Bắc Giang dồn sức hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo còn 1%
BẮC GIANG - Mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về giảm nghèo bền vững là đến cuối giai đoạn, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn 1%, trong đó, các xã đặc biệt khó khăn còn 12,6%. Năm nay là năm “tăng tốc” của nhiệm kỳ nên các cấp, ngành, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Huy động nguồn lực hỗ trợ sinh kế
Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn hơn 12,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm 1,18% so với năm 2022 (vượt kế hoạch 0,18%). Hộ cận nghèo còn 16,2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%, giảm 0,8% so với năm 2022. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng; 10/10 huyện, thị xã, TP đều hoàn thành mục tiêu kế hoạch giảm nghèo năm 2023.
Đường giao thông xã Đồng Vương (Yên Thế) được cải tạo từ nguồn vốn của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. |
Những kết quả nổi bật này khẳng định sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Là cơ quan thường trực chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các kế hoạch, chương trình cho cả giai đoạn, từng năm với những giải pháp cụ thể. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo đa chiều cho người dân, cán bộ cơ sở. Đặc biệt, huy động, lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ sinh kế, tạo động lực phấn đấu, giúp người nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn để giảm nghèo bền vững.
Huyện Yên Thế là địa phương triển khai nhanh, hiệu quả dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo (dự án 2 của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững). Với nguồn vốn được phân bổ, huyện tiến hành rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tìm hiểu điều kiện thực tế, khả năng tham gia, từ đó lựa chọn dự án phù hợp để nhân rộng. Ông Dương Ngọc Minh, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện cho biết: “Năm 2024, từ nguồn phân bổ hơn 3,6 tỷ đồng từ dự án 2, huyện triển khai 6 dự án nuôi bò tại thị trấn Phồn Xương và 7 xã: Canh Nậu, Đồng Hưu, Đồng Lạc, Hồng Kỳ, Tam Hiệp, An Thượng, Đồng Tâm với 147 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hưởng lợi”.
Tại huyện Lục Ngạn, năm nay, huyện phân bổ 7,6 tỷ đồng từ dự án 2 cho 25/29 xã, thị trấn xây dựng các mô hình giảm nghèo. Theo nhu cầu thực tế của gần 500 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia, các dự án được triển khai chủ yếu là trồng cam, bưởi, táo, nuôi trâu, bò sinh sản. Chị La Thị Lợi (SN 1977), thôn Ván, xã Phú Nhuận chia sẻ: “Ngoài được hỗ trợ về cây, con giống, chúng tôi còn được cán bộ cơ sở hướng dẫn cải tạo đất, xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi”.
Ưu tiên vùng khó, hạn chế tái nghèo
Tính từ năm 2015 (năm đầu đánh giá giảm nghèo theo chuẩn đa chiều), kết quả giảm nghèo đã tăng dần tính bền vững khi tỷ lệ tái nghèo của tỉnh thấp, chỉ chiếm khoảng 0,64%/năm so với số hộ nghèo phát sinh. Cùng với đó, đời sống nhân dân, nhất là người nghèo ở các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có hàng trăm hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Tính từ năm 2015 (năm đầu đánh giá giảm nghèo theo chuẩn đa chiều), kết quả giảm nghèo đã tăng dần tính bền vững khi tỷ lệ tái nghèo của tỉnh thấp, chỉ chiếm khoảng 0,64%/năm so với số hộ nghèo phát sinh. Cùng với đó, đời sống nhân dân, nhất là người nghèo ở các địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể. |
Quyết tâm “không để mình ở lại phía sau”, anh Tô Văn Giới (SN 1988), thôn Non Tá, xã Phúc Sơn (Sơn Động) đã tận dụng vườn đồi để xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản. Anh kể, sau khi lập gia đình, bố mẹ cho ra ở riêng với vốn là 0,5 ha đất đồi cằn cỗi, thu nhập thấp nên gia đình anh nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo. Năm 2017, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế. Sẵn vườn bãi rộng, anh vay mượn thêm để mua hai con bò cái về làm giống, mua vật liệu xây dựng tường bao. Đến nay vợ chồng anh duy trì đàn bò hàng chục con, trong đó có 6 con bò nái, mỗi năm thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh trồng thêm keo thương phẩm. Thu nhập từ mô hình giúp gia đình anh Giới thoát nghèo năm 2022.
Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, dù kết quả hằng năm đều vượt mục tiêu đề ra nhưng công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số hộ nghèo, cận nghèo tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Điều này đòi hỏi các địa phương quan tâm lồng ghép nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho vùng khó.
Năm 2023, sau rà soát, huyện Sơn Động còn gần 3,3 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,59%, giảm 5,22% so với năm 2022 (vượt 0,22% kế hoạch đề ra). Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, Sơn Động ra khỏi danh sách huyện nghèo, cùng với đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của các chương trình MTQG, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương bám sát tình hình, sớm triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân”. Năm nay, cơ quan chuyên môn của huyện đã hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định hỗ trợ thực hiện 14 dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại 12 xã; chủ yếu là chăn nuôi bò, ngựa, ong, gà. Cùng đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng đề xuất bổ sung 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi nghề...
Đến năm 2025, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%, trong đó, các xã đặc biệt khó khăn còn 12,6%. Để hoàn thành mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo. Cùng đó, phân bổ hợp lý các nguồn lực đầu tư từ T.Ư và ngân sách tỉnh cho vùng nghèo, hộ nghèo trên cơ sở ưu tiên thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật sản xuất để nhân rộng các mô hình giảm nghèo, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, giúp người nghèo tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững và đa chiều.
Ý kiến bạn đọc (0)