Chắp cánh cho ước mơ nghệ thuật bay xa
![]() |
Buổi múa của học sinh nhà trường. |
Nơi ươm mầm tài năng
Đến Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang những ngày đầu tháng 11, chúng tôi chứng kiến không khí thi đua học tập, lao động hăng say của thầy, trò nhà trường. Những lớp học luôn tràn đầy hứng khởi với lời ca, tiếng nhạc, những giờ ngoại khóa bổ ích, ý nghĩa trong các khu giảng đường, phòng chức năng mới đưa vào khai thác sử dụng tháng 8 vừa qua. Còn nhớ chỉ một năm về trước nơi đây vẫn còn những dãy nhà cũ kỹ, hoen ố màu thời gian, vậy mà hôm nay như khoác trên mình tấm áo mới. Hiệu trưởng nhà trường, họa sĩ Lưu Thế Hân phấn khởi báo tin vui: Mấy năm nay, nhờ chất lượng giáo dục được khẳng định, công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo đổi mới nên trường, lớp luôn kín lịch, đội ngũ cán bộ, giáo viên bận rộn song tự hào vì không chỉ tạo được niềm tin đối với học sinh mà còn cho thấy nhà trường đang phát huy, khai thác có hiệu quả cơ ngơi mới được đầu tư.
Bên tách trà nóng, thầy Hân đưa chúng tôi về mạch nguồn quá khứ đầy khó khăn song cũng ấm áp tình người, tình thầy trò mấy mươi năm cũ. Thì ra người họa sĩ đang giữ cương vị hiệu trưởng cũng là cựu học sinh thuộc những thế hệ đầu của nhà trường. Thầy Hân kể: "Tiền thân của nhà trường là Trường Sơ cấp Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc, tiếp đến là Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc. Khóa tôi học cùng thời gian diễn ra chiến tranh biên giới phía Bắc, bấy giờ trường lớp đơn sơ chỉ là tranh tre, vách đất mỗi khi trời mưa là tan hoang, xơ xác, sau giờ học các thầy cô lại huy động học trò đi tu sửa, đóng cay xây nhà, đào ao, thả cá, vất vả nhưng đổi lại thầy trò chan hòa, thương yêu, đùm bọc nhau. Những bữa ăn dù đạm bạc nhưng nặng lòng yêu thương, tình nghĩa thầy trò".
Trò chuyện với thầy hiệu trưởng và nhiều giáo viên, điều chúng tôi tâm đắc là hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù qua nhiều tên gọi khác nhau với bao thăng trầm, khó khăn song tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn tự hào vì đây là nơi đào tạo, chắp cánh cho bao ước mơ nghệ thuật bay cao, bay xa. Điểm mặt các "anh tài" từ mái trường này thấy nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã và đang cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật ở trung ương và địa phương. Đó là các NSND: Thúy Cải, Thúy Hường, Tự Long, Trần Thông; các NSƯT Xuân Hinh, Quý Tráng, Trần Tựa, Lệ Xuân, Khánh Hạ, Ngọc Bích; họa sĩ Nguyễn Văn Triền và không thể không nhắc đến PGS, TS Nguyễn Trọng Ánh, Giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia...
Trong trí nhớ của NSND Trần Thông (Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang) thì sau mấy chục năm, kỷ niệm về mái trường xưa vẫn còn nguyên vẹn. Ông thuộc thế hệ những lứa học sinh đầu của trường nhưng dù đang công tác, hoạt động nghệ thuật ở đâu, cương vị công tác gì thì tình cảm, niềm tự hào về mái trường xưa vẫn luôn in đậm trong trái tim mỗi học trò như ông. Còn NSND Vũ Tự Long (Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội) nhớ lại: "Những năm 90 của thế kỷ trước, trường nghèo và bình yên lắm. Học sinh tuy nghèo nhưng vui, ai cũng chịu khó học tập. Các thầy cô đều rất thương yêu học trò. Đặc biệt là chúng tôi rất thích được đi giao lưu với các đơn vị bộ đội. Lứa học sinh cùng tôi thời đó sau này nhiều người làm giáo viên hoặc nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc".
![]() |
Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa được đầu tư xây dựng mới. |
Vươn lên trong gian khó
Đào tạo nghệ thuật được xem là cốt lõi của Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng đây còn là nơi đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ văn hóa cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Nhiều hạt nhân nòng cốt làm quản lý tại các cơ quan từ cơ sở đến cấp tỉnh. Và điều khiến nhà trường có thêm uy tín đó là không chỉ đóng góp nhân lực cho cơ quan nhà nước, do đào tạo gắn với thực tiễn và nhu cầu xã hội nên học sinh khi ra trường luôn tìm được công việc, có thu nhập tốt. Nhiều người yêu nghề đã cống hiến cho nghệ thuật, được xã hội ghi nhận, sau khi tốt nghiệp với hành trang mang theo từ mái trường này vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê, đầu quân cho các công ty biểu diễn nghệ thuật, tổ chức sự kiện, không chỉ được sống với đam mê mà còn “sống khỏe” bằng nghề.
Năm 2008, Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2011 Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và năm 2016 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. |
Bên cạnh những thành quả đạt được, trong câu chuyện với thầy Hiệu trưởng, chúng tôi nhận thấy còn đó những băn khoăn, trăn trở. Ông bộc bạch: “Tuy đã được tỉnh quan tâm về sơ sở vật chất, nhà trường cũng đã có những đổi mới nhằm thích ứng kịp thời với xu hướng phát triển nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật song về lâu dài, câu chuyện tuyển sinh vẫn là vấn đề nóng bỏng, khó khăn nhất của các trường chuyên nghiệp nói chung mà chúng tôi không phải ngoại lệ”.
Trước đây, công tác tuyển sinh khá thuận lợi vì "hữu xạ tự thiên hương", học sinh tự tìm đến với trường; nhưng trong bối cảnh các trường có sự cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, nếu không tự khẳng định mình sẽ bị tụt hậu. Thay vì thông báo tuyển sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường phải đi về các địa phương tư vấn, khi phát hiện nhân tố có năng khiếu thì đến tận nhà thuyết phục phụ huynh cho con em theo học. Khó khăn là vậy nhưng không vì thế mà coi nhẹ chất lượng đầu vào, là cơ sở đào tạo đặc thù mà cốt lõi là năng khiếu nghệ thuật nên sau khi tuyển sinh, nhà trường tiếp tục sàng lọc, định hướng, tư vấn ngành học và bồi dưỡng chuyên sâu.
![]() |
Buổi học nhạc cụ dân tộc tại Khoa Âm nhạc và Sân khấu. |
Hiện nhà trường đào tạo 4 khoa: Âm nhạc và Sân khấu; Mỹ thuật; Lý luận cơ sở, nghiệp vụ văn hóa và du lịch; Thể dục thể thao. Đồng thời duy trì 12 lớp thuộc 8 mã ngành hệ trung cấp chính quy gồm: Thanh nhạc; Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian, dân tộc; Nghệ thuật hát dân ca quan họ; Nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ truyền thống; Organ; Hội họa; Văn thư lưu trữ; Quản lý thể dục thể thao. Trường còn liên kết đào tạo với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Âm nhạc Huế và Đại học Văn hóa Hà Nội tạo điều kiện cho nhiều người có nhu cầu trong và ngoài tỉnh theo học các khóa nâng cao.
Nửa thế kỷ qua, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định là đơn vị đào tạo văn hóa nghệ thuật có uy tín trong khu vực. Hôm nay các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh lại tụ họp về mái trường xưa ôn lại kỷ niệm, tri ân các thế hệ cán bộ, giáo viên, đồng thời tôn vinh những thành tích của học sinh. Một chặng đường mới đang mở ra, bên cạnh đó không phải không có những thách thức, khó khăn phía trước đòi hỏi nhà trường không ngừng nỗ lực vượt qua, tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo để xứng đáng với bề dày truyền thống.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)