Chuyện về một người vớt rác
Gần 5 giờ chiều. Con hẻm nhà ông Ðức vẫn nhả ra hơi nóng khó chịu của một ngày đầu tháng 5. Ông Ðức tháo thùng đựng rác tự chế sau chiếc xe máy cũ rồi dựng sát vào tường sau khi kết thúc một ngày làm việc. Căn nhà của ông có quầy tạp hóa nhỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Ðức vớt rác trên kênh Chiến Lược. |
Như biết điều khách muốn hỏi, ông Ðức liền nói: "Tiệm tạp hóa của con gái tôi đó. Sau khi ngưng bán ngoài chợ, nó về nhà mở cái tiệm "dụ" con nít sống qua ngày".
Trong căn nhà nhỏ chứa đầy bánh kẹo, những tấm bằng khen của ông Ðức được treo trang trọng trên tường. Trong đó, có tấm bằng với màu giấy đã ngả vàng nhưng còn rõ nội dung: Huân chương Chiến công hạng ba do Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh ký tặng vào năm 1987.
"Một thời tuổi trẻ của tôi đấy" - ông Ðức cất giọng vẫn còn mang đậm âm sắc người con xứ Quảng, đôi mắt ánh lên niềm tự hào.
Ông Nguyễn Ngọc Ðức sinh ra tại thôn 2, xã Ðức Chánh, huyện Mộ Ðức, tỉnh Quảng Ngãi. Như bao đứa trẻ khác, ông hồn nhiên lớn lên cùng với nắng gió trên mảnh đất miền trung khắc nghiệt.
Cho đến năm 13 tuổi, ông hay hung tin người chú hy sinh tại chiến trường khu V. Cú sốc ấy đã đánh thức trong cậu bé Nguyễn Ngọc Ðức những ước mơ cao đẹp về một quê hương hòa bình, về cuộc sống ấm no cho mỗi gia đình. Ước mơ ấy cứ lớn dần lên, giúp ông nuôi ý chí một lòng đi theo cách mạng, được trở thành Bộ đội Cụ Hồ.
Và khi chiến tranh biên giới nổ ra, ông đã viết đơn tình nguyện đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Cam-pu-chia và được biên chế về Ðại đội 11, Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 309, Mặt trận 479 đóng quân tại tỉnh Bát-tam-bang, Cam-pu-chia.
Thời gian này, nhiều lần bị thương, nhưng ông vẫn cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, giành nhiều thắng lợi quan trọng. Ðến tháng 10-1982, ông được đơn vị trao quyết định phục viên, trở về quê hương Quảng Ngãi.
Trở lại cuộc sống đời thường, ông Ðức tiếp tục ra sức lao động để chăm lo gia đình. Nhưng khó khăn vẫn chồng khó khăn. Cuối cùng, ông Ðức quyết định rời quê hương vào TP Hồ Chí Minh. Ra đi với hai bàn tay trắng, công việc mưu sinh đầu tiên của ông ở phương nam là bán kem dạo. Một năm sau, người vợ cũng rời quê vào nam cùng ông.
Hai vợ chồng đã thử nấu tàu hũ và mời hàng xóm ăn để… góp ý kiến. Khi được mọi người khen ngon, vợ ông Ðức bắt đầu công việc bán tàu hũ để mưu sinh. Thời gian trôi qua, ông Ðức còn làm nhiều công việc khác như bán trái cây, giữ xe. Và khi bước vào tuổi 60, ông không ngờ cuộc đời mình lại gắn liền với... rác.
Ông Nguyễn Ngọc Ðức kể lại, năm 2013 ông tham gia vào Hội Cựu chiến binh phường Bình Trị Ðông, quận Bình Tân. Khi ấy, hội triển khai việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", gắn với phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu".
Là một người lính Cụ Hồ, ông nghĩ bản thân phải làm một việc gì có ích cho cộng đồng. "Khi đó, tôi liền nhớ đến đoạn kênh Chiến Lược (hay còn gọi là kênh liên phường) đi qua khu phố 8 của mình thường hay ngập nước do rác lấp đầy lòng kênh nhiều năm. Cũng có nhiều đợt ra quân dọn dẹp, nhưng sau một thời gian, tình trạng ngập nước khi mưa xuống lại diễn ra, con kênh vẫn chưa hết ô nhiễm" - ông Ðức chia sẻ.
Thế là ông quyết tâm làm sạch lòng kênh, không để xảy ra tình trạng ngập nước nữa. Nghe ý định của ông, gia đình lúc đầu không đồng ý vì sợ ông không thực hiện được. Nhưng ông nghĩ, bản thân từng đối đầu với cái chết, từng chịu nhiều gian khổ mà vẫn vượt qua thì nay việc làm sạch đoạn kênh chừng 1 km thì có hề gì. Vậy là ông âm thầm làm cái chuyện chưa ai từng nghĩ tới một mình dọn rác lòng kênh Chiến Lược.
Khi bắt tay vào thực hiện, ông Ðức mới nhận ra mọi việc khó hơn mình nghĩ. Qua nhiều năm, cỏ, rác đã ken dày lòng kênh, việc kéo rác lên bờ quả thật không dễ dàng gì. Ông phải tự đặt rèn cho mình những chiếc lưỡi liềm đủ chắc để có thể cắt mỏng từng lớp cỏ, phải sắm thêm cây vợt dài để vớt rác nằm xa bờ kênh.
Có lúc vì cố sức kéo rác lên bờ mà ông trượt chân té, người chìm trong bùn lầy hôi thối, hay như những lúc giật thót mình vì chút nữa là giẫm phải… kim tiêm, mảnh chai… Vậy mà ông không nản chí, vẫn bền bỉ dọn rác ngày này qua ngày khác.
"Tôi làm một cái thùng đựng rác gắn sau xe máy, mỗi ngày hai chuyến sáng, chiều. Một ngày tôi vớt hơn 300 ký rác. Vớt xong, tôi chở rác đến điểm tập kết ở đường Tân Hóa, phường 1, quận 11" - ông Ðức kể.
Thời gian đầu, chỉ có 100 m kênh mà ông Ðức phải mất ba tháng mới cơ bản dọn xong. Có hôm ông về tới nhà thì người cũng rã rời, tưởng không còn sức. Vậy mà, sáng hôm sau, ông lại xách xe tiếp tục vớt rác như không có chuyện gì. Tuy nhiên, điều ông buồn nhất không phải vì rác quá nhiều mà chính là thái độ của người dân khi chứng kiến một ông già "không giống ai".
"Khi tôi vớt rác, có người ngang nhiên xả rác xuống kênh trước mặt mình, như thách thức. Tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ vớt lên cho vào thùng. Có người ban đầu chưa hiểu xem tôi như… ông khùng, làm chuyện không đâu. Tôi cũng chỉ mỉm cười và tiếp tục… vớt rác".
Nhưng cũng có nhiều người dân khiến ông cảm động, như cậu thanh niên khi thấy ông vớt rác đã gởi tặng một lon nước ngọt, hay một vị khách ông không biết tên cứ giúi vào tay ông ít tiền rồi động viên: "Bác cố lên!".
Và có lẽ vui nhất là khi ông Ðức thấy được người dân ở hai bên tuyến kênh dần hiểu công việc ông làm và ủng hộ ông bằng cách… không xả rác xuống kênh nữa. Sau một năm, ông đã "hô biến" con kênh Chiến Lược thành một con kênh khác, thông thoáng hơn, không còn ngập nước mỗi khi mưa về.
Thấy được việc làm ý nghĩa của ông Ðức, lãnh đạo phường Bình Trị Ðông đã hỗ trợ kinh phí hằng tháng cho ông Ðức để ông tiếp tục công việc vớt rác, làm sạch môi trường. Giờ đây, công việc vớt rác hằng ngày của người thương binh hạng 4/4 Nguyễn Ngọc Ðức đã dễ dàng hơn trước, khi người dân đã thay đổi nhận thức từ bỏ thói quen xả rác xuống kênh rạch.
Ông vẫn thầm lặng sáng chiều hai buổi vớt rác để làm sạch khu phố, làm đẹp cho địa phương mình. Những lúc đau yếu, không đi được, người con gái út của ông lại thay ông đi vớt rác.
"Tôi rất tự hào về công việc của ba mình, nên sẵn sàng hỗ trợ ông khi có thể" - chị Nguyễn Thị Mãi, con gái ông Ðức tâm sự.
Thật vui vì công việc vớt rác thầm lặng của ông Nguyễn Ngọc Ðức đã được các cấp, các ngành của TP Hồ Chí Minh ghi nhận. Ðặc biệt, năm 2019, ông vinh dự được tham gia chuyến Hành trình về nguồn "Sáng mãi niềm tin" do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Ðược đến thăm quê Bác, và đi thăm những vùng đất lịch sử của dân tộc giúp ông củng cố thêm niềm tin, thấy mình cần phải làm nhiều việc ý nghĩa hơn nữa cho cộng đồng, xứng đáng là người lính Cụ Hồ.
Theo báo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc (0)