Suối Mỡ: Thắng tích nổi danh ở Tây Yên Tử
![]() |
Nghi lễ hát văn, hầu đồng tại Suối Mỡ. |
Cảnh sắc kỳ vĩ
Do có quan hệ thân thích với một số gia đình ở làng Quảng Trung, tức làng Quỷnh, thuộc xã Nghĩa Phương mà cụ Nhật Nham nhiều lần đến thăm người thân rồi vui chân du ngoạn Vực Mỡ. Những tư liệu quý sưu tầm được ở khu vực Rùm - Quỷnh (tên nôm của hai làng thuộc xã Nghĩa Phương) đã giúp ông viết về Vực Mỡ chân thực trong sách Bắc Giang địa chí, xuất bản năm 1937 tại Hà Nội. Những dòng khảo cứu về Vực Mỡ chỉ đôi ba trang nhưng đó là tư liệu duy nhất viết về thắng tích này mà chúng ta có được từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước. Đây là sự tích và cảnh sắc được cụ Nhật Nham ghi về Vực Mỡ/ Suối Mỡ cách đây gần tám mươi năm: "Đền Vực Mỡ, trừ đền Hạ của xã Khả Lễ, đều thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, tổng Cương Sơn, huyện Lục Ngạn. Tất cả có 3 đền: đền Thượng, đền Trung và đền Suối Mỡ, gọi chung là Vực Mỡ thượng, trung và hạ… Đền Vực Mỡ Thượng làm dựa trên sườn núi Huyền đinh sơn, trước mặt có vực sâu, có thác cao chừng 10 thước đổ xuống, thường gọi là thác Đầu Voi. Rải rác lòng suối, có những phiến đá thực to. Làn nước từ trên thác đổ xuống, gặp những tảng đá, lại bắn tung lên, toé ra như nghìn phiến bạc. Trên núi, cỏ cây chen lá, đá chen hoa, cảnh trí đã u nhã, lại hòa thêm một thứ âm nhạc thiên nhiên nước chảy, thông reo. Thực là một nơi tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan, ngòi bút khó tả hết cái đẹp của tay thợ tạo. Còn đền Trung, đền Hạ đều dựa vào núi, lại có suối chảy qua, non xanh, nước biếc, khiến khách nhàn du không khỏi không dừng bước, để ngắm cảnh lâm tuyền cho trí tưởng tượng được tiêu dao trong bầu vũ trụ tĩnh mịch thanh u… Đền Vực Mỡ thờ Đức Thượng ngàn thánh mẫu Quế quốc công chúa”. Ở đền Trung có đôi câu đối và bài thơ sau này của quan Tổng đốc Hoàng Thuỵ Chi cung tiến: Toàn thạch bí tàng linh diệu cảnh/Thảo hoa trang tác sắc không thiên (Nước non giấu kín nơi tiên cảnh/ Hoa cỏ bày nên cõi Phật đường).
![]() |
Thắng cảnh Suối Mỡ. |
Vẻ đẹp tiềm ẩn trong không gian văn hóa
Khám phá, phát hiện giá trị và vẻ đẹp tiềm ẩn của thắng tích Vực Mỡ rồi công bố, lập hồ sơ đề nghị Nhà nước cấp bằng xếp hạng là do các cán bộ yêu nghề của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang thực hiện từ những năm cuối thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước. Ngoài các công trình kiến trúc cũ mới và thắng cảnh lâm tuyền lung linh kỳ ảo hiển hiện, các nhà nghiên cứu còn tiến hành khảo sát điền dã không gian văn hóa cả vùng đất Nghĩa Phương, nhất là khu vực Dùm- Quỷnh hàng tháng. Thế rồi chính những người dân bản địa đã chỉ ra nhiều địa điểm là các phế tích, các công trình tâm linh văn hoá cổ còn đậm đặc nằm rải rác đôi bờ suối Mỡ.
Từ đền Thượng ngược lên thượng nguồn không xa có phế tích khu bãi Quần Ngựa, tương truyền là chỗ nuôi và huấn luyện kỵ mã của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông- Nguyên nửa sau thế kỷ 13. Gần đấy có địa danh Đấu Đong Quân còn dấu tích những hố đào vuông vuông mờ mờ để điểm binh lính nhà Trần hằng ngày và trước khi xung trận.
Gần hơn bãi Quần Ngựa có đình Chòi Xoan, xa hơn có Ba Dinh-Bảy Nền mà người dân địa phương cũng như các nhà nghiên cứu chưa tìm ra nguồn cội do đâu mà có.
Quanh khu vực thuộc thượng lưu dòng suối Mỡ còn có phế tích hai ngôi chùa cổ: Chùa Hòn Trứng và chùa Hồ Bấc. Chùa Hòn Trứng là cách gọi tên nôm na theo vị trí, địa hình toạ lạc, còn tên chữ là gì vẫn chưa khảo cứu được. Tuy có địa thế đẹp nhưng phế tích đã mờ nhạt không còn đậm đặc, phong phú như chùa Hồ Bấc. Hồ Bấc nằm trong một khu rừng tự nhiên ở độ cao khoảng gần 700 m, thượng du của dòng suối Mỡ, trong núi có phế tích chùa cổ mà nhân dân quen gọi là chùa Hồ Bấc. Khi khảo cứu thư tịch cổ, nhà nghiên cứu Trần Văn Lạng đã tìm ra tên gọi đích thực trong sử sách là Phúc Chủ tự (chùa Phúc Chủ). Năm 1998, ông đã cùng các cộng sự của mình dành nhiều thời gian và công sức khảo sát phế tích này. Qua khảo sát thấy rằng: Chùa toạ lạc trên sườn của một đỉnh núi, nhìn theo hướng đông nam. Hình thế, phong thuỷ hài hòa có đủ tay long- tay hổ hai bên tả hữu. Thấp hơn, phía trước có hồ nước là nơi tụ thuỷ. Phía trước sau theo hướng nhìn của Tam Bảo đều có chẩm có án ngự chầu. Về mặt phong thuỷ thì Hồ Bấc có các yếu tố như không gian, địa điểm, hình thế lý tưởng để kết tụ một ngôi chùa thờ Phật, nhất là hệ thống chùa chiền theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Đã trở thành phế tích nhưng những gì còn lại cũng đủ để chứng minh di tích này xưa có quy mô kiến trúc tương đối đồ sộ. Vì rằng: dấu tích vẫn còn đầy đủ nền gạch và hệ thống chân tảng khu nhà tổ, nhà mẫu, nhà tăng, khu tạo soạn, nhà khách, tiền đường, Phật điện…với tổng diện tích ước chừng trên năm nghìn mét vuông. Phía trước chùa có khoảng đất rộng là sân chùa rộng chừng hai nghìn mét vuông chắc xưa được trồng nhiều loài cây quý và đẹp lắm. Trước sân chùa vài chục mét là hồ nước rộng khoảng gần ba nghìn m2 nhưng nay đã biến thành đầm lầy và các loại cỏ, khoai nước chen đua mọc. Giữa hồ có một gò đất nhô lên, giữa gò có một giếng nước tuy bị bồi lắng nhưng đường kính vẫn còn rộng tới 8 m. Vì sự hiện hữu của gò đất và giếng nước ấy đã giúp nhà nghiên cứu Trần Văn Lạng tưởng tượng theo tư duy nhà Phật rằng: Lòng hồ chính là chiếc đĩa, gò đất với giếng nước như lõi bấc của ngọn đèn cổ và đó cũng là lý do người đời đặt tên nôm cho cổ tự là Hồ Bấc.
Hồ Bấc vốn là một đại danh lam cổ tự do các vị cao tăng Phật phái Trúc Lâm xây dựng khi dòng thiền này còn hưng thịnh và tồn tại đến thời Lê Trung Hưng mới suy vi, đổ nát khiến cây rừng chen chỗ nay đã trở thành rừng tự nhiên rậm rạp. Từ đền Thượng lên Hồ Bấc đoạn đường chỉ dăm cây số nhưng bộ hành leo núi cũng mất đến hai, ba giờ đồng hồ. Tuy hơi xa nhưng vừa leo vừa nghỉ, vừa ngắm nghía thưởng ngoạn phong cảnh kỳ vĩ của núi rừng Huyền Đinh không chán mắt nên chẳng có gì quá vất vả. Nếu được phục hồi, cải tạo Hồ Bấc sẽ trở thành thắng cảnh kết hợp cả yếu tố tâm linh và sinh thái hấp dẫn với du khách xa gần.
Vẫn thuộc địa phận làng Dùm, từ đền Hạ, đi ngược vào phía Mai Sưu chưa đầy một cây số có đền Cô Bé (còn có tên khác là đền Cổng Xanh) thờ cô bé cây xanh và cả miếu thờ Cậu, điện thờ cô Bơ. Qua đền Cô Bé chừng hai trăm mét có đền Trò hay đền Quan tôn thờ ông hoàng Bắc quốc và Ngũ vị tôn ông.
Hiện cả ba đền Vực Mỡ và đền Cô Bé, đền Trò đều có cội nguồn từ tín ngưỡng thờ mẫu cho nên bốn mùa trong năm các cơ cánh từ khắp nơi xênh xang, đông đúc về với Vực Mỡ, đất Nghĩa Phương để trổ tài diễn xướng qua những giá đồng thâu đêm mê hồn du khách.
Như vậy không gian hành chính, tự nhiên của vùng Dùm - Quỷnh tuy hạn chế nhưng có tới hàng chục di tích/phế tích vật thể có giá trị lịch sử văn hoá. Bên cạnh đó còn cả một kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan, Tày, Nùng còn được đồng bào ở các làng bản quanh vùng lưu giữ. Đó là những nét đẹp tiềm ẩn có khả năng làm giàu có thêm cho việc khai thác tiềm năng phát triển kinh tế du lịch khu Vực Mỡ trong tương lai.
Lung linh những giá chầu văn
Vực Mỡ đã hình thành khu du lịch kết hợp bởi ba yếu tố: Tâm linh, sinh thái, thắng tích, giao thông thuận tiện nhưng Vực Mỡ còn có sức sống và quyến rũ hơn bởi những giá chầu văn. Ngoài cảnh sắc lâm tuyền, bộc bố… "khan bất yếm" (nhìn không chán), Vực Mỡ còn tiềm ẩn vẻ đẹp có chiều sâu của không gian văn hóa tàng chứa tại miền đất này mà những dấu tích phản ánh lịch sử văn hoá dân tộc, cảnh quan thắng tích là nổi trội. Chỉ tiếc rằng đến nay tiềm năng ấy chưa được đánh thức để hòa trộn, bổ sung làm phong phú, hấp dẫn hơn đối với du khách đến tham quan Vực Mỡ. Tuy nhiên, có một nét sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nơi đây cũng là yếu tố tinh thần để mời gọi, lưu chân và gây ấn tượng tốt đẹp trong ký ức, tình cảm du khách. Đó là những giá chầu văn/diễn xướng hầu bóng ngồi đồng ở các đền miếu trong quần thể Vực Mỡ bao gồm ba đền (Thượng- Hạ- Trung) và đền Cô Bé, đền Trò.
Các cơ cánh đồng chọn điểm gặp gỡ ở Vực Mỡ không chỉ là người Bắc Giang hay các tỉnh lân cận, họ nghe danh Vực Mỡ mà đến từ khắp mọi miền đất nước. Mùa đông giá lạnh ít hơn, còn ba mùa xuân, hạ, thu trong năm thì lúc nào cũng đông khách. Họ đến đây ngoài mục đích làm lễ dâng hương Đức thánh Mẫu còn phô diễn trổ tài qua những giá đồng làm ngẩn ngơ lòng du khách. Hát chầu văn ở Vực Mỡ loại là hát thờ và hát lên đồng mà chưa thấy có hát thi. Hát thờ: Được hát trước ngày tiệc, đầu rằm, mồng một, ngày tất niên và hát trước khi vào các giá văn lên đồng. Hát lên đồng hay cũng gọi là hát hầu bóng, người theo tín ngưỡng chỉ được hầu bóng từ hàng dưới các đức thánh mẫu quyền uy trong Tứ phủ công đồng, đó là hệ thống chầu các quan hoàng trở xuống.
Đến đền Vực Mỡ, các cơ cánh đồng bóng không công khai thi thố tài năng với những quy ước luật lệ gò bó nhưng thực tế họ luôn cố gắng thể hiện tài nghệ múa giỏi, hát hay, đàn ngọt trước người xem, trước cơ cánh bạn. Họ say mê biểu diễn thâu đêm suốt sáng không mệt mỏi. Bù lại họ đón nhận những lời khen xứng đáng với tấm lòng mến mộ của người xem và họ được thưởng cả tiền từ những người khách rộng rãi hào hoa biết thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian. Chẳng thế mà khi họ biểu diễn, tất cả nam thanh nữ tú, các cụ phụ lão cao niên cũng ngẩn ngơ thưởng thức.
Vực Mỡ, nơi thờ Thánh mẫu đã khang trang tố hảo. Đôi bờ Vực Mỡ rừng xanh đã phục hồi hệ thực vật phong phú với rừng thông và những vạt rừng tự nhiên đã khép tán làm cảnh quan nơi đây xứng với những vần thơ giáng bút của ngài Tổng đốc họ Hoàng. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương mùa Xuân năm Kỷ Hợi - 2019.
TS Nguyễn Văn Phong
Ý kiến bạn đọc (0)