Thỏa ước lao động tập thể: Tăng trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động
![]() |
Nhân viên văn phòng Công ty TNHH JMC Việt Nam chuẩn bị sữa phát cho người lao động. |
Chuyển biến tích cực
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2013-2018, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ban hành chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước LĐTT trong các DN”. Hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai tới các cấp công đoàn; đưa nội dung này thành tiêu chí quan trọng xếp loại thi đua và hướng dẫn công đoàn cơ sở thành lập tổ thương lượng, bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật. Với vai trò đại diện tập thể lao động trong thương lượng, cán bộ công đoàn tập trung lấy ý kiến NLĐ, đưa ra dự thảo trước khi tiến hành các phiên họp, hạn chế thương lượng kéo dài.
Bằng cách làm trên, đến nay, 265/392 DN có tổ chức công đoàn thực hiện ký kết thỏa ước LĐTT. Trong đó 94 công đoàn cơ sở mới thành lập. Một số DN thực hiện nghiêm việc ký mới, ký lại hoặc bổ sung phụ lục phát sinh với điều khoản có lợi cho NLĐ như: Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (KCN Quang Châu) có điều khoản cho phép công nhân nghỉ giữa ca để giảm căng thẳng; Công ty TNHH Việt Pan Pacific (TP Bắc Giang) khen thưởng lao động tích cực theo tuần, tháng; Công ty TNHH Haem Vina (KCN Song Khê-Nội Hoàng) phát vitamin cho công nhân nữ có thai và ứng trước tiền lương 6 tháng nghỉ thai sản cho lao động nữ sinh con để bảo đảm chi phí sinh hoạt…
Qua rà soát, đánh giá các điều khoản trong thỏa ước LĐTT của LĐLĐ tỉnh thực hiện yêu cầu thành lập thư viện thỏa ước điện tử của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có tới 80% thỏa ước có từ 3- 5 nội dung có lợi cho NLĐ nằm ngoài các quy định bắt buộc của pháp luật lao động. |
Tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH JMC Việt Nam chuyên sản xuất hàng may mặc ở xã Hồng Thái (Việt Yên) được biết, trước đây DN từng xảy ra tranh chấp lao động, công nhân ngừng việc tập thể. Đến nay, công ty được đánh giá là một trong những DN quan tâm chăm lo đời sống NLĐ. Có được kết quả này, chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở cho biết: "Qua họp chuyên môn hằng tuần với tổ trưởng các bộ phận sản xuất, chúng tôi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ sau đó tổng hợp để cuối năm rà soát, sửa đổi, bổ sung; thông qua ý kiến của chủ DN và công nhân tại hội nghị NLĐ trước khi ký kết thỏa ước LĐTT trên nguyên tắc tăng dần điều có lợi, từng bước cải thiện đời sống hơn 600 công nhân”.
Trong bản thỏa ước đang áp dụng (ký ngày 25-9-2015), bên cạnh những điều khoản duy trì từ những lần ký trước như: Thưởng chuyên cần; phụ phí xăng xe; hỗ trợ ăn ca, công nhân nhà xa phải thuê nhà ở…, còn bổ sung nội dung phát sữa tươi và tăng khẩu phần ăn ca vào hai ngày cố định trong tuần; thưởng năng suất (từ 300-500 nghìn đồng/người/tháng).
Nâng cao chất lượng thỏa ước
Khảo sát cho thấy, bên cạnh những đơn vị làm tốt, vẫn còn DN ký thỏa ước LĐTT nhưng mang tính hình thức, nội dung chủ yếu là sao chép những quy định bắt buộc của pháp luật lao động hoặc chưa cụ thể hóa từng điều khoản.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, dù không phổ biến nhưng tình trạng này dẫn tới chất lượng thỏa ước và quyền lợi NLĐ không bảo đảm. Nguyên nhân do chủ DN chưa nhận thức đầy đủ vai trò của thỏa ước LĐTT. Họ cho rằng việc thương lượng, ký kết sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Thêm nữa, cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm (số chuyên trách chiếm chưa đến 1%), phụ thuộc nhiều vào chủ DN nên còn e ngại khi đề xuất nội dung có lợi cho NLĐ; năng lực, kỹ năng thương lượng còn yếu.
![]() |
Công ty TNHH Nichirin Việt Nam được nghỉ giữa giờ để giảm căng thẳng. |
Một khó khăn nữa là theo quy định, đại diện tập thể NLĐ đứng ra thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT với chủ DN là công đoàn cơ sở. Tuy vậy, hiện mới có khoảng 20% DN trong tỉnh thành lập được tổ chức công đoàn. Số còn lại, nếu muốn thực hiện cần vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp. Điều này khó có thể thực hiện bởi muốn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, cán bộ công đoàn phải trực tiếp bám cơ sở và thường xuyên tiếp xúc với chủ DN. Hơn nữa, ở các DN chưa có tổ chức công đoàn, NLĐ ít có cơ hội tìm đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình. Đây cũng là lý do toàn tỉnh mới có một DN chưa thành lập công đoàn cơ sở là Công ty TNHH một thành viên Vina Prauden, xã Danh Thắng (Hiệp Hoà) ký được thỏa ước LĐTT.
Để tiếp tục nâng tỷ lệ DN ký và bảo đảm chất lượng thỏa ước LĐTT, theo đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, bên cạnh thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng đối thoại, thương lượng cho cán bộ công đoàn cơ sở, bản thân đội ngũ này cũng cần tìm hiểu tâm lý, quan điểm, văn hóa của chủ DN, nhất là DN nước ngoài để lựa chọn phương pháp đối thoại phù hợp; căn cứ tình hình sản xuất của DN để chọn thời điểm thương lượng, đề xuất điều khoản hợp lý, đi từ dễ đến khó, tăng dần.
Tập trung vận động, nâng cao tỷ lệ DN thành lập tổ chức công đoàn, tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng thỏa ước LĐTT. Với những DN chưa có tổ chức công đoàn, công đoàn cấp trên tiếp tục phân công cán bộ vững nghiệp vụ, có kinh nghiệm bám cơ sở, hướng dẫn quy trình thương lượng, nhất là ở những DN mới đi vào hoạt động... LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện những trường hợp vi phạm, kịp thời xử lý để bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)