Chuyện nghề của lính 114 Bắc Giang
Xả thân trên cạn
Khi xảy ra cháy nổ, mọi người tìm cách tránh xa để không gặp nguy hiểm thì ngược lại, lính cứu hỏa lại phải lao vào, rát mặt với ngọn lửa để chữa cháy. Nhớ lại vụ cháy xảy ra vào chiều 25/12/2019 tại xưởng sản xuất bìa các tông thuộc Công ty TNHH Việt Thắng, Cụm công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng), Trung úy Trần Văn Tuấn, Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) chia sẻ: "Nhiều lần tham gia chữa cháy nhưng vụ cháy này thật kinh khủng!". Trụ sở Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cách Công ty chỉ vài trăm mét, ngay bên kia cao tốc Hà Nội- Bắc Giang.
Lực lượng cảnh sát chữa cháy kho chứa phế liệu và lò ấp trứng ở xã An Dương (Tân Yên). |
Sau khoảng ba phút nhận tin báo, xe chữa cháy đầu tiên đã có mặt tại hiện trường, vậy mà sang đến nơi, ngọn lửa đã bao trùm gần như toàn bộ nhà xưởng, nguy cơ cháy lan sang các nhà xưởng lân cận rất cao. 8 xe chữa cháy, 3 máy bơm và gần 80 cán bộ, chiến sĩ rầm rập đến hiện trường. Tiếng loa chỉ đạo, tiếng xe chữa cháy vận hành, vòi phun nước rào rào. Các chiến sĩ chữa cháy không quản hiểm nguy, lửa tát vào mặt bỏng rát, khí độc sinh ra từ đám cháy làm mắt cay xè, lại phải đối diện với nguy cơ tường đổ, trần sập bất cứ lúc nào. Do chất cháy chủ yếu là giấy bìa cứng cuộn cộng với gió mạnh sinh ra nhiều khói độc nên công tác cứu chữa gặp không ít trở ngại. Công an tỉnh phải huy động cả máy xúc để phá dỡ tường bao nhà xưởng, di chuyển hàng hóa, vật liệu. Sau gần 8 giờ chiến đấu với "giặc lửa", đám cháy được dập tắt hoàn toàn vào lúc 1 giờ sáng hôm sau. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước khoảng 15 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy hơn 20 vụ hỏa hoạn, cứu nạn, cứu hộ 9 vụ. Qua đó kịp thời đưa 6 người bị thương đi cấp cứu và bảo vệ nhiều tài sản có giá trị. |
Rồi có những vụ cháy bên trong chứa hóa chất, bình ga hay bình khí axetylen rất dễ phát nổ, nếu hít phải thời gian dài còn bị chóng mặt, buồn nôn và có thể bị ngộ độc. Trước yêu cầu nhiệm vụ, các chiến sĩ vẫn phải băng vào dập lửa, di chuyển tài sản ra ngoài chống cháy lan. “Sau mỗi lần chữa cháy, ai mắt cũng cay xè, mặt đen sạm vì lửa táp, hai lỗ mũi mấy ngày sau vẫn không hết bụi mịn của tro than!”- Trung úy Trần Văn Tuấn nói.
Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng Thượng sĩ Nguyễn Quốc Huy, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lại có khá nhiều kinh nghiệm công tác. Từng là lính nghĩa vụ công an nhân dân tại đơn vị, chứng kiến những lần đồng đội xông pha đi chống “giặc lửa” hay lặn xuống sông, hồ tìm vớt người tử nạn, vốn giỏi bơi lội từ bé, hoàn thành nhiệm vụ, Thượng sĩ Huy có mong ước được theo nghề này. Có sức khỏe, dũng cảm, được tập huấn, đào tạo chuyên sâu, lại có tình yêu với nghề nên hầu như lần nào đi cứu hộ cứu nạn, Thượng sĩ Huy cũng xung phong. Sáng 16/5 vừa qua, khi đang rèn thể lực tại đơn vị, Thượng sĩ Huy bỗng nghe tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên. Như một phản xạ tự nhiên của những người lính cứu nạn cứu hộ, anh và đồng đội nhanh chóng lên xe đến ngay địa điểm có người bị nạn (Quốc lộ 17 thuộc thôn Liêm Xuyên, xã Song Khê, TP Bắc Giang). “Lúc có kẻng báo, tinh thần anh em lên cao lắm chị ạ, chỉ muốn đến nơi thật nhanh”- Huy hào hứng kể.
Lực lượng cảnh sát cứu nạn cứu hộ tìm kiếm nạn nhân đuối nước tại hồ công viên Ngô Gia Tự (TP Bắc Giang). |
Tới nơi, một cảnh tượng hãi hùng thường thấy trong các vụ tai nạn giao thông giữa xe tải chở nhựa đường và một xe container, cabin biến dạng. Xe tải còn đâm sập bốt bảo vệ của một doanh nghiệp, tài xế và phụ xe mắc kẹt trong cabin. Các chiến sĩ nhanh chóng tìm cách cứu người, sau đó mới đến tài sản. Nhiều người nhốn nháo vây quanh, sợ hãi khi thấy hai nạn nhân bị kẹp chân, máu chảy, hoảng loạn mắc kẹt trong cabin. Khi đó, mỗi người mỗi việc, động viên, trấn an tinh thần nạn nhân, làm công tác tư tưởng để họ phân tâm, giảm đau đớn. Người quan sát tổng thể hiện trường, tìm giải pháp giải cứu. Đáng lo nữa là xe tải không tắt được chìa khóa, máy vẫn nổ, đề phòng tình huống nguy hiểm đến tính mạng của hai nạn nhân và các chiến sĩ. Ngay lập tức, Huy cùng đồng đội sử dụng các thanh chống chèn để không xảy ra sập đổ thứ phát trong quá trình tiếp cận nạn nhân, cố hết sức nhưng cũng rất nhẹ nhàng đưa hai nạn nhân ra khỏi cabin đã bị bẹp. Cứ như vậy, sau khoảng 20 phút, tổ cứu nạn đã đưa được hai nạn nhân ra khỏi xe và chuyển đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, bảo toàn tính mạng.
Dầm mình dưới nước
Nếu như công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên cạn vất vả, hiểm nguy một thì cứu nạn ở dưới nước khó khăn vất vả hơn nhiều lần. Bởi lẽ đa số các vụ cứu nạn dưới nước nạn nhân đều đã tử vong mất tích trong nhiều giờ. Sự hoảng loạn của gia đình nạn nhân cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của những người làm nhiệm vụ. Ở môi trường dưới nước không có khoảng cách an toàn, rất nguy hiểm. Hơn thế, khu vực tìm kiếm rộng, dòng nước cuốn liên tục, áp suất nước càng sâu càng cao nên trước khi lặn tìm kiếm thi thể, các chiến sĩ phải uống nước mắm để chống đông máu. Đã vậy, việc lặn tìm kiếm nạn nhân luôn phải đối diện với kim tiêm, mảnh sành, vật cản hoặc vùng nước xoáy… Đáng lo nữa là khi lặn sông, nếu không có kỹ năng, kinh nghiệm rất dễ bị chân vịt tầu thuyền đập vào cơ thể gây thương tích. “Lặn ở dưới nước hoàn toàn không nhìn thấy gì, không biết đang ở đâu, trên bờ cũng không thể nhìn thấy người ở dưới, chỉ liên hệ bằng ống thở, càng sâu càng lạnh nên việc bị chảy máu mũi là chuyện thường, thậm chí lên đến bờ kiệt sức, ngất lịm”- Thượng sĩ Nguyễn Quốc Huy cho biết.
Cảnh sát cứu nạn cứu hộ giải cứu lái xe bị mắc kẹt trong vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ 31, đoạn qua xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang). |
Minh chứng như ngày 16/2 vừa qua, lực lượng chức năng nhận được tin báo tại đập Du, xã Đồng Cốc (Lục Ngạn) có người bị đuối nước. Do hiện trường rộng, hồ nước sâu, thông tin ban đầu ít nên khó xác định vị trí người bị nạn khiến cán bộ, chiến sĩ làm công tác cứu nạn, cứu hộ phải dầm mình nhiều giờ trong làn nước lạnh (thời điểm xảy ra sự việc nhiệt độ ngoài trời 13 độ C, dưới nước khoảng 4 độ C). Song song với triển khai tìm kiếm, tổ cứu nạn yêu cầu những người trên bờ đốt lửa sẵn để khi chiến sĩ cứu nạn lên bờ là lập tức sưởi ấm, chống đông máu. Sau hơn hai ngày tìm kiếm, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân bàn giao cho chính quyền địa phương, người thân.
Không ít vụ tai nạn thương tâm khiến những chiến sĩ làm nhiệm vụ day dứt. Gần đây nhất là lần tìm kiếm cháu bé 8 tuổi ở đường Bảo Ngọc, tổ dân phố Mai Sẫu, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) bị trượt chân ngã xuống trạm bơm tổ dân phố Tân Thành (phường Đa Mai). Hình ảnh cháu bé xấu số được đưa về vòng tay của gia đình trong những tiếng khóc nức nở của người thân khiến ai cũng xót xa. Trung uý Trần Văn Tuấn chia sẻ thêm: “Bao nhiêu niềm vui khi cứu người, cứu tài sản thành công cũng không khoả lấp được nỗi buồn, sự bất lực khi nạn nhân ở tình trạng sự đã rồi. Giá như chúng tôi có thể có mặt ngay tại vị trí người gặp nạn; giá như có nhiều thông tin chính xác hơn, kịp thời hơn thì có lẽ sẽ cứu được. Thế nhưng, khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn phải nén cảm xúc, sáng suốt xử lý các tình huống để tránh việc mình trở thành nạn nhân tiếp theo”.
Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (Công an tỉnh) cho biết: Nếu như trước đây, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chỉ tham gia cứu người và tài sản khi xảy ra cháy thì theo quy định mới, từ năm 2018, lực lượng có thêm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn trong cả những trường hợp sập nhà, công trình, hầm lò, mắc kẹt trong các vụ tai nạn giao thông, đuối nước… Vì vậy, số máy 114 luôn trong tình trạng nóng. Với tổ chữa cháy gồm 30 cán bộ, chiến sĩ; Tiểu đội cứu nạn cứu hộ chỉ có 9 người, hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh nên nhiệm vụ luôn trong tình trạng vất vả, áp lực. Thế nhưng “đã mang cái nghiệp vào thân”, là lính chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ cứu người gặp nạn là làm phúc cho đời nên anh em luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngọc Anh - Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)