Nét đẹp hội xuân đất Cầu Vồng
![]() |
Nghi thức tế ngựa tại hội Cầu Vồng. |
Từ hàng trăm năm trước, Tân Yên (còn gọi là Yên Thế hạ) đã nổi danh với câu phương ngôn: “Trai Cầu Vồng Yên Thế - Gái Nội Duệ Cầu Lim”. Cầu Vồng xưa thuộc làng Ngò, xã Vân Cầu, tổng Vân Cầu (Yên Thế), nay là thôn Ngò, xã Song Vân (Tân Yên). Dân gian truyền rằng xa xưa bên suối Vồng (khi đó chưa có cầu) có một cây gỗ lớn chìa một cành lớn qua suối và dân làng Ngò theo đó để qua lại nên mới gọi là Cầu Vồng. Vào khoảng thế kỷ XVI, khi triều đình cho mở đường qua vùng đất Vân Cầu để kinh lý lên Yên Thế (vẫn gọi là đường quan triều) đã cho bắc một cây cầu qua suối Vồng. Cầu Vồng được làm theo lối thượng gia hạ kiều 7 nhịp vồng lên. Bên cạnh Cầu Vồng là cụm di tích đình, chùa, nghè Vồng rất nổi tiếng.
Cũng trong thế kỷ XVI, dưới triều Mạc, tại vùng đất Vân Cầu khởi phát dòng họ Dương. Thượng tổ Quận công Dương Quốc Nghĩa và vợ là Cao Xuân Lộc, quê ở làng Lim (Bắc Ninh) đều là những người có nhiều cống hiến với triều đình. Đời con cháu của Dương Quốc Nghĩa cũng lập được nhiều công trạng và được ban phong Quận công cả thảy có tới 18 vị. Theo truyền thuyết dân gian, trong một trận chiến, ba cha con Dương Quốc Nghĩa tử trận, bà Cao Xuân Lộc đã gieo mình xuống giếng Vồng tự vẫn cho tròn nghĩa vợ chồng. 18 vị Quận công họ Dương được đưa vào thờ cúng tại đình Vồng. Tại đình Lợ gần đó thờ ngài Dương Quốc Nghĩa cùng bà Cao Xuân Lộc mà nhân dân vẫn tôn gọi Vua Bà.
Lễ hội Cầu Vồng xưa được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng và 9, 10, 11 tháng 9 âm lịch tại đình, chùa Vồng. Trong ngày hội có tổ chức rước, tế lễ và các môn thi đấu, trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ. Đám rước diễn ra với nghi thức trọng thể, rước 17 đạo sắc từ nhà sắc làng Vân Cầu (thôn Hồng Phúc và Tân Lập ngày nay) về đình. Sắc rước về đến đình thì tổ chức tế lễ. Ngoài ra, hội Cầu Vồng xưa còn có tiết mục tế ngựa rất uy nghiêm. Hiện nhân dân trong vùng còn lưu truyền bài văn tế ngựa đặc sắc. Trong lễ hội có tổ chức thi đấu nhiều môn thể thao dân gian giàu tính thượng võ như: Vật, múa võ, đua ngựa, bắn cung nỏ và các trò chơi: Đu, chọi gà, đánh cờ, đánh phết, thi thả diều, thi chạy chữ… Ngoài ra, còn diễn các tích trò, tổ chức thi hát đối đáp giữa các gánh hát trong vùng và các nơi khác đến biểu diễn trong hội.
Năm 1998, lễ hội Cầu Vồng được khôi phục tổ chức với quy mô liên xã thu hút hàng chục nghìn người về dự. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội tại khu di tích đình, chùa Vồng không đáp ứng được về cả cơ sở vật chất, không gian lễ hội, nội dung và yêu cầu của khách thập phương. Hơn thế, theo thời gian, khái niệm về địa danh Cầu Vồng không chỉ còn riêng của vùng Vân Cầu mà đã dần mở rộng ra cả vùng Yên Thế. Đặc biệt với Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 - 1913), Tân Yên là quê hương của 2 vị thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa là Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám cùng cả trăm Đề, Đốc, lãnh, quản của nghĩa quân. Đình Hả, xã Tân Trung (Tân Yên) là nơi Lương Văn Nắm làm lễ tế cờ chính thức phát động khởi nghĩa. Nhằm tưởng nhớ những bậc tiền nhân có công với nước, từ năm 2002, UBND huyện Tân Yên tổ chức hội Cầu Vồng tại trung tâm huyện mang ý nghĩa hội tụ tinh thần và linh khí của một vùng đất thượng võ, kiên cường trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. Từ đó cứ 5 năm một lần, lễ hội lại được tổ chức ở quy mô cấp huyện.
Năm nay, chào mừng 60 năm thành lập huyện (1957-2017), từ ngày 12 đến 13-2 (tức 16 đến 17 tháng Giêng), UBND huyện Tân Yên mở lễ hội Cầu Vồng lần thứ IV kết hợp khai mạc Đại hội TDTT lần thứ VIII . Trong đó phần lễ trang trọng có màn diễu rước truyền thống của các xã, thị trấn và những đội hình văn hóa, thể thao quần chúng về tụ hội. Phần hội có rất nhiều trò chơi dân gian...
Điểm nhấn sẽ là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Tân Yên hội tụ và phát triển". Lễ hội nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa huyện, trọng tâm là bảo tồn, phát huy truyền thống của vùng đất "Trai Cầu Vồng Yên Thế".
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc (0)