Đôi nạng
Thứ 6: 09:34 ngày 15/08/2014
Ngày khai trường
Cha mua cho con đủ thứ
Nào sách bút, nào áo quần
Lại cả đồ chơi nữa.
Nhưng cha ơi
Cha quên sắm cho con đôi nạng mới
Vì đã hai năm qua từ khi con bị bom
Chiếc nạng cũ chẳng chịu cùng con
lớn lên, cha ạ!
Thanh Tùng
(Trích trong tuyển tập thơ Thầy giáo và nhà trường, NXB Giáo dục 1999)
Lời bình
Mùa thu với nắng vàng và gió mát, với cốm, với hồng và với ngày khai giảng - niềm vui của trẻ em cùng toàn dân đưa trẻ đến trường. Đã có rất nhiều bài thơ hay về chủ đề này. Bài thơ Đôi nạng của Thanh Tùng cũng diễn tả tâm trạng của trẻ em trong ngày khai trường nhưng lại phát triển tứ thơ ở một tình huống độc đáo, xúc động và ám ảnh.
Bài thơ mở đầu bằng cụm từ Ngày khai trường như để định vị thời gian. Theo lẽ thường thì mốc thời gian này sẽ mở rộng niềm vui con trẻ, mở rộng những hy vọng, háo hức của bao lứa học trò. Ngày khai trường sẽ gợi bao nhiêu hình ảnh, tâm trạng thật rực rỡ, vui tươi. Nhưng ở đây, với một chủ đề quen thuộc, Thanh Tùng không đi vào miêu tả dài dòng, quẩn quanh cảnh sắc ngày khai trường mà tác giả chỉ liệt kê thật ngắn gọn những việc mà người lớn (cụ thể là người cha) đã dành cho con trẻ vào dịp khai trường: Cha mua cho con đủ thứ/ Nào sách bút, nào áo quần/ Lại cả đồ chơi nữa… Chỉ bằng những dòng thơ ngắn, nhà thơ đã giúp người đọc hình dung được niềm vui của em bé với sự đủ đầy, chu đáo, trọn vẹn trong vòng tay người lớn.
Nhưng bất ngờ xuất hiện tình huống ở khổ thơ thứ 2: Nhưng cha ơi/ Cha quên sắm cho con đôi nạng mới/ Vì đã hai năm qua từ khi con bị bom/ Chiếc nạng cũ chẳng chịu cùng con lớn lên, cha ạ! Với một em bé bị mất đôi chân do bom Mỹ thì ngoài sách bút, áo quần, đồ chơi… còn cần đôi nạng mới để em có thể đến trường, hưởng niềm vui trọn vẹn. Thời gian trôi đi và em bé lớn lên qua những lần được nhận quần áo mới, sách vở mới và đồ chơi mới nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên đó: Chiếc nạng cũ chẳng chịu cùng con lớn lên, cha ạ! Lời tâm sự của em bé nhỏ nhẹ, dễ thương và ngây thơ, không hề ca thán, oán trách, giận hờn nhưng xót xa, day dứt và nhói buốt tâm can người lớn. Đôi nạng ở đây không chỉ là phương tiện để di chuyển mà đã hình tượng hóa nỗi đau và tội ác chiến tranh, hình tượng hóa ước mơ, khát vọng của con người.
Bài thơ là lời kể chuyện giản dị và ngắn gọn với những hình ảnh quen thuộc: Sách bút, áo quần, đồ chơi, đôi nạng nhưng lại ám ảnh người đọc. Nhà thơ đã "làm mới một đề tài rất cũ" bằng tình huống xúc động lòng trắc ẩn của con người. Bởi vậy, Đôi nạng xứng đáng là một trong những bài thơ hay viết về trường lớp.
Trần Văn Lợi
Ý kiến bạn đọc (0)