Bùi Mạnh Đức - tác giả của những phần mềm tiện ích
Tự hào truyền thống gia đình
Ông Bùi Cảnh (SN 1963), bố của Đức kể: “Quê tôi ở Hà Tĩnh, từ nhỏ anh chị em tôi lớn lên từ củ sắn, củ khoai song luôn tự hào về truyền thống hiếu học của gia đình. Bố tôi nguyên là cán bộ quân đội, một tấm gương điển hình ham học và vượt khó. Trong suốt những năm tháng đất nước chiến tranh gian khổ ông vẫn luôn nỗ lực học tập để mở mang kiến thức, có học vị giáo sư chuyên ngành kỹ thuật thông tin”. Sau này, thế hệ các con, cháu noi gương chăm chỉ học tập, đạt nhiều kết quả cao, nhiều người có việc làm, cuộc sống riêng ổn định.
Bùi Mạnh Đức chia sẻ niềm vui với bố mẹ về những giải thưởng của mình. Ảnh: Tuấn Hiệp |
Còn về phần Đức từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh. Suốt từ những năm học tiểu học, THCS, em liên tục góp mặt trong danh sách học sinh giỏi các cấp, được nhà trường, Hội Khuyến học khen thưởng. "Em luôn tự hào về gia đình. Ông nội, bố, chú và hai chị đều là thần tượng để em phấn đấu noi theo. Đặc biệt, bố mẹ là người truyền động lực cho em nhiều nhất, dù làm nghề nông, kinh tế không khá giả nhưng bố mẹ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các con học tập. Từ khi em và các chị học tiểu học đã được bố mẹ mua cho máy vi tính", Đức chia sẻ. Tiếp xúc với công nghệ thông tin từ sớm nên Đức có thêm nhiều kiến thức ngoài sách vở, nhất là tin học.
Nhờ nỗ lực của bản thân, sự quan tâm của gia đình và thầy cô giáo, Bùi Mạnh Đức đã gặt hái rất nhiều thành tích trong học tập. Em đã từng giành giải Nhất Tin học trẻ cấp huyện; giải Nhất thi học sinh giỏi môn Tin học cấp tỉnh, giải Ba thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Mới đây, Đức đoạt Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Tin học quốc tế HKICO 2021 do Trường Đại học Thủ đô và Công ty cổ phần Giáo dục FERMAT tổ chức tại Hà Nội. Sau khi giành tấm Huy chương Vàng đó, những ngày này, dù đang nghỉ hè và ở nhà để phòng, chống dịch, Đức vẫn tập trung ôn luyện để tiếp tục tham dự trực tuyến vòng chung kết quốc tế Olympic HKICO.
Giành giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi
Một trong những thành tích nổi bật của Bùi Mạnh Đức đó là thí sinh duy nhất thi vượt cấp trong kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên trực tiếp bồi dưỡng cho Đức kể lại: Nhiều năm qua, Sở tổ chức thi học sinh giỏi môn Tin học dành cho học sinh lớp 11. Quá trình giảng dạy, nhận thấy Đức mới học lớp 10 song rất thông minh, khả năng lập luận tốt, làm được nhiều dạng bài toán khó thuộc chương trình lớp 11, 12. Vì vậy, nhà trường đã làm hồ sơ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cho em được dự thi vượt cấp. Không phụ niềm tin thầy cô, cha mẹ, Đức đoạt một trong hai giải Nhất với 19/20 điểm.
Về Trường THPT Hiệp Hòa số 1, các thầy cô giáo còn giới thiệu nhiều dự án, mô hình sáng tạo mới lạ, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đời sống do Bùi Mạnh Đức nghiên cứu. Tiêu biểu trong số này là phần mềm “Điều khiển và nhập dữ liệu vào máy tính bằng giọng nói” (lớp 9); phần mềm “Hỗ trợ phòng, chống và tự phòng, chống tác hại trên Internet- DGuard” (lớp 10) đều đoạt giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.
Nói về mô hình phòng, chống tác hại trên Internet, Đức cho biết: "Khi thấy nhiều bạn sử dụng máy tính, điện thoại nhưng không dành thời gian cho học tập hoặc bị tác động của mặt trái mạng xã hội như: Nói tục chửi bậy, sa đà vào trò chơi điện tử bạo lực nên em nghiên cứu phần mềm với mong muốn khi cài đặt trên máy tính sẽ tạo “bộ lọc” ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng xuất hiện, khống chế thời gian sử dụng máy vi tính của giới trẻ".
Ngoài việc học văn hóa, Đức tham gia nhiều dự án hữu ích nên có thu nhập để đầu tư cho học tập. Khi vừa thiết kế xong phần mềm điều khiển và nhập dữ liệu vào máy tính bằng giọng nói (chuyển thể từ giọng nói thành chữ viết trên máy tính), một doanh nghiệp ở Hà Nội đã liên hệ đặt hàng mua.
Tháng 2/2021, một lần mày mò tìm hiểu phần mềm chấm trắc nghiệm thi online đang phổ biến trên mạng, Đức phát hiện lỗi sót kỹ thuật quan trọng nên đã gửi thư điện tử báo cho nhà sản xuất. Hành động đẹp đó được doanh nghiệp thưởng ngay 5 triệu đồng. Toàn bộ tiền thưởng đạt được trong suốt quá trình học tập, Đức đều dành để mua sách vở, tài liệu để tiếp tục học tập, nghiên cứu mở rộng hiểu biết, chuẩn bị hành trang cho mục tiêu du học.
Ý kiến bạn đọc (0)