần mã QR, chị Thùy đã thanh toán xong món hàng mình mua.
Trò chuyện, chị Hải cho biết: "Trước đây, người mua hàng chủ yếu trả tiền mặt nên tôi phải chuẩn bị nhiều tiền lẻ để trả lại. Từ hơn một tháng nay, được sự hỗ trợ, hướng dẫn thanh toán quét mã, lượng tiền thanh toán vào tài khoản nhiều hơn, bảo đảm chính xác. Không chỉ số tiền lớn mà từ 20-30 nghìn đồng khách cũng chuyển khoản. Bình quân, cửa hàng thu khoảng 2 triệu đồng/ngày vào tài khoản, cao gấp đôi so với trước”.
Tại quầy hàng tạp hóa của bà Nguyễn Thị Hậu (năm nay hơn 60 tuổi) khách cũng tấp nập mua hàng. Mua vài cân đỗ đen và gói bột canh với tổng số tiền 203 nghìn đồng mang về phòng trọ ở xã Hồng Thái (Việt Yên), anh Nguyễn Thế Minh quét thẻ thanh toán nhanh chóng. Bà chủ đưa bảng mã cho khách, kiểm tra điện thoại xem tiền đã đến tài khoản chưa là xong.
Theo tiểu thương này, để tiện cho việc kinh doanh, bà đã nhờ người hướng dẫn cách bán hàng không cần lấy tiền mặt. Có lần khách bảo bà cho tài khoản ngân hàng để chuyển, đôi khi họ nhập nhầm số, nhấn đi nhấn lại nhiều lần cũng mất thời gian. Với cách quét mã như hiện nay đã khắc phục được tình trạng trên, dù giá trị hàng hóa nhỏ hay lớn đều thuận lợi.
Tâm lý ngại thay đổi
Khảo sát cho thấy, trong chợ có hàng chục điểm bán hàng sử dụng quét mã để thanh toán không dùng tiền mặt. Người mua, bán đều nhận thấy sự tiện lợi của cách giao dịch này. Từ khi trong chợ có điểm quét mã QR, nhiều người đến đây không phải mang nhiều tiền vẫn mua được hàng theo sở thích.
Khách mua giày dép thanh toán bằng quét mã QR. |
Vừa mua xong chục bát, đĩa, chị Đoàn Thị Bảo Yến, công nhân Khu công nghiệp Vân Trung chia sẻ: “Đến chợ em chỉ cần mang ít tiền mặt mà sắm được kha khá hàng vì ở chợ nhiều cửa hàng áp dụng quét mã. Cách thanh toán này em thấy an toàn, không lo bị cướp giật, đánh rơi như khi mang tiền mặt”.
Sự tiện lợi này có được trước hết là xuất phát từ sự năng động của chính người kinh doanh. Các tiểu thương đã tìm hiểu phương thức thanh toán mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Huyện đoàn đã phối hợp với Agribank chi nhánh huyện Việt Yên phối hợp tổ chức ra mắt mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt” tại chợ Nếnh. Đây là mô hình đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh. Tiểu thương, người dân có thể mua bán hàng hóa bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số tài khoản trên ứng dụng E-Mobile Banking. Các giao dịch hoàn toàn miễn phí.
Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thị Hương, nhận thấy chợ Nếnh có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện lại là nơi lượng công nhân đến mua hàng đông nên đơn vị lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình "chợ dân sinh không dùng tiền mặt". Sau hơn một tháng triển khai, trong chợ có hơn 30% tiểu thương sử dụng mã QR khi thanh toán.
Tuy nhiên, những cửa hàng sử dụng dịch vụ này chủ yếu là nơi bán thực phẩm khô, đồ gia dụng, còn hàng tươi sống rất ít. Chị Thân Thị Hảo, chủ cửa hàng bán rau, củ, quả tại chợ cho hay: “Vì mỗi mớ rau, bó hành hay quả cà chua… chỉ vài nghìn đồng nên khách chỉ trả tiền mặt. Chỉ khi khách đặt hàng phục vụ cho đám cưới, hỏi mới chuyển khoản cho tôi thôi”.
Qua khảo sát, một số chủ quầy hàng vẫn còn tâm lý ngại thay đổi. Bà Nguyễn Thị Tâm kinh doanh đồ gia dụng kể: “Do không nắm rõ về công nghệ nên ai trả tiền mặt tôi mới bán hàng. Nhiều lần khách mua đồ, không mang tiền mặt bảo chuyển khoản nhưng tôi không có số tài khoản”.
Cũng chung tâm lý như bà Tâm, một số tiểu thương trung tuổi khác ít truy cập Internet hoặc không thạo công nghệ, sợ bị lừa đảo nên mua bán cứ phải “tiền tươi, thóc thật” mới yên tâm. Một yếu tố nữa là hiện tại các ngân hàng đều giới hạn, quy định giao dịch tối thiểu mỗi lần phải 10 nghìn đồng mới thành công nên những hàng có giá trị thấp sẽ không tiện áp dụng giao dịch không tiền mặt.
Cần nhân rộng
Tìm hiểu tại chợ Nếnh, chúng tôi cũng nhận thấy, dù một số quầy hàng đã chấp nhận thanh toán quét mã QR nhưng người tiêu dùng vẫn chỉ trả tiền mặt. Quầy bán hàng xén của ông Lê Minh Khôi từ hơn một tháng qua chưa có khách nào quét mã.
Cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh Việt Yên và đoàn viên thị trấn Nếnh hướng dẫn tiểu thương tại chợ Nếnh cách thanh toán qua quét mã QR. |
“Tôi thấy cách thanh toán này tiện lợi nhưng phải cần thêm thời gian tuyên truyền để bà con hiểu. Khách đến mua hàng có cả mua lẻ và mua buôn song họ vẫn chỉ trả bằng tiền mặt nên tôi cất mã QR trong góc, ai hỏi cần thanh toán chuyển khoản tôi mới bỏ ra”, ông Khôi nói.
Giao dịch không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu trong thời đại chuyển đổi số. Đến nay, giao dịch này phổ biến ở thành phố, khu đô thị nhưng ở vùng nông thôn vẫn còn khá mới mẻ. Việc huyện Việt Yên chỉ đạo thí điểm mô hình "chợ dân sinh không dùng tiền mặt" góp phần giúp tiểu thương, người dân trong khu vực tiếp cận với phương thức thanh toán hiện đại.
Điều này sẽ dần khắc phục tình trạng mỗi dịp Tết đến, Xuân về, công nhân xếp hàng dài rút tiền mặt để sắm Tết, thậm chí có người đến lượt thì cây ATM báo hết tiền.
Thời gian tới, huyện chỉ đạo tập trung tuyên truyền tại các khu vực chợ dân sinh, nơi tập trung đông công nhân, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ... về thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 mô hình". Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên. |
Theo ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, nhằm phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của đoàn viên thanh niên trong chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025 cũng như đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, huyện chỉ đạo Huyện đoàn, các xã, thị trấn phối hợp tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền về thanh toán không tiền mặt.
Trong đó tập trung tại các khu vực chợ dân sinh, nơi tập trung đông công nhân, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ...; phấn đấu, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 mô hình.
Để không bỏ lỡ, đánh mất cơ hội kinh doanh, bản thân các tiểu thương cũng cần thay đổi thói quen dùng tiền mặt, tìm hiểu, áp dụng công nghệ trong thanh toán. Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ cần nghiên cứu, điều chỉnh giao dịch, không khống chế mức giao dịch tối thiểu 10 nghìn đồng/lần như hiện nay để người dân dễ dàng sử dụng rộng rãi.
Tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt đã được khẳng định, hy vọng mô hình này sẽ sớm được nhân rộng tại huyện Việt Yên và những chợ dân sinh trong tỉnh.
Bài, ảnh: Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)