Chuyển biến trong nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá
Không còn cảnh ép nhau hút thuốc
Hầu hết các địa phương có khoảng 60-65% người hiểu biết được quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, hơn 90% người dân hiểu được tác hại của thuốc lá, từ 50-60% người dân hiểu được các bệnh do thuốc lá gây ra.
Người dân đến Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang được khuyến cáo bỏ thuốc lá. Ảnh: Hoài Thu |
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong khói thuốc lá chứa hàng nghìn chất hóa học, trong đó có hàng chục chất gây ung thư, gây ra 25 căn bệnh nguy hiểm khác nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn, vô sinh... nhưng nhiều người dân mù tịt về tác hại của thuốc lá.
Bên cạnh đó, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc. Hiện không còn hiện tượng cán bộ, công chức hút thuốc trong phòng họp, phòng làm việc; không còn hiện tượng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; giảm việc tặng quà, biếu, mời thuốc trong các dịp lễ tết, đám cưới, đám hiếu...
Thực hiện môi trường không khói thuốc
Theo thống kê, đến nay đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà, 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại khu vực trong nhà, 208 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và cấm hút thuốc trên xe khách, 4.442 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà, 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên và trong nhà, 305 nhà hàng, 400 khách sạn thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “5 năm qua đã có 195.000 CNVCLĐ bỏ thuốc lá, trên 200.000 đoàn viên, CNVCLĐ giảm hút thuốc lá. Bên cạnh đó, các mô hình địa điểm không khói thuốc như "thành phố du lịch không khói thuốc", "khách sạn không khói thuốc", "điểm du lịch không khói thuốc", "nhà hàng không khói thuốc", "cơ sở y tế không khói thuốc", "trường học không khói thuốc" cũng được tích cực triển khai.
Tại Hà Nội, từ tháng 9/2019, quận Hoàn Kiếm đã triển khai địa điểm du lịch không khói ở 30 điểm du lịch. Quận cũng xây dựng thành công mô hình “Nhà hàng, khách sạn bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc”.
Bên cạnh đó, các sáng kiến PCTH thuốc lá được tổ chức hoặc lồng ghép trong các chương trình/ sự kiện của bộ ngành, địa phương như: “Tổ ấm không khói thuốc” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Uỷ ban Dân tộc xây dựng môi trường không khói thuốc lá cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ; Festival biển không khói thuốc tại Nha Trang, Tàu du lịch không khói thuốc tại Khánh Hoà...
Cai nghiện thuốc lá cho hàng chục nghìn người
Từ 2014 đến nay, Quỹ PCTH thuốc lá là đơn vị duy nhất hỗ trợ thường xuyên kinh phí cho các tỉnh, thành phố, các bệnh viện thực hiện hoạt động PCTH thuốc lá, bảo đảm việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá được hiệu quả. Hằng năm, Quỹ PCTH thuốc lá hỗ trợ cho 99 đơn vị gồm 22 đơn vị bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội; 63 tỉnh, thành phố, 4 thành phố du lịch và 10 bệnh viện.
Từ năm 2015, Quỹ đã hỗ trợ thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai 1800-6606 và tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh số 1800-1214, đồng thời hỗ trợ 8 bệnh viện tổ chức hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Các mô hình điểm về cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng cũng đã được thực hiện tại 8 phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá, bao gồm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Viện Y Dược học dân tộc, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện huyện Cần Giờ và Bệnh viện huyện Bình Chánh.
Đến nay, đã có 1 mạng lưới các bệnh viện thuộc Bộ Y tế tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa có liên quan đến các bệnh có sử dụng thuốc lá và có lượng bệnh nhân lớn.
Đến nay tổng đài tư vấn của Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện đã thực hiện tư vấn cho hơn 10.000 người, tư vấn trực tiếp tại Phòng khám tư vấn cai nghiện thuốc lá cho 2.090 người, trong đó có 1.000 người bỏ thuốc lá thành công trên 1 năm trở lên. Bên cạnh đó, đã có 38.800 bệnh nhân được tư vấn ngắn về cai nghiện thuốc lá khi đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Trong giai đoạn 2014-2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đã có xu hướng giảm. Kết quả điều tra tại một số tỉnh năm 2018 cho thấy: 12 tỉnh có tỉ lệ hút thuốc ở nam giới giảm và thấp hơn so với điều tra toàn quốc năm 2015, như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Hoà Bình, Quảng Trị.
Đánh dấu sự thành công của Việt Nam trong công tác PCTH thuốc lá, Bộ Y tế Việt Nam đã nhận giải thưởng của Tổ chức Y tế thế giới cho những đóng góp to lớn trong lĩnh vực PCTH thuốc lá nhân 10 năm thực hiện Công ước khung kiểm soát thuốc lá (2015) và giải thưởng quốc tế của Quỹ Bloomberg về công tác theo dõi giám sát của Việt Nam về PCTH thuốc lá (2018).
WHO cho biết mỗi năm có 8 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá trên toàn cầu và hơn 1 triệu người chết vì các bệnh do hút thuốc lá thụ động.
Vì thế, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định: Cấm hút thuốc lá tại cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc và trên phương tiện giao thông công cộng. Cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà của nhà hàng, quán cà phê. Cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà của bến tàu, bến xe. Mọi người có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.
Đăng An
Ý kiến bạn đọc (0)