eMagazine
Thứ 7: 07:56 ngày 29/10/2022
Thứ 7: 07:56 ngày 29/10/2022
bacgiang-emagazine
{keywords}

Công nghiệp phát triển đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi nhanh chóng. Từ quyết liệt phản đối thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nay chính những người nông dân vốn hồn hậu, chất phác ấy đã trở thành triệu phú, tỷ phú.

{keywords}

Từ một làng quê thuần nông, người dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng, đến nay các tổ dân phố My Điền 1, 2, 3, thị trấn Nếnh (Việt Yên) đã đổi thay hoàn toàn. Để thuận lợi cho công tác quản lý, từ năm 2012, làng My Điền cũ được tách ra thành ba thôn. Năm 2020, thị trấn Nếnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Hoàng Ninh và thị trấn Nếnh cũ; các thôn đổi tên thành tổ dân phố. Nhờ đồng thuận của nhân dân và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các khu công nghiệp (KCN) được xây dựng và ngày càng mở rộng, thu hút lượng lớn công nhân từ khắp các tỉnh về làm việc, sinh sống. Các tổ dân phố My Điền 1, 2, 3 luôn nhộn nhịp, nhất là giờ tan ca. Các khu nhà trọ “mọc” lên dày đặc đáp ứng nhu cầu thuê trọ của công nhân, người lao động. Chỉ tính riêng dịch vụ cho thuê nhà trọ, nhiều hộ có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, trở nên giàu có.

{keywords}

Dịch vụ cho thuê nhà trọ ở vùng ven khu công nghiệp mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, tổ dân phố My Điền 1 có hơn 50 phòng cho thuê trọ. Hiện gần 40 phòng có khách thuê với giá từ 1-1,2 triệu đồng/tháng. Tính ra mỗi tháng ông thu về hơn 40 triệu đồng, mỗi năm gần 400 triệu đồng. Được biết, ông Hùng là một trong những hộ cuối cùng ở tổ dân phố nhận tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất làm KCN. Trước đây cuộc sống của gia đình ông với 5 khẩu chỉ trông vào 4 sào lúa và ít diện tích rau màu. Khi Nhà nước thu hồi đất, ông lo lắng đến mất ăn mất ngủ bởi số tiền bồi thường không đáng là bao, “miệng ăn núi lở”, không còn đất thì biết làm gì để sống. Không ngờ, những lời nói trước kia của cán bộ tuyên truyền nay đã thành sự thật. Công nghiệp về làng, người trẻ có việc làm, người trung và cao tuổi tham gia kinh doanh và làm nhiều dịch vụ khác. “Giờ đây, vợ chồng tôi còn bán thêm hàng tạp hóa, trái cây, mỗi ngày thu thêm vài trăm nghìn đến một triệu đồng. Không riêng gia đình tôi, hàng chục hộ ở tổ dân phố không có ruộng vẫn thu vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm”- ông Hùng nói.

{keywords}

Một trong những dãy nhà trọ xanh ở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Ở tổ dân phố My Điền 1, những hộ có vài chục đến cả trăm phòng trọ cho thuê khá nhiều, điển hình như các ông, bà: Thân Văn Tiễn (115 phòng), Thân Đức Bộ (83 phòng), Nguyễn Thị Lợi (50 phòng)... Theo ông Phùng Minh Toản, Tổ trưởng tổ dân phố My Điền 1, công nghiệp phát triển đã mang lại hiệu quả rõ nét, khẳng định hướng đi đúng của Đảng, thuyết phục nhân dân. Ông Toản viện dẫn, ở tổ dân phố có ông Nguyễn Văn C thường xuyên khiếu kiện về thu hồi đất, gửi đơn lên nhiều cấp vì cho rằng lấp ruộng làm KCN sẽ đói ăn. Tuy nhiên, giờ đây gia đình ông C dù không còn ruộng nhưng vẫn có 3 ki-ốt cho thuê bán hàng, mỗi tháng thu về hơn 30 triệu đồng. Nay, ông C đã tin tưởng, phấn khởi về sự phát triển công nghiệp ở địa phương.

{keywords}
{keywords}

Tại xã Quang Châu (Việt Yên), nơi một bộ phận người dân từng quyết liệt phản đối khi Nhà nước thu hồi đất làm KCN nay bà con cũng có cuộc sống khá giả. Toàn xã có hơn 600 hộ có nhà trọ cho thuê với gần 12 nghìn phòng, tập trung ở các thôn: Núi Hiểu, Quang Biểu, Tam Tầng, Nam Ngạn… Nhiều phòng trọ đã được cải tạo, nâng cấp, có ngăn vệ sinh khép kín, nhiều hộ lắp máy điều hòa, nóng lạnh hoặc cho phép người thuê tự lắp máy để tiện trong sinh hoạt. Trong đó hộ ông Nguyễn Văn Tuyên có số phòng trọ lớn nhất với 210 phòng. Với giá thuê trung bình 1 triệu đồng/phòng/tháng, gia đình ông thu về hơn 2 tỷ đồng/năm. Hộ ông Vũ Xuân Hồng, thôn Tam Tầng có 120 phòng trọ luôn kín khách, thu hơn 100 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu mà trước kia ngay cả trong mơ ông Hồng và nhiều hộ khác cũng không bao giờ nghĩ tới. Qua khảo sát, ở xã Quang Châu, những hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng từ cho thuê trọ chiếm khoảng 40% tổng số hộ kinh doanh nhà trọ.

{keywords}

Ngoài phục vụ nhu cầu ở trọ của công nhân, lao động, nhiều dịch vụ khác cũng phát triển mạnh khiến các khu dân cư quanh KCN luôn sầm uất. Đêm xuống, các tổ dân phố sáng rực, sôi động; cửa hàng, cửa hiệu được trang trí nhiều màu sắc. Sôi động nhất là từ 20 giờ đến 1-2 giờ sáng. Do phần nhiều công nhân đi làm cả ngày, nhu cầu mua sắm, ăn uống, giải trí tăng mạnh vào buổi tối nên các dịch vụ ở đây nở rộ theo. Trong câu chuyện về sự đổi thay ở tổ dân phố My Điền 2, bản thân ông Tổ trưởng Phùng Minh Nghị cũng thấy choáng ngợp. Nơi đây tập trung nhiều cửa hàng bán quần áo, giày dép, kính mũ thời trang, đồ gia dụng, điện tử, điện thoại, quán ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn, làm đẹp, cửa hàng vàng bạc, quán cà phê... Anh Nguyễn Thế Anh (31 tuổi), quê ở xã Xuân Hương (Lạng Giang), thuê cửa hàng rộng hơn 70 m2 từ 3 năm nay để kinh doanh và sửa chữa điện thoại với giá 15 triệu đồng/tháng. Để tiện sinh hoạt, anh đưa cả vợ con đến ở cùng. Thu nhập từ nghề này giúp anh đủ trang trải cuộc sống, tích cóp được tiền mua ô tô và nuôi con ăn học.

Tổ dân phố My Điền 2 có nhiều khu dân cư mới, vỉa hè rộng rãi, là nơi tập trung các cửa hàng sửa chữa xe máy, quán ăn đêm, nhà hàng và là một trong những “trung tâm giải trí về đêm” với các dịch vụ karaoke, cà phê, trà sữa…

{keywords}

Các dịch vụ ở thị trấn Nếnh (Việt Yên) phát triển mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Châu, thương mại dịch vụ là nguồn thu nhập chủ yếu của người dân trong xã. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, hỗ trợ để các DN, hộ kinh doanh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Các DN, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng phụ trợ khác. Hiện toàn xã có hơn 1.200 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng 300 hộ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dịch vụ cho thuê phòng trọ chiếm 70%, kinh doanh vận tải và vật liệu xây dựng chiếm 10%, còn lại là sản xuất kinh doanh khác. Xã có hơn 4 nghìn công nhân là người địa phương đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và hơn 17 nghìn công nhân ở trọ. Ông Nguyễn Văn Cân, thôn Núi Hiểu có 45 phòng cho thuê trọ còn mở thêm quán bán nước giải khát và đồ ăn nhẹ, thu về 10-15 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đánh giá, với 4 KCN, trong đó 3 KCN đã lấp đầy, 1 KCN có nhà đầu tư đang xây dựng, Việt Yên là huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh. Đến năm 2030, huyện dự kiến có 11 KCN, tăng 7 KCN so với năm 2021. Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp đã góp phần rất lớn vào giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, nhất là thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 của huyện đạt 2.295 tỷ, tăng 18% so với cùng kỳ.

{keywords}

Từ phát triển công nghiệp, diện mạo các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đổi thay nhanh chóng.

Huyện Yên Dũng cũng có sự đổi thay nhanh chóng. Từ vùng quê chiêm trũng, đến nay huyện đã bứt phá mạnh mẽ. Tại các xã ven KCN như Nội Hoàng, Yên Lư, đường bê tông thảm nhựa kéo dài đến từng ngõ xóm. Giao thông rộng mở, thôn xóm yên vui, các DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện chia sẻ, hiện Yên Dũng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH của năm 2022. Xác định, muốn phát triển kinh tế thì giao thông phải đi trước một bước, huyện đã dồn lực đầu tư làm đường. Thời điểm này ở nhiều xã trên địa bàn huyện như đại công trường thi công các tuyến đường kết nối, mở hướng phát triển trở thành huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

{keywords}

Một góc xã Ninh Sơn (Việt Yên) hôm nay.

Khai thác lợi thế vùng ven KCN, các xã: Tăng Tiến, Hồng Thái, Quang Châu (Việt Yên), Nội Hoàng (Yên Dũng)... đã đạt và vượt rất cao tiêu chí nông thôn mới. Kinh tế phát triển, địa phương có điều kiện đầu tư các công trình phục vụ dân sinh như nhà văn hóa, trung tâm thể thao, các tuyến đường xanh bóng cây, có đèn chiếu sáng. Các loại hình tổ nhóm, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao ở nhiều thôn xóm ra đời, sinh hoạt, luyện tập thường xuyên làm nhịp sống thêm tươi vui. Những làng quê thuần nông, chiêm trũng xưa nay trở thành khu đô thị, “phố trong làng”- điều hai thập niên trước những người có trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không thể hình dung.

(Còn nữa)

cong-nghiep-bac-giang-hanh-trinh-tu-khong-den-co-bai-3-nhung-lang-ty-phu-khong-ruong.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...