Ngày xuân trẩy hội làng
Chả có gì lạ khi nhà thơ Thanh Hải reo lên: “Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến”.
Phải thế chăng mà thi sĩ Xuân Diệu thốt lên:
“Tháng Giêng ngon như cặp môi gần”, và “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”? Phải thế chăng mà lễ hội khai mở vào tháng ngày này?
![]() |
Lễ hội làng Thuyền, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang. |
Khắp làng quê yêu dấu chúng ta đâu đâu cũng có lễ hội, không ở đình thì cũng ở đền, chùa, không ở trong làng thì cũng ở ngoài bãi, không có phần lễ thì cũng có phần hội. Cứ theo sử sách, lễ hội có từ thời Hùng Vương, nghĩa là bắt đầu lúc dựng nước. Thì ra con người không chỉ lo giữ nước, không chỉ siêng năng làm ăn mà còn cần, rất cần đời sống tâm linh, đời sống văn hóa.
Hội làng là niềm vui khôn tả của tất cả bà con, từ cụ già tới em nhỏ. Ai cũng ăn mặc tươm tất, đẹp đẽ. Ai cũng rộn ràng, nao nức. Cách đây hơn tám chục năm, nhà thơ Nguyễn Bính đã kể:
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ hồi đó có bài Đám hội miêu tả khá chi tiết về hội làng:
…Suốt ngày đêm chuông đánh, trống vang rền
Người lớn, bé mê man về hát bội
Những thằng cu tha hồ khoe áo mới
Và tha hồ nô nức kéo đi xem…
…Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh
Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn
Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn
Lẫn tiếng trống bên đường khua rộn rã.
Hội làng mở ra để thờ phụng nhiên thần, thiên thần, thờ Mẫu, thành hoàng. Ấy là phần lễ. Còn phần hội ngoài các trò chơi dân gian, thể thao, thường có ca hát, hoặc là tuồng, chèo, ví, trống quân, quan họ. Sli, soong hao… tùy theo mỗi xã, mỗi vùng.
Tỉnh Bắc Giang có trên 500 lễ hội lớn nhỏ. Có thể khẳng định rằng lễ hội chính là điểm hội tụ những giá trị văn hóa làng. Đây cũng là nơi lưu giữ các loại hình văn hóa dân gian từ truyền thuyết, câu chuyện lịch sử đến nghệ thuật tạo hình và trang trí với những nghi thức dân gian truyền thống.
Ngày xuân đi trẩy hội làng. Còn gì vui hơn thế. Nhưng mà để hội làng thực sự lôi cuốn đâu chỉ cần đích thực cả phần lễ, phần hội, trở lại thuần phong mỹ tục, không biến là nơi thương trường mà còn cần người đến phải văn minh, có nếp sống văn hóa mới. Hội làng phải là nơi giúp mỗi người trưởng thành hơn lên. Tôi rất tâm đắc với mấy câu thơ nôm na của người nông dân ghi trong cuốn sổ hội Kế.
Ngày xuân đi trẩy hội làng
Ra về càng thấy mở mang bao điều…
Giáp Nhật Nguyệt
Ý kiến bạn đọc (0)