Cho lòng ta tiếp nối những chân trời...
Sau này lớn hơn, tiếp xúc với văn chương, với nhạc và thơ, tôi thấy sông Thương thật gần với “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng”, vọng tiếng chim tu hú trong tác phẩm của nữ sĩ Anh Thơ. Một sông Thương ngàn thương với hình ảnh những bà mẹ thức thâu đêm vá áo cho đàn con chiến sĩ. Có phải sông Thương đã sớm in bóng hình trong một góc tâm hồn, để trái tim thiếu nữ của tôi dễ mở lòng yêu và gắn bó cả đời với mảnh đất này.
Du khách trải nghiệm tại vườn vải thiều Lục Ngạn. Ảnh: Hoàng Tuấn Anh. |
Thấm thoắt đã gần 40 mùa xuân trôi qua. Bắc Giang của ngày đầu tiên tôi biết cho tới hôm nay vẫn là một Bắc Giang của nghĩa tình chung thuỷ, của ý chí kiên cường. Kỷ niệm ngày đầu tiên tôi đến Bắc Giang nhận công tác được chứng kiến trận lụt lịch sử năm 1986. Rồi triền miên những ngày đói giáp hạt. Củ khoai, củ sắn thay cơm. Không chỉ thiếu trường lớp, bệnh viện, mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn.
Thế nhưng trong gian khó, nghĩa tình càng thắm hơn với sự đùm bọc, sẻ chia từng bát gạo, mớ rau và những lời động viên nhau đầy lạc quan, tin tưởng. Trên những công trường thủy lợi, thanh niên nam nữ vẫn rộn ràng lời ca. Từ nhiều ngôi đình làng ở Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Lục Nam vẫn ngân vang tiếng trẻ học bài và buổi tối vẫn lấp lánh ánh đèn của lớp học xóa mù chữ. Những hội mẹ chiến sĩ trong thời bình vẫn đến từng nhà động viên con cháu lên đường. Chiều 30, vẫn chia nhau cấy giúp mảnh ruộng cuối cùng, để gia đình chiến sĩ yên lòng đón Tết.
Dù nghèo, dù khó đến mấy, trong ba ngày Tết gia đình nào cũng có đủ bánh chưng, dưa hành và sắp mâm bàn thờ tươm tất để cúng ông bà tổ tiên. Tôi nhớ năm đầu đón Tết ở Bắc Giang, cái gì cũng thấy lạ. Tết gói bánh chưng, nhà nhà đụng lợn thì quê nào cũng có. Nhưng so với quê tôi, Tết ở Bắc Giang phong phú hơn nhiều với các loại bánh, xôi chế biến từ đường, đỗ xanh, gạo nếp cùng các màu ngũ sắc nhuộm từ hoa, lá thiên nhiên. Không chỉ làm đủ cho gia đình, mỗi nhà đều làm nhiều hơn để mời khách đến chúc Tết. Cứ có khách là chủ nhà bưng mâm, mời nhau nâng chén rượu, nếm chút thức ăn gọi là lấy may ngày đầu năm mới...
Phải chăng, hạnh phúc của một gia đình, dòng họ, rộng hơn là một vùng quê, dân tộc ấy chính là khi con cháu trở về. Hoặc dù ở đâu thì mọi suy nghĩ, hành động của họ đều hướng về quê hương. Chiều cuối năm, hòa trong dòng người đi chợ hoa, thấy lòng mình trẻ lại khi ngắm những đôi lứa thanh xuân dập dìu nắm tay nhau đi chọn mua đào. |
Người Bắc Giang từ ngàn xưa đã vậy. Giàu nghĩa khí tinh thần đánh giặc và giàu cả đời sống tâm hồn. Hiếm có vùng quê nào một năm có tới 500 lễ hội, chủ yếu vào dịp xuân. Những người nông dân quanh năm tất tả ngược xuôi, thoắt đã biến thành những liền anh, liền chị quan họ trong lễ hội sân đình.
Mỗi lễ hội là những sắc màu huyền thoại linh thiêng. Dẫu đã mấy trăm năm trôi qua, nhưng qua mỗi lần lễ hội, dấu ấn chiến thắng Xương Giang, Cần Trạm, cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh áo nâu Hoàng Hoa Thám vẫn hiển hiện oai hùng, điểm tô sắc thắm những mùa xuân.
Phải chăng, chính khí chất tinh thần thượng võ, sự lạc quan trong đời sống tinh thần đã là điểm tựa cho người Bắc Giang hôm qua và hôm nay vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đi trên triền đê lộng gió bên tả ngạn sông Cầu, nhìn về bên kia sông - nơi phòng tuyến đánh quân Tống xâm lược cách đây gần nghìn năm, lại nhớ bài thơ “Thần” nổi tiếng của Lý Thường Kiệt đọc năm Bính Thìn (1076): “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!" (bản dịch của Trần Trọng Kim).
Trong lúc lâm nguy nhất, vị Thái úy tài ba Lý Thường Kiệt đã nhìn ra sức mạnh cội nguồn nước Nam chính là ý thức chủ quyền dân tộc, là niềm tin chiến thắng. Nhà thơ Chế Lan Viên, trong cảm xúc đối thoại với mùa xuân cách đây hơn nửa thế kỷ đã viết: “Trong lịch sử nghìn xưa tít tắp/ Ai đầu tiên đã nắm nhánh đào/ Cho con cháu cầm hoa đánh giặc/ Nuôi sắc hồng giữa vạn gian lao?” (Đối thoại mới - 1973).
Thật vậy. Chính sắc hồng của niềm tin ấy đã giúp con cháu sau này vững vàng kiên định, vượt khó đi lên. Mỗi người dân Bắc Giang không thể nào quên thời điểm lúc chia tách tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh năm 1997. Cũng bên dòng sông Cầu xôn xao bến nước, tiễn bạn đi rồi là những lo toan.
Cầu Á Lữ bắc qua sông Thương (TP Bắc Giang). Ảnh: Quốc Trường. |
Lúc ấy, điểm xuất phát về kinh tế của Bắc Giang ở mức thấp so với bình quân chung của cả nước. Sản xuất chính vẫn là nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo cao. Vậy mà với ý chí quyết tâm, chung sức chung lòng và niềm tin thắng lợi “nuôi sắc hồng giữa vạn gian lao”, năm 2023, Bắc Giang đã trở thành điểm sáng, dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, nhiều bạn trẻ là người con Bắc Giang với thành tích đạt được qua các cuộc thi quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao đã làm rạng danh quê nhà. Tự hào biết bao! Từ cái tên khiêm tốn trên bản đồ, đến nay Bắc Giang đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.
Điều đáng mừng hơn, những năm trước đây, nhiều bạn trẻ muốn rời quê đi xa, có người còn ngại giới thiệu mình là người Bắc Giang, thì hôm nay họ đã trở về. Nhiều bạn có đủ điều kiện thành danh ở một miền đất khác, vậy mà đã quyết định trở về làm giàu trên quê hương với nhiều mô hình sáng tạo, độc đáo. Các khu công nghiệp của tỉnh cũng là nơi thu hút đông nguồn nhân lực không chỉ của Bắc Giang mà còn đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đừng vội đánh giá các bạn trẻ hôm nay trong cuộc sống hiện đại “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…”. Chính thành quả của phong trào xây dựng nông thôn mới với những làng quê đáng sống đã khơi dậy trong họ tình yêu và niềm tự hào đối với quê hương. Tôi nhớ, đi dự một đám cưới, rất nhiều người đã bất ngờ và thú vị khi được xem một nhóm bạn của cô dâu chú rể với bản nhạc híp hop vừa nhảy vừa hát: “Về quê tôi nhé/ Bắc Giang thân yêu/ cùng nâng cánh diều/ liền anh liền chị/ Về quê tôi nhé/ có một dòng sông/ bên thương bên nhớ/ bạn thương bên nào/ Về quê tôi nhé/ có những người dân/ dẫu hờn, dẫu giận/ mà thương nhau nhiều…”.
Phải chăng, hạnh phúc của một gia đình, dòng họ, rộng hơn là của một vùng quê, dân tộc ấy chính là khi con cháu trở về. Hoặc dù ở đâu thì mọi suy nghĩ, hành động của họ đều hướng về quê hương. Đó chính là niềm vui ấm áp tôi nhận thấy trước thời khắc đón xuân Giáp Thìn. Để chiều cuối năm, hòa trong dòng người đi chợ hoa, thấy lòng mình trẻ lại khi ngắm những đôi lứa thanh xuân dập dìu nắm tay nhau đi chọn mua đào. Lại liên tưởng tới những câu thơ của Chế Lan Viên: “Anh nghiêng cành hoa/ Em nhìn cho rõ/ Cho lòng ta tiếp nối những chân trời…”.
Từ mùa xuân đầu tiên tôi đến, có một Bắc Giang đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Cho tôi biết đi từ góc sân ra khoảng trời. Và giữa mùa xuân nay - vẫn muốn mở lòng vươn xa tiếp nối những chân trời.
Tùy bút của Lê Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)