Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động
BẮC GIANG - Gần đây, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do tai nạn lao động (TNLĐ). Sau tai nạn, di chứng để lại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe nạn nhân mà còn tạo ra gánh nặng, nỗi lo cho người thân và xã hội.
Số ca nhập viện tăng
Sáng 19/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Tuân (SN 1990), trú tại xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) nhập viện trong tình trạng bị thương ở bàn tay phải, mất nhiều máu. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định nạn nhân bị đứt gân ngón tay số 1 bàn tay phải, chỉ định phẫu thuật nối gân bàn tay. Sau 5 ngày phẫu thuật, vết thương ổn định, không phát sinh các biến chứng. Theo lời anh Tuân, trong quá trình làm việc tại một doanh nghiệp gần nhà, do bất cẩn, tay bị cuốn vào máy may dẫn đến thương tích.
Dù vết thương ở tay đã ổn định song anh Nguyễn Văn Tuân, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) cần thêm thời gian để hồi phục. |
Trước đó, ngày 11/7, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận một nam thanh niên 34 tuổi nhập viện trong tình trạng da tái lạnh, hai chân dập nát, đầu sưng nề, chảy máu tai, xây xát nhiều chỗ trên cơ thể. Các đồng nghiệp đưa anh vào viện cho hay, trong quá trình làm việc tại công trường xây dựng ở huyện Yên Dũng, nạn nhân bị khung sắt nặng khoảng 1 tấn rơi từ tời vận chuyển xuống trúng vào người. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được chuyển tuyến ra Bệnh viện Việt Đức nhưng không qua khỏi do bị đa chấn thương, mất nhiều máu.
Nếu như năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 125 vụ TNLĐ làm 7 người chết, 118 người bị thương thì đến năm 2023 số vụ TNLĐ tăng lên 155 vụ làm 5 người chết, 150 người bị thương. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 51 vụ TNLĐ làm chết 7 người, tăng 2 người so với cả năm 2023. |
Bác sĩ Phạm Tùng Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: “Khoảng một tháng nay, mỗi ngày, khoa tiếp nhận 1-2 trường hợp cấp cứu do TNLĐ, tai nạn sinh hoạt. Nạn nhân phần lớn là những người trẻ và bị thương chủ yếu do bất cẩn, làm việc trong môi trường không an toàn”.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu như năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 125 vụ TNLĐ làm 7 người chết, 118 người bị thương thì đến năm 2023, số vụ TNLĐ tăng lên 155 làm 5 người chết, 150 người bị thương. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 51 vụ TNLĐ làm chết 7 người, tăng 2 người so với cả năm 2023.
Trang bị kỹ năng tự bảo vệ
Qua thực tế, dù được điều trị tích cực nhưng không ít nạn nhân bị TNLĐ lâm vào cảnh tàn tật suốt đời; một số người được phẫu thuật, chữa trị kịp thời nhưng không thể phục hồi như trước. Trường hợp anh Nguyễn Văn H (SN 1984) ở phường Bích Động (thị xã Việt Yên) là một ví dụ. Cách đây vài năm, anh gặp nạn khi đang thi công công trình trên địa bàn. Để chữa trị cho chồng, vợ anh phải vay mượn gần 100 triệu đồng.
Công ty TNHH Crystal Martin, Khu Công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) trang bị đầy đủ thuốc, dụng cụ, thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động. Ảnh: HẢI VÂN. |
Đến nay dù sức khỏe dần ổn định song anh H không còn khả năng lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà. Nguồn sống của 4 người trong gia đình đều trông vào đồng lương công nhân ít ỏi của người vợ. Giống như anh H, nỗi lo của gia đình ông Nguyễn Đăng T (SN 1967), trú tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên) như chồng chất thêm sau vụ TNLĐ. Ông T kể, sáng 1/9, khi sử dụng máy cắt cỏ, ông bị lưỡi dao găm vào chân làm đứt mạch máu chằng trước, đứt khối gân cơ duỗi và gãy 2 xương cẳng chân. Chi phí điều trị lớn, vợ chồng ông phải vay mượn thêm người thân, bạn bè.
Không may mắn như anh H, ông T, hơn 1 năm trước ông Lê Xuân K (SN 1970), trú tại tổ dân phố Phe, thị trấn An Châu (Sơn Động) tử vong sau khi ngã từ giàn giáo tầng 4 tại một công trình xây dựng trên địa bàn. Từ ngày ông mất, người vợ ông phải gánh vác mọi việc trong nhà.
Các vụ TNLĐ gần đây trên địa bàn tỉnh hầu hết đều xảy ra ở công trình dân dụng, nhà ở riêng lẻ và trong quá trình người dân vận hành các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Một số vụ tai nạn xảy ra do nhà thầu tư nhân, các công ty quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức, không hiểu biết và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Ghi nhận tại Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên cho thấy, trong số 20 vụ TNLĐ đơn vị điều trị trong năm nay, hầu hết đều xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ. Tai nạn xảy ra chủ yếu ở các nhóm thợ tự thành lập. Thành viên là những người trong cùng gia đình, dòng họ hoặc cùng thôn. Hầu hết bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị đều trẻ tuổi, nhiều người mới đi làm, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng an toàn lao động.
“Phần lớn những trường hợp bị TNLĐ đều thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình, có bệnh nhân bị thương tích nặng hơn do hoạt động sơ cứu, vận chuyển chưa đúng. Cùng với tự chủ động bảo vệ bản thân, người lao động cần kiên quyết từ chối làm việc khi môi trường, máy móc thiết bị làm việc không bảo đảm an toàn bởi họ là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất nếu xảy ra tai nạn. Nếu không may xảy ra tai nạn, người có mặt giúp đỡ nạn nhân cần chú ý sơ cứu ban đầu, cầm máu cho bệnh nhân; đồng thời nẹp, cố định người bệnh trên cáng cứng để tránh những tổn thương nặng hơn trước khi đưa đến bệnh viện”, bác sĩ Phạm Tùng Sơn khuyến cáo.
Ý kiến bạn đọc (0)