Nhân Ngày Thơ Việt Nam - Rằm tháng Giêng: Suy ngẫm về thơ
![]() |
Một tiết mục giao lưu trang thơ "Dã hương ngàn năm". |
Thơ vang lên mọi chốn, mọi nơi: Hội nghị, liên hoan, đám cưới, sinh nhật... Hàng loạt các câu lạc bộ thơ xóm, làng, xã, tổ dân phố, phường, huyện, tỉnh ra đời với các tên gọi khác nhau. Nhiều người có trong tay trên dưới chục tập thơ của mình, hoặc tự in ấn, hoặc nhà xuất bản địa phương, trung ương xuất bản. Tác giả thơ cũng đủ thành phần, đủ trình độ. Người học vấn cao, có. Người mới học hết lớp ba, lớp bốn cũng có.
Ở làng tôi có cụ bà gần chín chục tuổi không biết chữ nhưng thuộc rất nhiều đoạn trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du và đôi ba truyện thơ khuyết danh cách đây vài ba trăm năm, đã vậy cụ lại xuất khẩu thành thơ - chủ yếu ở thể lục bát. Nhiều khách nước ngoài đến nước ta rất ngạc nhiên và thích thú khi biết người dân mình yêu thơ và có các câu lạc bộ thơ ở khắp nơi, lại có cả ngày thơ quốc gia. Vậy không hiểu thơ có ma lực gì mà mê hoặc, lôi cuốn đông đảo người dân đến vậy?
Thơ là tiếng lòng. Thơ thuộc về trái tim, mà trái tim có lý lẽ riêng của nó, nhiều khi lý trí bất lực. Thơ giãi bày buồn vui, yêu ghét, thương nhớ, giận hờn. Nhưng nó khác với cách nói hằng ngày. Vẫn là yêu đấy nhưng không thể thẳng tuột: Có yêu thì bảo là yêu/ Không yêu thì nói một điều cho xong mà phải diễn đạt như nhà thơ Đồng Đức Bốn: Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm. Vẫn là than thở tình yêu nhưng sâu lắng: Lòng anh rúc tiếng tù và/ Gọi đò mãi bỗng hóa ra gọi mình (Thu Bồn); Con đường đến với tình yêu/ Giật mình chợt thấy quá nhiều ngã ba (Vũ Duy Thông)…
Thơ nói được mọi điều trong cuộc sống - từ việc riêng tư đến việc trọng đại đất nước. Việc riêng tư, ví như tình yêu, thơ có sức nặng ghê gớm. Ngày xưa cha ông ta có câu ướm hỏi, vừa là trách móc, lại vừa là khẳng định:
Trăng lên, trăng đứng, trăng tà
Người yêu ta thật hay là yêu chơi?
Các nhà thơ ngày nay vẫn tiếp nối cách nói bóng gió mà sâu sắc như thế. Chẳng hạn:
Sang sông một chiếc đò gầy
Trời ơi bến cũ dẫm đầy bóng xưa
(Trần Quang Quý)
Rồi:
Giá mà em nói yêu anh
Cây không xơ xác, trên cành đã hoa
(Đinh Nam Khương).
Việc trọng đại đất nước, những nghĩ suy, day dứt, trăn trở đời sống cũng rất rõ trong thơ. Một tâm trạng trăn trở: Rượu này uống với trầm ngâm/ Đủ vui một phút, đủ trăm năm buồn (Trịnh Văn). Một suy ngẫm về nhân tình thế thái: Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu/ Cây đổ về nơi không vết rìu (Hữu Thỉnh). Và đây là cảnh báo với đất nước: Thế gian chẳng bình yên/ Dù mỗi sớm tiếng chim trời vẫn hót/ Sức mạnh của kẻ hèn. Ý chí của bóng đêm / Vẫn mai phục dưới những chùm quả ngọt (Trần Nhuận Minh).
Nhưng thơ đòi hỏi nghiệt ngã về nghệ thuật, không phải xếp các câu chữ vần điệu thành thơ. Thơ rất kỵ nói thẳng, nói hết. Nó bắt người đọc, người nghe phải suy ngẫm dù câu thơ tưởng như đơn giản. Xin nêu vài ba ví dụ: Về người mẹ nghiện trầu đã mất, nữ sĩ Nguyễn Thị Mai buông một câu: Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn. Thấm thía quá. Cậu bé Trần Đăng Khoa lúc mười tuổi viết về Bác qua tấm ảnh treo trên tường: Bác lo bao việc trên đời/ Ngày ngày Bác vẫn tươi cười với em. Ngẫm mới thấy sâu sắc về tấm lòng của Bác kính yêu với thiếu nhi… Thơ đòi hỏi chắt lọc ngôn từ. Với thơ, không có ngôn ngữ thừa. Đã vậy ý bài thơ phải đa chiều, buộc người đọc phải suy ngẫm. Xa xưa, Đỗ Phủ, nhà thơ danh tiếng đời Đường của Trung Quốc (712-770) đã kêu lên thực lòng:
Thơ ba năm được hai câu
Ngâm lên ta dẫu rầu rầu lệ tuôn
Bạn nghe sắc mặt bình thường
Thì đành làng cũ tìm đường về thôi.
Nói như vậy không có nghĩa thần thánh hóa, cao siêu hóa thơ, nhưng phải thừa nhận thơ hay rất hiếm, khác một trời một vực với thơ nôm na, lấy vui làm chính. Thơ hay là cả cuộc hành trình sáng tạo đầy cực nhọc của tiếp nhận, chối bỏ và thể nghiệm. Nó thuộc vào tài năng của tác giả. Tài năng đó do lao động vất vả, do vốn văn hóa, vốn sống cuộc đời và có cái gì đó như thiên bẩm. Nhà thơ Đinh Nam Khương đã nói rất thực lòng và chí lý: Người buồn ngẫm cái thân ta/ Văn chương tưởng sướng hóa ra… giời đày.
Chúng ta rất vui mừng khi thấy thơ ngày càng lan rộng trong quần chúng, là món ăn tinh thần của nhân dân. Tất nhiên để “món ăn” đó ngày càng ngon, trở thành đặc sản, người làm thơ phải tâm huyết và lao động gian nan với thơ hơn nữa, để Ngày thơ Việt Nam ngày càng có diện mạo mới, sức sống mới.
Đỗ Văn
Ý kiến bạn đọc (0)