Câu chuyện 10 điểm
Đó là điểm số về tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo, tiêu chuẩn sản phẩm, câu chuyện sản phẩm, khả năng xuất khẩu... với tổng số tối đa 100 điểm. Riêng tiêu chí về “câu chuyện sản phẩm” chiếm 10 điểm.
“Câu chuyện sản phẩm” là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, khách hàng nhằm thay đổi cảm xúc khi mua sắm, sử dụng, tạo ra thương hiệu của sản phẩm. Câu chuyện này mang lại trải nghiệm mới, từ đó làm thay đổi hành vi, trở thành một trong những lý do khiến khách quyết định mua hàng. Với mỗi sản phẩm OCOP, thông điệp còn mang cả niềm tự hào của mỗi vùng đất, con người về sản vật quê hương. “Câu chuyện sản phẩm” tạo sự khác biệt và cuốn hút khách hàng. Vì thế cần được mỗi chủ thể quan tâm “kể” trong hàng nghìn câu chuyện về sản phẩm OCOP đang nở rộ.
Thực tế có nhiều câu chuyện thành công, hấp dẫn khách hàng như vải thiều Lục Ngạn (Lục Ngạn), gà đồi Yên Thế (Yên Thế), trà hoa vàng (Lục Nam), vú sữa Hợp Đức (Tân Yên)… Đó là nguồn gốc “di cư” của cây vải Lục Ngạn gắn với quá trình chăm sóc, cải tạo lâu dài, thuần hóa của người dân phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, ứng dụng kỹ thuật tạo ra sản phẩm đặc trưng. Hay như gà Yên Thế “leo đồi kiếm thức ăn, ngủ trên cây” cùng kỹ thuật chăm sóc của bà con nên chắc thịt, sản phẩm thơm ngon, dai, ngọt hơn.
Trà hoa vàng Lục Nam là loại cây quý sót lại ở phía Tây rừng Yên Tử, bên con đường hoằng dương Phật pháp, được bảo tồn, nhân giống thành công. Sản phẩm từ trà hoa vàng được chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm, làm quà quý cho du khách. Còn cây vú sữa tổ ở Hợp Đức đã gần 40 năm tuổi, được bà con nhân giống phát triển thành vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dải đất ven sông Thương được phù sa bồi đắp, có thêm kinh nghiệm quý của người dân bản địa tạo ra quả vú sữa cửa sông Hợp Đức “to, tròn, ngọt, mát, bổ dưỡng” hiếm có.
Rõ ràng, mỗi sản phẩm OCOP không chỉ đơn thuần là giá trị sử dụng mà còn có một câu chuyện truyền thông điệp mang tính nhân văn, hiểu biết về văn hóa, đời sống trong từng sản phẩm, chuyển tải giá trị vô hình thành hữu hình. Các chuyên gia cho rằng, OCOP chính là “báu vật” của làng quê.
Sản phẩm có thể quy mô không lớn nhưng thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra. Đây chính là then chốt mà sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường. Nhiều địa phương đã xây dựng vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, hình thành sản phẩm OCOP gắn với vai trò như “đại sứ” chuyển tải những “câu chuyện sản phẩm” của văn hóa vùng, miền.
Câu chuyện 10 điểm của sản phẩm OCOP chính là xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm gắn với trí tuệ, bản sắc địa phương (giá trị văn hóa, hoặc huyền tích hay sự hình thành sản phẩm); công dụng, công nghệ sản xuất; xu thế phát triển của sản phẩm… được chủ thể viết lên, kể lại cho khách hàng. “Câu chuyện sản phẩm” chiếm tỷ lệ điểm số cao trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Muốn có câu chuyện hay, đạt điểm tối đa thì phải làm ra sản phẩm tốt và xuất phát từ niềm tự hào của người dân, cộng đồng về loại hàng hóa đó .
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)