Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu?: Bài 1- Thắm tình đồng chí, đẹp nghĩa xóm làng
LTS: Đảng viên hưu trí là lực lượng rất quan trọng, nòng cốt, chiếm số đông, có uy tín và kinh nghiệm ở khu dân cư. Phải khẳng định rằng, đa số cán bộ, đảng viên khi nghỉ hưu về nơi cư trú vẫn giữ trọn lời thề như khi tuyên thệ trước cờ Đảng. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, vẫn còn một bộ phận không nhỏ đảng viên nghỉ hưu đã dần phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, vai trò tiên phong, quên đi lời hứa danh dự của mình là “suốt đời phấn đấu, hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng”.
Bài 1- Thắm tình đồng chí, đẹp nghĩa xóm làng
BẮC GIANG - Nhiều cán bộ, đảng viên tuy đã “hưu” nhưng với “trí” sáng, “tâm” trong vẫn nhiệt huyết đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng Đảng. Tiếng nói của các đảng viên cao tuổi ở cộng đồng dân cư có sức thuyết phục không kém khi các đồng chí còn đang công tác. Đây là điều rất đáng trân trọng.
Vẫn hăng hái đi đầu
Công tác tại Quân đoàn 2, nghỉ hưu năm 2009, Đại tá Nguyễn Thanh Xuân về sinh sống cùng gia đình tại số nhà 167, đường Huyền Quang, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Nay ở tuổi 68, ông hiện làm Chủ tịch Hội doanh nhân cựu chiến binh (CCB) tỉnh, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh. Ông bảo, ngần ấy “chức vụ”, bận rộn nhưng mà vui lắm. Trong 3 tổ chức hội này, ông dành nhiều tâm huyết cho Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh.
Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh tặng sổ tiết kiệm cho thân nhân gia đình liệt sĩ ở huyện Yên Thế. |
Thành lập năm 2017 quy tụ hơn 80 hội viên đều là những CCB từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, nhiều người nguyên là trưởng ngành cấp tỉnh, lãnh đạo cấp huyện hoạt động trên nguyên tắc 4 tự: “Tự nguyện, tự quản, tự chi, tự hạch toán”. Mỗi chuyến đi hỗ trợ, từng hội viên trích tiền lương ủng hộ, người 300 nghìn đồng, người 500 nghìn đồng, người 1 triệu đồng... “Nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh hay mất một phần thân thể để bảo vệ Tổ quốc, tôi thấy sự lành lặn trở về của mình thật may mắn. Vì vậy, tôi coi sự tri ân đồng đội là trách nhiệm của mình. Mỗi chuyến đi, tôi thấy lòng mình thanh thản”, ông Xuân tâm sự.
Năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Cộng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Trưởng Công an xã Tuấn Đạo (Sơn Động) đã có sáng kiến quy tụ gần 50 anh em cựu công an của xã rồi đề xuất thành lập mô hình “Cựu Công an xã tham gia bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh” do ông làm Trưởng ban điều hành. Đi vào hoạt động từ tháng 7/2021, tất cả cựu công an xã ở đây đều tham gia làm việc với tinh thần tự nguyện, không có chế độ.
Như được trở lại những năm tháng còn công tác, nhiều đồng chí nay tuổi đã cao vẫn “miệng nói, tay làm”. Từ xã Tuấn Đạo, đến nay 17/17 xã thuộc huyện Sơn Động đều thành lập mô hình này và nhân rộng ở các huyện trong tỉnh.
Đại tá Trần Quý Trường, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an) đánh giá: “Đây là cách làm hay, không chỉ góp phần bảo đảm ANTT ở cơ sở mà còn khẳng định, phát huy năng lực, sở trường của các đồng chí đã có nhiều năm công tác trong lực lượng công an xã. Họ là những đảng viên, những cựu công an có uy tín, trách nhiệm, khơi dậy được tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, giúp nhau xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương”. Được biết mô hình này đã được Bộ Công an phổ biến để các tỉnh, TP trên cả nước tham khảo.
Cựu tù Phú Quốc vẽ chân dung Bác Hồ và cờ Đảng bằng máu
CCB Nguyễn Thế Nghĩa ở số nhà 138, đường Thánh Thiên, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) kể: Cuộc đời tôi có nhiều cái đặc biệt, đặc biệt ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời. Tôi sinh ngày 2/9/1945. Vì không đủ cân, lại là con độc trong gia đình có cha là liệt sĩ nên tôi không được đi bộ đội. Khi lòng đã quyết, tôi đã cắn vào ngón tay mình lấy máu viết đơn tình nguyện. Vào bộ đội, ông được kết nạp Đảng cũng thuộc diện đặc biệt.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa (bên trái) kể về lá cờ Đảng và tấm ảnh chân dung Bác Hồ vẽ bằng máu. |
Trước đó một ngày, đồng chí bí thư cho biết dịp này chi bộ kết nạp 3 đồng chí và sẽ thử thách trong trận đánh đêm nay. Bám thắt lưng địch mà đánh, tôi lúc đó đặt quyết tâm lắm. 2 giờ sáng tôi nói với đồng chí bí thư: “Anh ạ, nguyện vọng của em là được vào Đảng, đây là ước mơ từ thời thanh niên của em, anh tạo điều kiện cho em chiến đấu trận này nhé”.
Thấy được sự quyết tâm của tôi, đồng chí bí thư động viên: “Được, tôi tin đồng chí. Đêm nay, dù còn hay mất thì đồng chí cũng đã là đảng viên rồi”. Lúc này tôi đưa tay lên ngực trái, nơi có trái tim đang hừng hực khí thế nói: “Trái tim em đang đập rất mạnh. Địch ở phía trước rồi, em ngắm và bóp cò nhé”. “Cháy rồi Nghĩa ơi”- đồng chí bí thư hô to.
Tôi lắp quả đạn thứ hai tiếp tục bắn xé nòng về phía địch. Bắn xong quay mặt lại, đồng chí bí thư ôm chặt tôi hô: “Mày giơ tay lên thề đi Nghĩa ơi. Kể từ giờ phút này, đồng chí Nghĩa đã được kết nạp vào Đảng”. Nghe đồng chí bí thư nói vậy, tôi giơ tay: “Tôi - Nguyễn Thế Nghĩa, nguyện một lòng theo Đảng, thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”. Hôm đó là ngày 15/8/1968.
Năm 1969, ông Nghĩa bị bắt, địch kết án tử hình rồi đày ông ra nhà tù Phú Quốc. Ngày 2/9 năm đó, tại nhà tù Phú Quốc diễn ra lễ kết nạp Đảng rất đặc biệt ngay sau khi nghe tin Bác Hồ mất, ông Nghĩa được giao chuẩn bị lá cờ Đảng cho buổi kết nạp. Trong tù lấy đâu ra màu đỏ, vậy là ông đưa tay quẹt vào tấm tôn cánh cửa cho máu ứa ra rồi nhờ giám thị băng gạc, các anh em trong chi bộ cũng cắn chảy máu tay nhỏ vào miếng gạc để tạo hình lá cờ Đảng.
Hòa bình hôm nay, hạnh phúc hôm nay là nhờ có Đảng, có Bác Hồ, có xương máu của thế hệ cha ông, chúng ta hãy trân trọng và giữ gìn, sống sao không hổ danh với lời thề danh dự đó”.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa, cựu tù Phú Quốc. |
Để có màu vàng vẽ búa liềm, ông tán viên thuốc chống phù nề của tù binh rắc lên. Khi lá cờ Đảng hoàn thành, ai cũng xúc động.“Còn gì vui sướng bằng màu đỏ của mình và anh em hòa quyện vào nhau”- ông thốt lên. Có cờ Đảng rồi, giờ có thêm ảnh Bác nữa sẽ rất trang trọng. Ông Nghĩa cắn giập một đầu tăm và chấm vào vết máu rồi vẽ chân dung Bác trên một tờ giấy.
Nghỉ hưu ở địa phương, ông Nghĩa tiếp tục sống một cuộc đời ý nghĩa đúng với những gì đã thề. Hằng ngày ông miệt mài với công việc của người thợ sửa giày da; gia đình liên tục đạt danh hiệu văn hóa. Mỗi năm vài lần ông đi nói chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, tích cực tham gia các hoạt động ở tổ dân phố.
Trọn vẹn niềm tin yêu
Từng là Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Văn Sỹ (SN 1937) ở tổ dân phố 2B, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) có hơn 60 năm tuổi Đảng. Tuy được miễn sinh hoạt nhưng ông vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên. Để tiện theo dõi tin tức, ông mua một chiếc đài nhỏ mang bên mình. Từ việc đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, ông cập nhật nhanh tình hình.
Hiểu rộng, biết nhiều, ông được cấp ủy, chính quyền, MTTQ mời tham gia góp ý vào các dự thảo nghị quyết đại hội Đảng. Ông thuộc diện được cấp Báo Bắc Giang theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Thông thường, người đưa thư báo cứ phải vào trong nhà nên ít nhiều phiền toái cho họ. Ông nghĩ ra cách đóng một hộp báo treo ở ngoài cánh cổng, hằng ngày người đưa thư báo chỉ việc để vào đó. Đọc báo xong ông ghi chép vấn đề quan tâm vào cuốn sổ tay, khi cần đưa ra chi bộ tham góp. Ông nghĩ những việc làm nho nhỏ ấy cũng là thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên.
Là giáo viên trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công Thương) nghỉ hưu năm 2020 tại quê nhà - thôn Nội Hạc, xã Việt Lập (Tân Yên), khi địa phương phát động phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu, đảng viên Nguyễn Đức Huệ (SN 1958) tự nguyện chăm sóc làm đẹp khuôn viên Trung tâm văn hóa của thôn, ủng hộ 20 cây cảnh trị giá hơn chục triệu đồng.
Ông còn vận động nhân dân làm đường điện chiếu sáng; cùng cấp ủy, ban lãnh đạo thôn vận động 41 hộ dân hiến 3.000 m2 đất mở rộng đường giao thông và xây dựng tuyến đường kiểu mẫu. Ông tâm sự: “Khi còn công tác trên tỉnh, tôi ít có dịp về quê hương. Nay về nghỉ hưu khi quê nhà đang xây dựng NTM, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm, sống sao cho xứng đáng với lời thề của người đảng viên”.
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, những việc làm của các đảng viên hưu trí đã góp phần làm tình đồng chí, đồng đội thêm gắn bó, nghĩa xóm, tình làng thêm bền chặt.
Nhóm PV Xây dựng Đảng
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)