Bắc Giang chủ động hội nhập kinh tế, tạo nguồn lực phát triển
BẮC GIANG - Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng đang khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội cạnh tranh… Vì vậy, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương cần được nâng tầm, tăng tính chủ động, mở rộng đối tác, lĩnh vực để góp phần tạo nguồn lực phát triển KT-XH.
Thu hút vốn lớn
Theo đánh giá của ngành Công Thương, năm 2024, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao. Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại, chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua. Xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét.
Đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số. Các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư xuyên biên giới. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các DN Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và cả sức ép cạnh tranh mới… Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo thực hiện quan điểm hội nhập toàn diện và nâng cao vị thế, vai trò quốc tế của nước ta.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tặng hoa đoàn công tác Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sang thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế tại Bắc Giang, tháng 6/2024. |
Để đưa “con tàu” kinh tế của tỉnh bứt tốc, UBND tỉnh đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương, định hướng và quy định về đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước bằng các kế hoạch thực hiện cụ thể như: Kế hoạch số 29/KH-UBND, ngày 28/2/2019 về thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Kế hoạch số 683/KH-UBND ngày 22/12/2021 về triển khai đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới”; Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 12/9/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;…
10 tháng năm nay, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh đạt hơn 1,8 tỷ USD (vốn quy đổi), trong đó, cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 21 dự án DDI, 63 dự án FDI. Bên cạnh đó, tỉnh điều chỉnh đăng ký cho 20 dự án DDI, vốn đăng ký bổ sung hơn 2,7 nghìn tỷ đồng; 58 dự án FDI, tổng vốn tăng thêm hơn 754,3 triệu USD. |
Với những kế hoạch triển khai cụ thể cùng những thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển, hợp tác quốc tế trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và kết quả phát triển kinh tế vượt bậc trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đang trong giai đoạn thuận lợi để mở rộng hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với các đối tác, địa phương nước ngoài. Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương,… thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với các DN. Hằng năm tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc, đối thoại với các DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, chia sẻ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn điện, đào tạo nhân lực, chuyển đổi số, các vấn đề về môi trường,… từ đó có hướng tháo gỡ.
10 tháng năm nay, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh đạt hơn 1,8 tỷ USD (vốn quy đổi), trong đó, cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 21 dự án đầu tư trong nước (DDI), 63 dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, tỉnh điều chỉnh đăng ký cho 20 dự án DDI, vốn đăng ký bổ sung hơn 2,7 nghìn tỷ đồng; 58 dự án FDI, tổng vốn tăng thêm hơn 754,3 triệu USD. Toàn tỉnh có 1.676 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 12,9 nghìn tỷ đồng. Các DN đã tạo việc làm mới và thu nhập cho hàng chục nghìn lao động, góp phần giúp KT-XH Bắc Giang có bước phát triển nhanh, vững chắc.
Tăng cường hợp tác
Đạt kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương Bắc Giang (thành viên Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Bắc Giang) bởi Sở đã tích cực tham mưu, trình UBND tỉnh nhiều nội dung, hình thức hợp tác nhằm triển khai có hiệu quả ngoại giao kinh tế (xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, xuất khẩu nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh...). Sở tham mưu và thực hiện các nội dung phối hợp, hợp tác đối với lĩnh vực do mình quản lý đã được nêu tại các kế hoạch thực hiện biên bản ghi nhớ với các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.
Cụ thể, Sở Công Thương phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý, phát triển các KCN, cụm công nghiệp (CCN); hỗ trợ, hợp tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, sản xuất thông minh, công nghiệp xanh thân thiện với môi trường; phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giữa tỉnh Bắc Giang và tỉnh bạn. Sở thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu cho các DN, tỉnh bạn.
Ông Hồ Ngọc Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị và giải pháp cơ khí Automech, KCN Đình Trám (thị xã Việt Yên), đơn vị chuyên nhập khẩu thiết bị, giải pháp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cơ khí tự động hóa cho biết, thông qua nội dung tuyên truyền của Sở Công Thương về các chính sách mới trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là những cam kết trong các FTA, đơn vị đã chủ động tìm hiểu và nắm được nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh. Nhờ đó, doanh thu của đơn vị không ngừng tăng, củng cố chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Sản xuất sản phẩm cơ khí tự động hóa xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thiết bị và Giải pháp cơ khí Automech, KCN Đình Trám (thị xã Việt Yên). |
Trong năm, Sở Công Thương tham mưu, đề xuất các nội dung kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ với chính quyền Nhân dân TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) như: Đề xuất tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư - thương mại nhằm khảo sát, tìm hiểu những lĩnh vực hai bên có khả năng triển khai hợp tác; tìm hiểu về chính sách nhập khẩu, hỗ trợ DN tham gia vào các kênh phân phối mới tại Trung Quốc; tổ chức điểm cầu tại TP Nam Ninh đối với các hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang.
Bên cạnh hợp tác với địa phương của Trung Quốc và tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư với DN các nước, ngày 16/10/2024, lãnh đạo Sở Công Thương cùng với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan tham dự ngày hội kết nối DN tỉnh Chungcheong Nam (Hàn Quốc) do tỉnh Chungcheong Nam và Đài truyền hình DaeJeon (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức tại Hà Nội nhằm hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa các DN tỉnh Chungcheong Nam đến thị trường Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, phát huy vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế của tỉnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục cùng các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai và thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động triển khai, phổ biến kịp thời tới các đơn vị, DN, HTX, thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh những nội dung, kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong tổ chức Thương mại thế giới (WHO); lộ trình thực hiện cam kết các FTA, Hiệp định CPTPP,… những rào cản thương mại kỹ thuật, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương…, gắn với các điều kiện cụ thể, đặc thù của KT-XH địa phương.
Sở Công Thương tiếp tục đồng hành với DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong tỉnh mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các kênh triển lãm, hội chợ thương mại. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho DN trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh đúng quy định của pháp luật và cam kết trong các FTA; cảnh báo, hỗ trợ DN ngăn ngừa, xử lý hiệu quả khi có tranh chấp thương mại quốc tế.
Ý kiến bạn đọc (0)