Độc đáo di sản văn hóa làng Vân
Trong hệ thống các công trình tín ngưỡng tại đây có đền Thượng thờ đức Thánh Cao Sơn thời Hùng Vương. Ngôi đền hiện nay có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm toà tiền tế ba gian nối toà hậu cung hai gian, bên trong bài trí ngai thờ, bài vị và nhiều đồ thờ tự khác.
![]() |
Lễ hội vật cầu nước ở làng Vân. |
Đền Trung tọa lạc ở trung tâm làng được xây dựng theo lối chữ công thờ Trịnh Tướng Công, người có công xây chùa Diên Phúc, giảng đạo và có ruộng đất cung tiến cho làng.
Đền Hạ nằm kề bên sông Cầu gồm các hạng mục công trình: Sân vật cầu nước, toà tiền tế, ống muống và hậu cung. Đền Hạ là nơi thờ Đức Thánh Tam Giang ở thời Lý Nam Đế có công chống quân xâm lược nhà Lương.
Đình Vân được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII) kiến trúc đồ sộ, gồm toà tiền tế, đại đình có quy mô to lớn, bề thế là nơi thờ Đức Thánh Tam Giang. Chùa Diên Phúc nằm ở trung tâm làng Vân, vốn là một danh lam cổ tích. Ngoài hệ thống tượng Phật là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tại chùa hiện có hơn 100 bia đá khắc chữ Hán thu hút khách tham quan.
Chùa Dộc (Quảng Lâm Tự) được xây dựng từ thời Lê thế kỷ XVII ở cuối làng. Đây là nơi thờ Phật và cũng là nơi dân làng tổ chức lễ minh thệ vào đầu năm âm lịch gắn liền với tục thờ tổ nghề và tục giữ bí quyết nghề nấu rượu ở làng Vân.
Khu văn chỉ nằm ở đầu làng, gồm các công trình: Tiền đường, trung đường, hậu cung và ban thờ lộ thiên. Văn chỉ là nơi thờ Khổng Tử và tứ phối cùng môn sinh của Khổng Tử. Bên cạnh đó còn thờ các vị tiên hiền - những người theo đòi nghiệp khoa cử trong làng.
Ở làng Vân còn có chợ Tam bảo mở vào ngày 25 tháng Chạp ở trước Tam quan chùa Diên Phúc. Lý do mở hội chợ này là bởi năm 1688 làng khánh thành cổng Tam quan của chùa nên mở hội chợ bày bán các loại hàng hoá phục vụ sinh hoạt gia đình và phục vụ lao động, sản xuất.
Tại vùng đất này có những di sản văn hóa vật thể gồm hệ thống các công trình tôn giáo, tín ngưỡng đình, đền, chùa, văn chỉ, từ đường, hệ thống nhà cổ... Cùng đó là di sản văn hoá phi vật thể như: Phong tục tập quán, văn nghệ dân gian, văn hoá ẩm thực, lễ hội vật cầu nước, nghề thủ công truyền thống nấu rượu. |
Làng Vân còn được biết đến có một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng nấu rượu. Rượu làng Vân từng là lễ vật để dâng lên vua chúa và thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình. Bốn mỹ tự "Vân hương mỹ tửu" là do vua Lê Hy Tông ban tặng cho sản vật lừng danh này vào năm Chính Hoà thứ 24 (1703).
Bên cạnh đó, làng Vân sở hữu nhiều di sản văn hoá phi vật thể quý giá. Lễ hội vật cầu nước tổ chức vào ngày 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch có từ thời Lý Nam Đế thế kỷ VI. Theo sự tích lưu truyền sau khi đội quân của Đức Thánh Tam Giang chiến thắng quân xâm lược nhà Lương, nhân dân địa phương đã mở hội ăn mừng chiến thắng.
Gọi là lễ vật cầu vì trước khi vật, người dân tổ chức tế cầu, tổ chức tế khao quân cầu sau đó mới gieo cầu. Khi ông cai đám gieo cầu vào sân, hai bên xô vào tranh cầu bỏ vào lỗ cầu của đối phương, nếu bỏ được là thắng. Hội vật cầu có ý nghĩa cầu được mùa, mưa thuận gió hoà.
Làng Vân còn có tục kết chạ với làng Đống Gạo thuộc huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Tục kết chạ giữa hai làng này khởi đầu từ việc làng Yên Viên đón sắc phong và làng Đống Gạo làm chùa. Đó là vào năm 1703, các cụ làng Yên Viên lên kinh đô rước sắc, khi đến chợ Trục, thôn Đống Gạo, xã Nguyễn Xá (Yên Phong) thì trời tối, gió mưa mịt mù tầm tã không thể đi tiếp được.
Dân làng Đống Gạo khi đó đã mang Long Đình, kiệu của đình làng mình ra đón các cụ làng Yên Viên. Sắc phong của làng Yên Viên được để lên kiệu đưa vào đình làng Đống Gạo tạm cất giữ và để trình báo Thần tại đình làng Đống Gạo. Các cụ làng Yên Viên được làng Đống Gạo đón tiếp và nghỉ lại tới hôm sau mới chia tay.
Năm sau 1704, làng Đống Gạo sửa chùa, dân làng Yên Viên đã công đức 4 trụ cột cái. Từ đó trở đi, dân hai làng có giao ước kết nghĩa với nhau từ năm 1705; coi nhau như anh em ruột thịt, giúp nhau trong cuộc sống nhất là khi hai làng có công việc lớn hoặc gặp hoạn nạn khó khăn.
Làng Vân với thương hiệu làng nghề nổi tiếng, vùng đất còn bảo lưu nhiều phong tục tốt đẹp. Ngày nay các giá trị văn hoá đó vẫn được bảo tồn phát huy và đã là tiềm năng, điều kiện tốt để phát triển kinh tế du lịch địa phương.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)