Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân thăm một số địa danh tại Bắc Giang
![]() |
Anh hùng Phạm Tuân cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Thế, Báo Bắc Giang, Sở Tài chính thắp hương trước Đền thề - nơi tổ chức hội thề của nghĩa quân Yên Thế. |
Anh hùng Phạm Tuân (SN 1947) quê ở tỉnh Thái Bình. Ông là phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội (ngày 18/12/1972), trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Tên ông cũng đã đi vào lịch sử khi là người châu Á đầu tiên và cũng là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ (năm 1980).
Thăm và nói chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Bắc Giang, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: Trước khi đem máy bay B52 ra đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ lực lượng, phương tiện của chúng ta. Mỹ nắm rất rõ chúng ta có những loại tên lửa, pháo, máy bay nào và thuộc từng sân bay của ta. Do đó, Mỹ rất tự tin mang B52 ra ném bom, đánh phá Hà Nội và các tỉnh khác vào cuối năm 1972.
Trong 12 ngày đêm, địch đã xuất kích 663 lần/chiếc máy bay chiến lược B52 và hơn 3.800 lần/chiếc máy bay chiến thuật các loại. Ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52.
![]() |
Anh hùng Phạm Tuân tặng sách "Bay vào vũ trụ" cho Ban Biên tập Báo Bắc Giang. |
Sau chiến công xuất sắc hạ B52 trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, phi công Phạm Tuân được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1980, khi từ vũ trụ trở về, ông được Đảng và Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh. Cùng năm đó, ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lê-nin khi mới 33 tuổi. Trước khi nghỉ hưu năm 2008, ông giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, được thăng quân hàm Trung tướng.
Trở lại mảnh đất Bắc Giang-nơi ông đã có nhiều năm công tác, Anh hùng Phạm Tuân vui mừng vì thấy nơi đây có nhiều đổi thay nhất là những khu vực gần sân bay Kép, huyện Lạng Giang. Những đồi dứa, vạt rừng nơi này ông vẫn nhớ như in. Tại đây, Anh hùng Phạm Tuân cũng kể về những kỷ niệm đáng nhớ khi ông bay vào vũ trụ; khoa học công nghệ vũ trụ hiện nay; những ứng dụng quan trọng trong thực tế đời sống...liên quan đến vệ tinh.
![]() |
Anh hùng Phạm Tuân thăm Khu di tích những điểm khởi nghĩa Yên Thế. |
Thăm Khu di tích những điểm khởi nghĩa Yên Thế ở Thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: Năm 1965, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định thành lập "Trung đoàn máy bay lấy phiên hiệu là Trung đoàn 923 thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân”. Đây là Trung đoàn không quân tiêm kích thứ 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam, đóng quân tại Sân bay Kép, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) với tên gọi khác là “Đoàn Không quân Yên Thế”.
“Đặt tên đơn vị là Đoàn Không quân Yên Thế bắt nguồn từ mảnh đất thiêng này. Hôm nay, tôi được đến đây thắp nén hương, thăm những địa danh lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám, tôi thấy được tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam chúng ta. Khu di tích được xây dựng khang trang; được nhân dân ủng hộ, tôn tạo chính là sự tôn vinh những Anh hùng dân tộc của chúng ta. Tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc và ý chí bất khuất chính là cội nguồn của mọi chiến thắng”- Trung tướng Phạm Tuân khẳng định.
![]() |
Anh hùng Phạm Tuân thăm khu sản xuất sâm nam núi Dành, xã Liên Chung (Tân Yên) |
Cùng ngày, Trung tướng Phạm Tuân đến thăm khu sản xuất sâm nam Núi Dành ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên.
Tại các nơi đến, Anh hùng Phạm Tuân đã tặng cuốn sách "Bay vào vũ trụ" cho Ban Biên tập Báo Bắc Giang và Thường trực Huyện ủy Yên Thế.
Tin, ảnh: Thu Phong-Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)