Lao động trở về từ Libya: Vẫn nặng nỗi lo
![]() |
Anh Vũ Trí Yên (trái) và con trai Vũ Trí Sinh vừa trở về từ Libya. |
![]() |
Vui đoàn tụ, lo cơm áo
Sau hành trình dài từ thành phố Misrata (phía tây Lybia) về nước, trên khuôn mặt anh Vũ Trí Yên (SN 1967), thôn Vĩnh Long, xã Trí Yên (Yên Dũng) lộ vẻ mệt mỏi. Anh chia sẻ: “Đặt chân xuống Sân bay Nội Bài, tôi mới biết mình thoát chết. Ở Lybia, hàng ngày, tôi đều nghe thấy tiếng súng; nạn cướp bóc diễn ra thường xuyên, có những chiều phải chạy loạn hai lần. Rất may, Đại sứ quán Việt Nam tại đây và Bộ LĐTB&XH đã giúp chúng tôi trở về nước an toàn".
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, cuộc sống của gia đình anh Yên chỉ trông vào mấy sào ruộng. Năm 2013, với mong muốn thoát nghèo, anh cho con trai là Vũ Trí Sinh (SN 1990) sang Libya làm công nhân. Một năm sau, anh tiếp tục vay mượn họ hàng được 30 triệu đồng làm thủ tục theo con đi “xứ người”.
Những tưởng xuất khẩu lao động (XKLĐ) giúp gia đình phát triển kinh tế nhưng khi công việc vừa ổn định thì chiến sự xảy ra, hai cha con đành bỏ lại tất cả trở về. Anh Yên ngậm ngùi: “Về tới nhà an toàn, đoàn tụ cùng gia đình vừa mừng lại vừa lo. Tôi chưa biết làm gì để trả số tiền vay XKLĐ, lương mấy tháng làm việc bên đó không biết khi nào được nhận”.
Anh Vũ Văn Hòa, thôn Cống 2, xã Đông Hưng (Lục Nam) đã hai lần “ly hương” sang Libya mà chưa lần nào trọn vẹn. Gia đình nghèo lại là con trai duy nhất nên học hết lớp 9, Hòa đã phải nghỉ. Do chi phí thấp (khoảng 25 triệu đồng), lại được Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) hỗ trợ vay trước một nửa nên anh Hòa chọn Lybia là nơi đến XKLĐ.
Sang nước bạn, anh làm mộc tại một doanh nghiệp (DN) của Thổ Nhĩ Kỳ với mức lương khoảng 400 USD/tháng, phần nào giúp anh hỗ trợ gia đình trang trải cuộc sống. Mới làm việc được gần 4 tháng, anh Hòa phải trở về nước khi lương chưa nhận hết, số tiền vay Công ty làm chi phí ban đầu chưa biết trông vào đâu để trả. Những tưởng được "đổi đời" sau chuyến “ly hương” song cuộc sống gia đình hiện khó khăn hơn khi nợ ngày càng lớn.
Chung tay giúp đỡ
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), đến ngày 17-8, đã có 1.290/1.700 lao động Việt Nam đang làm việc tại Lybia về nước an toàn, trong đó Bắc Giang có 15/51 người. Về quê trong niềm vui đoàn tụ song người lao động đang trăn trở cho tương lai. Anh Vũ Văn Hòa, thôn Cống 2, xã Đông Hưng (Lục Nam) đề nghị: "Việc về nước để bảo đảm an toàn không phải do lao động phá hợp đồng mà vì chiến sự xảy ra. Vì thế mong cơ quan quản lý nhà nước và DN tuyển dụng tạo điều kiện để cá nhân tôi và nhiều lao động khác có việc làm trong thời gian tới".
Ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhân lực và Thương mại (Vinamex) - DN đưa số lao động Bắc Giang sang Lybia đứng thứ hai sau Công ty SONA cho biết, đơn vị đã đưa lao động ra bến xe và hỗ trợ 1 triệu đồng/người mua vé tàu xe về quê.
Cùng đó, DN cử người sang Lybia làm việc với các chủ lao động tại đây để chia sẻ trách nhiệm rủi ro. Công ty sẽ hỗ trợ những lao động sang làm việc tại Lybia 2-3 tháng chuyển XKLĐ ở nước khác miễn phí nếu có nguyện vọng. Những lao động làm việc thời gian lâu hơn chỉ cần đóng một phần nhỏ phí visa sẽ tiếp tục được XKLĐ.
Nhiều lao động từ Lybia trở về đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm đôn đốc DN liên quan đến XKLĐ sớm thanh toán tiền lương tồn đọng, tiếp tục tạo điều kiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc giới thiệu việc làm trong nước để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ông Trần Văn Hà, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn Lao động (Sở LĐTB&XH) cho biết: "Khi có hướng dẫn cụ thể về các quy định hỗ trợ lao động trở về từ Lybia, chúng tôi sẽ nhanh chóng làm thủ tục giải quyết. Ngoài ra, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và DN tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho những lao động này".
Hoài Thu - Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)