Cho điệu chèo mãi ngân vang
BẮC GIANG - Bắc Giang là một trong những địa phương sở hữu di sản chèo với nhiều câu lạc bộ (CLB ) hoạt động tích cực. Để gìn giữ nghệ thuật dân gian giàu bản sắc dân tộc, thời gian qua, tỉnh có nhiều nỗ lực thúc đẩy phong trào hát, diễn chèo trong cộng đồng. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Say trong làn điệu
20 năm qua, kể từ khi thành lập, CLB Chèo huyện Yên Dũng do ông Nguyễn Văn Thêm - Nghệ nhân ưu tú (SN 1950) ở thị trấn Nham Biền làm chủ nhiệm duy trì hoạt động đều đặn. Từ chỗ ban đầu chỉ có vài người là hạt nhân văn nghệ, đến nay CLB thu hút hơn 20 thành viên tham gia. Hầu hết thành viên trong CLB đều làm nông nghiệp, buôn bán, họ đến từ nhiều xã, thị trấn trong huyện.
Một cảnh trong vở chèo "Trinh Nguyên" do Nhà hát Chèo Bắc Giang dàn dựng. |
Ông Thêm là người có công rất lớn trong việc bảo tồn nghệ thuật chèo trên địa bàn huyện. Là người tâm huyết, say sưa với chèo, nhiều năm qua, ông đến khắp các xã trong huyện dày công sưu tầm những tài liệu có giá trị để phục vụ cho hoạt động của CLB. Từ khi CLB được thành lập đến nay, ông Thêm sáng tác gần 50 bài hát và nhiều hoạt cảnh ca ngợi huyện Yên Dũng. Ngoài ra, còn có hàng chục bài chèo nội dung tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới. CLB thường xuyên dành nhiều giải cao tại các liên hoan chèo không chuyên do tỉnh tổ chức. "Tới đây, chúng tôi có kế hoạch phối hợp với ngành giáo dục huyện truyền dạy hát chèo miễn phí cho học sinh trong huyện", ông Thêm tâm sự.
Từ lâu, chèo cổ Bắc Giang là một trong “tứ chiếng” lưu danh trong lịch sử nghệ thuật Chèo ở nước ta. Bắc Giang nổi danh những vùng chèo truyền thống như Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên... Trong kháng chiến chống Mỹ, các đội, làng chèo rất phát triển, hoạt động sôi nổi ở nhiều nơi, khích lệ, cổ vũ tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc; trong đó phải kể đến những đội, làng chèo nổi tiếng như Hoàng Mai (thị xã Việt Yên), Đồng Quan (TP Bắc Giang), Tư Mại (Yên Dũng), Bắc Lý (Hiệp Hòa)… Những phường chèo này hầu hết đều do nhân dân tự lập nên, bà con vừa lao động sản xuất vừa tham gia phường chèo. Ngày nay, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, chèo truyền thống ở các làng, xã dần được khôi phục và phát triển. Toàn tỉnh hiện có hơn 30 CLB chèo có quyết định thành lập và hàng trăm CLB văn hóa, văn nghệ liên quan tới hát chèo.
Trước kia, xã An Hà (Lạng Giang) là một trong những miền quê còn lưu giữ được nhiều làn điệu chèo cổ. Tuy nhiên, do biến động của lịch sử, tiếng chèo nơi đây có nguy cơ biến mất. Năm 2016, CLB Chèo xã An Hà được thành lập, đến nay có gần 30 thành viên. Nhà hát Chèo Bắc Giang đã cử các nghệ sĩ về truyền dạy kỹ thuật hát, diễn, hóa trang. Nhiều người bận việc nhà, có những hôm mưa gió song hằng tuần vẫn nhiệt tình đến nhà văn hóa thôn để sinh hoạt. Từ chỗ chưa biết hát, đến nay, các thành viên của CLB thuộc nhiều làn điệu chèo cổ, diễn xuất tốt các trích đoạn, như: "Quan Âm Thị Kính", "Lý trưởng mẹ Đốp"…
Theo ông Hà Văn Thuân, Phó Chủ tịch UBND xã An Hà cho biết: "Mỗi lần CLB tham gia hội diễn, liên hoan do huyện, tỉnh tổ chức, UBND xã trích một phần kinh phí hỗ trợ. Từ những làn điệu chèo được khôi phục, phong trào hát chèo đã lan tỏa ra nhiều thôn, xã lân cận".
Gìn giữ cho muôn đời sau
Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển Nhà hát Chèo Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể. Theo đó, tập trung nguồn lực phát triển Nhà hát trở thành đơn vị biểu diễn văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, mang đậm bản sắc văn hóa, con người Bắc Giang và “Chiếng chèo xứ Bắc". Mỗi năm, Nhà hát tổ chức luyện tập dàn dựng 2 vở chèo mới, từ 1 đến 2 vở chèo ngắn và một số bài hát chèo; tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí phục vụ cán bộ và nhân dân các xã, thị trấn trong tỉnh cũng như ở nhiều lễ hội thu hút hàng nghìn người xem.
Khẳng định giá trị của nghệ thuật chèo trong đời sống người Việt trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm, tỉnh Bắc Giang cùng 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ đang xây dựng hồ sơ nghệ thuật chèo gửi cấp có thẩm quyền đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang cho biết, từ năm 2005 đến năm nay, đơn vị đã giúp đỡ khôi phục, xây dựng gần 30 CLB chèo tại các địa phương trong tỉnh, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật của sân khấu chèo. Vài năm gần đây, mỗi năm, Nhà hát phối hợp với trung tâm văn hóa-thông tin và thể thao các huyện, TP tổ chức dạy 5 - 7 lớp chèo, giúp đỡ về chuyên môn để thành lập các CLB Chèo ở các xã, phường, trường học.
Ở huyện miền núi, vùng cao như Lục Ngạn, Sơn Động -những địa phương vốn sở hữu nhiều loại hình dân ca vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếng hát chèo cũng len lỏi vào các xã, thôn. Tháng 5/2024, Nhà hát Chèo Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao hai huyện này tổ chức lớp truyền dạy hát chèo cho hạt nhân văn nghệ ở cơ sở thu hút gần 100 người tham gia. Phấn khởi hơn, những con em quê hương Bắc Giang làm ăn xa quê, sinh sống, làm việc ở nước ngoài song cũng rất đam mê chèo, tham gia vào các nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook để giao lưu.
Ngoài diễn vở diễn truyền thống, các CLB còn sáng tác, sử dụng bài hát chèo lời mới, ca cảnh, hoạt cảnh, dựng những vở diễn ngắn mang hơi thở thời đại, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Khẳng định giá trị của nghệ thuật chèo trong đời sống người Việt và dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm, tỉnh Bắc Giang cùng 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ đang xây dựng hồ sơ nghệ thuật chèo gửi cấp có thẩm quyền đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh những nỗ lực, kết quả đạt được, khó khăn hiện nay trong công tác bảo tồn nghệ thuật chèo đó là các tác giả sáng tác được chèo trên địa bàn tỉnh rất ít. Diễn viên, nghệ nhân, thành viên CLB chèo ở các đơn vị, địa phương có xu hướng già hóa. Ngoài hỗ trợ một phần kinh phí khi đi liên hoan, hội diễn do huyện, tỉnh tổ chức, phần lớn CLB ở cơ sở tự mua sắm trang phục, dụng cụ biểu diễn; thành viên tự đóng góp quỹ để duy trì sinh hoạt.
Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của nghệ thuật chèo dưới nhiều hình thức. Tham mưu UBND, HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật chèo. Tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ, khôi phục các CLB chèo từng bị mai một; dàn dựng, biểu diễn các vở chèo, trích đoạn mới; duy trì tổ chức liên hoan chèo không chuyên để tổng kết, đánh giá công tác bảo tồn, đồng thời tạo sức lan tỏa đối với di sản.
Theo Đề án Phát triển Nhà hát Chèo Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, từ năm học 2025-2026 sẽ đưa hát chèo, quan họ vào chương trình giáo dục ngoại khóa bậc học tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh… Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của nghệ thuật chèo, khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng; quảng bá bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy KT-XH của các địa phương.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)