Của ăn, của để
Phải tính toán hiệu quả cho đến hạn định nào đó, tiền của chứ có phải vỏ hến đâu, vả lại người ta cho vay là “trông giỏ bỏ thóc” rồi. Kinh tế mở cửa những mình vẫn phải giữ thế chủ động mới vững chắc.
Đâu như nước mà người đời quen miệng bảo “nhiều như nước” với ¾ trái đất, giờ cũng khuyến cáo phải biết tiết kiệm. Có ít khoáng sản như Bắc Giang càng cần tiết kiệm, dành dụm cho con cháu nhờ, mai mốt chúng khôn lớn còn có cái để tri ân ông bà, bố mẹ chứ nếu chỉ có chút than, ít đất với vài ba rừng cây tưởng giàu có, ai nấy khai thác sử dụng phứa phựa mấy mà hết.
Nghe rùng hết cả mình, ít đất đá mang đi san lấp mặt bằng làm khu công nghiệp hay đường giao thông. Mỏ than khai thác nuôi nhà máy nhiệt điện. Cây cối chế thành gỗ, lấy sản phẩm dùng trong nước hay mang đi xuất khẩu. Toàn những việc hữu ích, phục vụ mục tiêu dân giàu, nước mạnh cả thôi. Thế nhưng, khai thác sử dụng khoáng sản như thế nào vẫn là vấn đề đặc biệt quan tâm. Khoáng sản dưới lòng đất là nước trong nguồn, không khí trong bầu khí quyển cũng là thứ hữu hạn. “Miệng ăn núi lở”, chuyện miếng cơm manh áo hàng ngày các cụ dạy tưởng nhỏ hóa ra thành lớn. Có những nước giàu, người ta mang tiền đi mua khoáng sản về đổ xuống hầm mỏ làm vốn dự trữ cho con cháu. Nghe đã thấy sự sẻ chia, thương cảm biết chăm lo cho đời sau. Ngỡ đó cũng là bài học, thiết thực, sâu sắc cho cách quản lý tài nguyên và chăm lo chính sách xã hội từ hôm nay cho mai sau.
Lan Hương
Ý kiến bạn đọc (0)