Để giáo viên yên tâm cống hiến
Cô giáo này chia sẻ, bao năm gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, không nghĩ sẽ có ngày phải rời bỏ công việc mình mơ ước từ khi còn học phổ thông. Lý do bởi lương thấp, sau 14 năm cống hiến chỉ được khoảng 6,6 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cho 2 hai con đang học THCS và mầm non, chuyên tâm vào việc khác có thu nhập cao hơn.
Trước đó, một cô nuôi dạy trẻ ở xã Tân Hưng (Lạng Giang) cũng xin nghỉ việc sau hơn 10 năm gắn bó với nghề. Bởi không hẳn lương thấp mà công việc của cô giáo mầm non còn vất vả và áp lực. Đến trường từ sáng sớm đón trẻ, làm việc tới khoảng 5 giờ chiều, thậm chí muộn hơn đến khi phụ huynh đón con. Từ dỗ trẻ, thay quần áo bẩn, cho ăn uống, chuẩn bị đồ dùng học tập, làm đồ chơi, dạy học… và bao việc không tên mà mỗi cô giáo mầm non đều phải đảm nhận.
Xong việc ở trường, cô lại làm tròn “vai” người mẹ, người vợ ở nhà với “núi” công việc hằng ngày, thậm chí đến nửa đêm mới hoàn thành khiến sức khỏe tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng nặng nề. Làm nghề khác vẫn có thu nhập lại không áp lực, tinh thần thoải mái.
Thời gian qua, câu chuyện về giáo viên bỏ nghề không còn là hiếm ở Bắc Giang cũng như trong cả nước. Theo thống kê của Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đội ngũ giáo viên là lực lượng hùng hậu nhất với khoảng 1,2 triệu trong tổng số 1,7 triệu viên chức cả nước. Tuy nhiên con số thống kê vào năm 2022, trong khoảng 2,5 năm, ngành Giáo dục ghi nhận gần 14,5 nghìn giáo viên mầm non và phổ thông công lập nghỉ việc. Riêng năm 2022, trung bình cứ 100 giáo viên có 1 trường hợp bỏ việc, chiếm tỷ lệ 1%.
Khi những câu chuyện trên chia sẻ, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nào là bỏ nghề do có công việc, môi trường làm việc, điều kiện tốt hơn. Có người còn so sánh, thu nhập của một lao động phổ thông tại doanh nghiệp hiện khiêm tốn cũng có trên dưới chục triệu đồng mỗi tháng, về đến nhà chả phải lo nghĩ việc nhà máy trong khi giáo viên vẫn phải chuẩn bị bài vở cho ngày mai.
Thời buổi này, làm nghề tự do kiếm 5-7 triệu đồng/tháng không khó. Nhiều người còn cho rằng, bây giờ giáo viên không dám trách mắng nặng nề, bị học sinh và phụ huynh giám sát chặt chẽ, phạt cũng phải đúng quy định bởi dễ khiến phụ huynh nổi nóng, lại ý kiến, đơn thư. Rồi kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng của học sinh “đổ” hết lên đầu giáo viên chịu trách nhiệm…
Mặc dù giáo viên các cấp học đều được hưởng phụ cấp, hỗ trợ khác nhưng so với mức chi phí cuộc sống hiện nay, nếu chỉ trông vào thu nhập từ nghề thì một bộ phận không nhỏ thầy cô rất khó lo cho bản thân mình, chưa nói còn gia đình. Nếu thu nhập không được cải thiện thì việc từ giã “phấn bảng” còn diễn ra, cũng là điều cực chẳng đã đối với nhiều nhà giáo tâm huyết với nghề. Cùng đó còn nhiều áp lực đè nặng lên tâm lý và nghề nghiệp của thầy cô, từ việc giáo trình, sách giáo khoa thay đổi, nhiều quy định mới, bệnh thành tích trong giáo dục, tiêu chuẩn đánh giá giáo viên, cho đến ứng xử văn hóa đạo đức từ phía phụ huynh - học sinh…
Rõ ràng giải được bài toán nêu trên không hề đơn giản, cũng không phải của riêng ngành Giáo dục nhưng sẽ phải từng bước tháo gỡ để những người thầy “sống được” với nghề và yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)