Qua Bạch Đằng Giang, nhớ Xương Giang
Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm đi qua, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi hai con sông “ở hai đầu nỗi nhớ” trong đời đều là hai con sông gắn với những chiến công hiển hách trong lịch sử, cùng được nhắc đến qua hai bài phú nổi tiếng của văn học nước nhà. Đó là “Bạch Đằng Giang phú” của Trương Hán Siêu và “Xương Giang phú” của Lý Tử Tấn.
![]() |
Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Xương Giang. Ảnh: Nguyễn Hưởng |
Sẽ là rất khó trả lời nếu ai đó hỏi giữa quê hương và nơi đang sống tình yêu nào nặng hơn. Với tôi, đó là hai trang sách của cuộc đời. Trang nào cũng chan chứa những yêu thương và cung bậc cảm xúc. Chỉ biết rằng tôi biết ơn cả hai, yêu cả hai. Để rồi, ở Bắc Giang lại nhớ Hải Phòng và trở lại thăm Bạch Đằng Giang lại nhớ Xương Giang.
Sông Bạch Đằng chảy giữa huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), cách Vịnh Hạ Long khoảng 40km. Quê tôi ở huyện bên cạnh. Ngày bé, tôi thường được cha mẹ cho đi ca nô từ bến Bính, qua sông Bạch Đằng ra Vịnh Hạ Long thăm gia đình chú tôi ở thị xã Hòn Gai (TP Hạ Long ngày nay). Cách đây vài ba thập kỷ, đây cũng là huyết mạch giao thông chủ yếu gắn kết hai vùng đất, do đó với tôi dòng sông trở nên rất đỗi thân thuộc. Trong mắt trẻ thơ, lịch sử luôn xích lại nhau rất gần.
Vì vậy, mỗi lần đi qua, ngắm dòng sông cuộn phù sa đỏ “Luồng to sóng lớn dồn về bể Ðông” (Bạch Đằng Giang phú), tôi luôn tưởng tượng và hình dung cả ba ông Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn mặc những bộ quần áo dát vàng, cưỡi rồng, vung gươm, rẽ sóng đuổi giặc và quân giặc thất trận đang ngã chới với trên những cọc sắt.
Nhớ thời điểm cuối cùng cho tới ngày trở lại đó là giữa năm 1981, trước khi lên Hà Nội học đại học, tôi cùng em trai đi ca nô ra thăm nhà chú. Tuổi 17 đầy mộng mơ và khao khát tình yêu trong lồng ngực trẻ. Tôi ngồi trên boong tàu, miệng lẩm nhẩm đọc những câu thơ trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh: “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sóng không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể…”, rồi giở giấy bút tập làm thơ.
Sẽ là rất khó trả lời nếu ai đó hỏi giữa quê hương và nơi đang sống tình yêu nào nặng hơn. Với tôi, đó là hai trang sách của cuộc đời. Trang nào cũng chan chứa những yêu thương và cung bậc cảm xúc. Chỉ biết rằng tôi biết ơn cả hai, yêu cả hai. Để rồi, ở Bắc Giang lại nhớ Hải Phòng và trở lại thăm Bạch Đằng Giang lại nhớ Xương Giang. |
Em trai tôi cũng giở hộp bút màu để vẽ. Lúc tàu cập bến, em khoe sản phẩm bức tranh em vẽ sóng biển với con tàu. Còn tôi, ngượng chẳng dám khoe cậu em trai 14 tuổi bài thơ đầu tiên tôi viết khi nhìn thấy lớp sóng đỏ phù sa vỡ òa, tan vào biển cả, khi ca nô vượt Bạch Đằng Giang rẽ sang Vịnh Hạ Long: “Những lớp đất phù sa/ Sóng xô về biển cả/ Đau oặn mình sóng vỡ/ Khi gặp cái nhìn của em thờ ơ…” .
Bài thơ ấy chẳng dám gửi báo nào để đăng, kể cả báo tường ở trường đại học. Cùng với những kỷ niệm quê hương, những câu thơ đầu đời trong trẻo và lời tự trách ấy mãi đi theo tôi. Sau này, tôi cũng thường hay nhắc các con tôi trong cuộc sống không được thờ ơ trước nỗi đau con người.
Chẳng thật xa, vậy mà gần 40 năm tôi mới có dịp trở lại thăm sông Bạch Đằng, nhân chuyến đi thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang. Cảnh vật đã khác xưa nhiều. Chiều cuối năm, hoàng hôn tím dịu cuối chân trời. Trong lúc mọi người kính cẩn thắp hương trước tượng Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn - ba vị anh hùng đã có công đánh thắng quân xâm lược Nam Hán (938), quân Tống (981), quân Nguyên - Mông (1288) trên sông Bạch Đằng, tôi lặng lẽ một mình ra ngắm dòng sông.
Chính tôi cũng không hiểu hết những cảm xúc của mình lúc đó. Chỉ muốn cười, muốn hét vang: “Sông ơi! Tuổi thơ ơi! Tôi đã về đây!...”, rồi lại chảy nước mắt nghĩ về thời gian trôi, tóc trên đầu đã bạc. Nhưng cũng thật kỳ lạ, lúc ấy tôi lại nhớ đến dòng Xương Giang huyền thoại trên mảnh đất Bắc Giang.
Trong đầu chợt vang những câu thơ của Lý Tử Tấn ca ngợi chiến công của người Anh hùng Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh xâm lược cách đây gần 6 thế kỷ trên dòng Xương Giang: “Trời đất khéo đặt/ Non sông vốn thiêng/ Nơi đây vũ công lừng lẫy/ Giúp nên đất nước bình yên…/ Ấy Xương Giang, một sông hình đẹp/ Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền” (Xương Giang phú).
![]() |
Cầu Xương Giang bắc qua sông Thương. Ảnh: Anh Tuấn |
Tối ấy, trong cuộc hội ngộ ven sông Bạch Đằng với các bạn Hải Phòng, tôi kể cho bạn nghe về Chiến thắng Xương Giang. Về “sự tích” khi xưa những người vợ tiễn chồng đi sứ phương Bắc, tới sông Xương Giang dừng lại, nước mắt tiễn biệt rơi xuống dòng sông thành thương thành nhớ, vì thế nên tên sông mới đổi thành Thương. Nơi ấy vẫn còn tên bến cũ - bến Chia Ly, cho dù sau này gọi chệch là bến Chi Ly.
Mảnh đất ven sông Thương cũng là nơi sinh ra bao khách thơ trên tao đàn thơ lãng mạn xưa như: Anh Thơ, Bàng Bá Lân. Thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây có những Hội Mẹ chiến sĩ vá áo cho bộ đội, xuất xứ của bài ca “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của Nguyễn Văn Tý. Nơi hôm nay có một “Chiều sông Thương” tím ngọt và quyến rũ trong âm nhạc An Thuyên, phổ thơ Hữu Thỉnh… Bạn nghe tôi, mắt say sưa bên chén rượu nồng.
Về khuya, mặc gió đêm thổi lạnh, những câu quan họ vẫn tang tình, ấm áp bên những điệu chèo và bài ca rực lửa: “Thành phố hoa phượng đỏ”, biểu tượng viết bằng âm nhạc của Hải Phòng. Chia tay quyến luyến. Rượu say, câu hát cũng say. Bạn hẹn tháng Giêng Tết Canh Tý sẽ lên Bắc Giang để dự Lễ hội kỷ niệm 593 năm Chiến thắng Xương Giang, thăm thành cổ Xương Giang.
Ngoài kia, sóng sông Bạch Đằng vẫn thổi. Và tôi biết, cũng như mùa xuân, dòng chảy ngàn năm vẫn thế. Giờ này, ở đầu kia nỗi nhớ của cuộc đời tôi - sóng sông Thương cũng đang rì rầm kể chuyện về những chiến công huyền thoại và những câu chuyện tình còn mãi ngàn năm.
Lê Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)