Xây dựng khu dân cư văn hóa: Nhân rộng mô hình mới
Những điểm sáng
Cùng cán bộ văn hóa xã Ngọc Thiện (Tân Yên) đi một vòng thôn Hương, tôi ngỡ ngàng trước hàng chục ngôi nhà của người dân kiểu dáng biệt thự đồ sộ, to đẹp nằm san sát. Đường làng bê tông sạch sẽ, trải dài thênh thang, hai bên được trồng hoa. Thôn Hương có gần 200 hộ, hơn 700 nhân khẩu, thu nhập của người dân từ nhiều nguồn, như: Sản xuất nông nghiệp, làm công ty, xây dựng..., không ít hộ thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. 20 năm qua, thôn Hương liên tục giữ vững danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh, trở thành điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của huyện Tân Yên và của tỉnh.
![]() |
Các xóm, ngõ của thôn Tân Mỹ, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) ngày càng khang trang, sạch đẹp. |
Đồng chí Nguyễn Thị La, Bí thư Chi bộ thôn Hương chia sẻ: Muốn có thôn văn hóa trước hết phải xây dựng gia đình văn hóa. Hằng năm thôn phát phiếu để các hộ tự đăng ký danh hiệu và tự chấm điểm thi đua cuối năm. Trước khi công nhận gia đình văn hóa, ban quản lý thôn tổ chức hội nghị mời các hộ đến dự nghe kết quả chấm điểm, bình xét, đồng thời lắng nghe ý kiến từ người dân. Những tiêu chí nào chưa đạt sẽ được chỉ ra để các hộ phấn đấu vào năm sau.
Hộ làm tốt các phong trào thi đua: Hiến đất làm đường; từ thiện; xây dựng thiết chế văn hóa; làm kinh tế giỏi được biểu dương, khích lệ. Đặc biệt, thôn coi trọng vai trò tổ liên gia, coi đây là cánh tay đắc lực đối với mọi hoạt động của thôn, từ tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đến góp tiền của, ngày công xây dựng các công trình; vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch Covid-19... Gia đình nào có việc hiếu, hỷ thôn cử một đội khoảng 30 người từ các tổ liên gia đến phụ giúp.
Ở xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang), vài năm gần đây, phong xây dựng khu dân cư văn hóa được nhân dân hưởng ứng tích cực. Từ phát triển kinh tế, xây dựng thiết chế văn hóa, làm đường giao thông; thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao; giữ gìn vệ sinh môi trường… người dân đều thể hiện trách nhiệm cao trước cộng đồng. Đơn cử, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã triển khai các dự án khu dân cư mới theo chủ trương của TP, phải thu hồi gần 5 ha đất của gần 200 hộ ở thôn Tân Mỹ. 100% số hộ nhất trí với phương án bồi thường, xã không phải cưỡng chế hộ nào, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trước đó vài năm, khi nhà nước giải phóng mặt bằng làm dự án cầu Đồng Sơn chạy qua địa bàn, nhân dân đều đồng thuận. "Ngoài cán bộ, đảng viên, trưởng các đoàn thể, chúng tôi vận động trưởng chi họ, người cao tuổi có uy tín của thôn cùng tham gia vận động nên mọi việc đều được nhân dân đồng thuận. Nhiều năm thôn giữ vững danh hiệu văn hóa", ông Đinh Xuân Khoát, Bí thư Chi bộ thôn Tân Mỹ nói.
Nâng cao chất lượng làng văn hóa
Phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa (gọi chung là khu dân cư văn hóa) gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng, nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
![]() |
Thôn Hương, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) ngày càng khởi sắc. |
Để thực hiện có hiệu quả phong trào, hằng năm Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Công tác gia đình" các cấp triển khai nhiều hoạt động, trong đó bám sát các tiêu chí để đề ra giải pháp cụ thể; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí với nhiều hình thức; thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát; hướng dẫn cơ sở xây dựng hương ước, quy ước thôn để áp dụng vào thực tiễn. Nhiều thôn, tổ dân phố trở thành điển hình trong phong trào, liên tục giữ vững danh hiệu văn hóa từ 15-20 năm liên tục, được tỉnh, T.Ư biểu dương khen thưởng, như các thôn: Lai Hòa, xã Quý Sơn (Lục Ngạn); Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng); Phạm Kha, xã Tam Dị (Lục Nam); Hương, xã Ngọc Thiện (Tân Yên)…
Đáng chú ý, nhiều địa phương còn linh hoạt xây dựng, nhân rộng những mô hình mới, hiệu quả. Điển hình năm 2020, các huyện, TP lựa chọn 21 xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình khu dân cư văn hóa điển hình trên nhiều lĩnh vực như: Làng văn hóa xanh - sạch - đẹp; thôn văn hóa điển hình phát triển kinh tế; thôn văn hóa điển hình văn nghệ, thể thao; làng văn hóa phát triển toàn diện… Năm 2020, toàn tỉnh có 1.618/2.129 thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa, đạt 76%; 122/184 xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 66,3%. Qua phong trào, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn, phát huy, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, bảo đảm an ninh trật tự ở mỗi vùng quê.
Bài học kinh nghiệm được các địa phương rút ra đó là mọi chủ trương phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, hợp lòng dân. Đặc biệt phải tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, khơi dậy ý thức cộng đồng. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, linh hoạt, sáng tạo trong cách làm; thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ với phương châm "Dân biết, dân bàn; dân kiểm tra, giám sát". Chú trọng vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, các tổ liên gia tự quản, người có uy tín ở khu dân cư. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiến tiến, tạo sức lan tỏa…
Ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án số 216, ngày 31/7/2021 của UBND tỉnh về "Nâng cao chất lượng Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", giai đoạn 2021-2025. Theo đó, toàn tỉnh duy trì tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa… hằng năm đạt từ 80-85%. Xây dựng tiêu chí, bình xét, tôn vinh các mô hình văn hóa tiêu biểu. Hằng năm, mỗi huyện, TP xây dựng từ 5% “Gia đình văn hóa” tiêu biểu, từ 10% “Thôn, tổ dân phố văn hóa” tiêu biểu trở lên.
Ý kiến bạn đọc (0)