Câu lạc bộ chấn thương cột sống: Sáng đẹp tình người
Liệt chi, không liệt ý chí
Tháng 6/2002, trên đường đi xe đạp lấy hàng tạp hóa về bán, chàng trai trẻ Trần Văn Bộ (SN 1979) ở thôn Phấn Lôi, xã Thắng Cương, nay là tổ dân phố Phấn Lôi, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) bất ngờ bị ô tô lao vào. Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng đã khiến anh bị vỡ 3 đốt sống cổ, tổn thương tủy sống, liệt tứ chi. Thời điểm đó, anh mới kết hôn, vợ mang bầu 7 tháng. Từ một chàng trai trẻ khỏe mạnh, vạm vỡ, là trụ cột gia đình, anh Bộ trở thành bệnh nhân nằm liệt một chỗ, bao ước mơ, dự định sụp đổ.
Anh Trần Văn Bộ (bên trái) Chủ nhiệm CLB "Chấn thương cột sống - kết nối yêu thương tỉnh Bắc Giang" cùng hội viên Lê Văn Thi nghiên cứu tài liệu về sức khỏe. |
Hơn 1 năm ròng rã chữa trị ở khắp các bệnh viện, kinh tế cạn kiệt nhưng sức khỏe của anh không tiến triển là bao."Nhiều tháng ngày nằm trên giường bệnh, người không thể nghiêng phải, nghiêng trái, tôi chỉ mong được trở mình như một đứa trẻ tập lẫy mà không thể. Chân tay teo dần, dây thần kinh các chi tê liệt, mất cảm giác; da bị lở loét. Mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân đều do mẹ và vợ hỗ trợ. Đã có lúc tôi muốn tìm đến cái chết bởi sống như vậy sẽ làm khổ gia đình song những giọt nước mắt của mẹ và tiếng khóc của con trẻ mới lọt lòng khiến tôi bừng tỉnh, quyết không đầu hàng số phận", anh Bộ nói trong nghẹn ngào.
Hơn 20 năm luyện tập kiên trì, bền bỉ, một số ngón tay của anh đã cử động được cho dù còn yếu ớt. Cũng chừng ấy thời gian, anh làm bạn với chiếc xe lăn. Để tự lập việc sinh hoạt, anh nhờ người nhà buộc thìa vào tay tập xúc cơm, nối dài thêm bàn chải tập đánh răng. Nhà có cửa hàng tạp hóa, là người ham học hỏi, anh tìm hiểu thị trường, tiếp cận giao dịch thương mại điện tử. Từ một cửa hàng tạp hóa nhỏ, hiện anh là chủ một siêu thị bán hàng tự chọn tại nhà với hơn 2 nghìn mặt hàng, số tiền đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
Anh Trần Văn Bộ, Chủ nhiệm CLB "Chấn thương cột sống - kết nối yêu thương tỉnh Bắc Giang" bán hàng tại siêu thị của gia đình. |
Giờ đây, anh có thể gài bút vào kẽ ngón tay để viết, dùng mu bàn tay và khuỷu tay bấm chuột máy vi tính, tự bán hàng cho khách. Nằm viện nhiều năm, tiếp xúc với nhiều người cùng cảnh ngộ, anh Bộ đồng cảm, thấu hiểu những mất mát của bệnh nhân. Với mục đích kết nối yêu thương, giúp mọi người xóa đi mặc cảm, được tiếp thêm nghị lực sống, năm 2018, anh đề xuất Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang thành lập CLB “Chấn thương cột sống - kết nối yêu thương tỉnh Bắc Giang”. Anh được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB. Hiện CLB có hơn 50 thành viên trong tỉnh tham gia.
Năm 2018, chị Trần Thị Thu (SN 1987) ở thôn Chẽ, xã Trường Sơn (Lục Nam) - giáo viên mầm non - không may ngã từ tầng 2 của đại lý xe máy xuống đất. Chị bị gãy đốt sống cổ, đứt tủy sống phải nằm điều trị nhiều năm ở các bệnh viện tuyến T.Ư. Là mẹ đơn thân, cuộc sống vô cùng khó khăn, mọi chi phí thuốc men, chăm sóc đều do bố mẹ đẻ chị gánh vác. Do sức khỏe không bảo đảm, chị đành phải giã từ nghề giáo viên.
Nằm liệt một chỗ, không biết bao đêm chị ngoảnh mặt vào tường khóc, muốn tự kết thúc cuộc đời. "Cô giáo chủ nhiệm bảo con gái tôi đến lớp hay khóc, buồn rầu vì thương mẹ, đồng thời khuyên tôi hãy sống vì con, vì bố mẹ, vì gia đình", chị Thu nói. Năm 2020, chị tham gia CLB “Chấn thương cột sống - kết nối yêu thương tỉnh Bắc Giang". Tại đây, chị được tận mắt chứng kiến bao số phận kém may mắn hơn mình, nghe mọi người chia sẻ những sóng gió mà họ đã trải qua, truyền cảm hứng về nghị lực sống.
Dù bị liệt 2 chân song chị Trần Thị Thu, thôn Chẽ, xã Trường Sơn (Lục Nam) luôn giữ tinh thần lạc quan. |
Sau nhiều năm kiên trì tập luyện, sức khỏe của chị cải thiện hơn. Dù phải ngồi xe lăn đến nay đã hơn 5 năm nhưng chị tự phục vụ bản thân. Chị đã xây được căn nhà mới, đồng thời bán sản vật của quê hương tại nhà (mật ong, ba kích, nấm…). Công việc làm ăn thuận lợi, lượng khách đông, chị bán hàng online (trực tuyến) giao cho khách hàng trong và ngoài tỉnh cho thu nhập khá.
Xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng
Anh Bộ, chị Thu chỉ là 2 trong số rất nhiều thành viên của CLB "Chấn thương cột sống - kết nối yêu thương tỉnh Bắc Giang” đã vượt lên số phận. Mỗi thành viên tôi gặp là một hoàn cảnh sống khác nhau với những câu chuyện cảm động, thấm đẫm nước mắt mà họ đã trải qua. Khác với những người khuyết tật khác, người bị dập tủy sống thường bị liệt các chi, nằm một chỗ dài ngày, mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải có người hỗ trợ.
Trong cuộc sống sẽ có nhiều lúc chúng ta cảm thấy bế tắc, thậm chí rơi xuống vực sâu bi quan, chán nản, nếu chúng ta có đủ ý chí nghị lực, chắc chắn không có chướng ngại vật nào có thể ngăn cản được bước chân ta".
Anh Trần Văn Bộ. |
Hầu hết những người bị tai nạn khi tuổi còn trẻ, là lao động chính trong gia đình. Tai nạn giáng xuống kéo theo kinh tế kiệt quệ. Chiếc xe lăn là bạn đồng hành, theo suốt cuộc đời họ.
Dù đối mặt với bao khó khăn nhưng với ý chí nghị lực, sức sống mạnh mẽ, họ đã vượt qua và bước tiếp. Không ít người vẫn lăn lộn kiếm sống, lao động như những người lành lặn, trở thành những tấm gương truyền cảm hứng cho những số phận không may mắn, điển hình như anh Lê Văn Thi (SN 1976) ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).
Anh Thi làm nghề lái xe tải cho một công ty, lúc 26 tuổi (chưa lập gia đình), một lần đứng cạnh công nhân sửa xe, bất ngờ thùng ben của xe bị sập, đổ ập xuống lưng anh khiến 3 đốt xương sống bị dập nát. Anh Thi liệt 2 chi nằm tại chỗ 3 năm. Gia đình phải bán căn nhà trị giá hơn 700 triệu đồng ở Bắc Ninh mà anh tích cóp, dành dụm mua được để điều trị cho anh. Dù bị liệt 2 chân, chấn thương cột sống song khi ra viện, anh Thi xoay xở, bươn chải ở Hà Nội, mua xe 3 bánh chở thuê rau, quả, đồ đạc để kiếm sống. Hạnh phúc mỉm cười khi anh tìm thấy "một nửa cuộc đời" của mình. Hiện vợ chồng anh mở quán nước tại nhà, có con gái nuôi 7 tuổi.
Anh Nguyễn Tuấn Long, thôn Cẩm Vũ, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) làm nghề sửa chữa, kinh doanh điện thoại để tạo dựng cuộc sống. |
Anh Nguyễn Tuấn Long (SN 1984) ở thôn Cẩm Vũ, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) bị tai nạn khi là sinh viên năm thứ 2 Trường Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ. Trong lúc nhảy xuống hồ bơi cùng bạn bè, anh bị vỡ 2 đốt xương cổ, dập tủy, hiện các đốt xương vẫn phải bó nẹp, đóng đinh. Anh bị liệt từ phần ngực trở xuống, phải ngồi xe lăn, 2 tay rất yếu. Hơn 1 năm nằm yên tại chỗ, người không thể lật sang bên, anh bi quan, chán nản, không muốn sống. Nhưng sau đó, nhờ kiên trì luyện tập, sức khỏe của anh tiến triển tốt.
Anh Long tham gia CLB năm 2018, được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người. Hiện anh mở cửa hàng bán, sửa chữa điện thoại cho người dân quanh vùng, sống hạnh phúc bên bố mẹ đẻ, vợ và con trai 8 tuổi. Hằng năm, dù bị liệt nhưng anh vẫn ngồi trên xe lăn cùng vợ, con, người thân, bạn bè trong CLB đi tham quan, nghỉ mát ở nhiều nơi, sống lạc quan, yêu đời.
5 năm kể từ khi thành lập, CLB "Chấn thương cột sống - kết nối yêu thương tỉnh Bắc Giang” có nhiều hoạt động ý nghĩa. Mỗi năm, CLB tổ chức gặp mặt 2 lần vào Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12). Với vai trò là Chủ nhiệm CLB, anh Trần Văn Bộ đã kết nối, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, bệnh viện tư nhân tặng hàng chục xe lăn, máy vi tính, đệm chống loét da, hàng trăm suất quà cho hội viên. Các buổi giao lưu, tọa đàm về hạnh phúc gia đình, khát vọng sống được thành viên trong CLB tích cực tham gia.
Thật cảm động, khâm phục biết bao khi nhiều hội viên vẫn cất cao lời ca, tiếng hát, đua xe lăn, chơi cờ tướng ở nhiều sân chơi văn hóa, thể thao. Họ không những vượt lên số phận mà còn lan tỏa nghị lực sống mạnh mẽ. Các bài viết, hình ảnh, video liên quan đến phẫu thuật, điều trị, tập luyện phục hồi sức khỏe, hành trình vượt lên số phận, câu chuyện cảm động đều được hội viên chia sẻ, đăng tải lên Facebook của CLB, giúp mọi người có thông tin bổ ích, nỗ lực phấn đấu vươn lên. CLB đã trở thành mái nhà chung của những số phận không may mắn, nơi để họ trao gửi yêu thương. Ở đó, các hội viên tìm thấy sự đồng cảm, xóa bỏ mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)