Giải pháp về giáo dục đạo đức cho học sinh THPT
![]() |
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa. |
Nhiệm vụ cốt lõi
Giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức là nhiệm vụ cốt lõi và có tính chiến lược để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh nói chung, nhất là bậc học THPT. Tuy nhiên, nhiều trường THPT thường lãng quên hoặc ít quan tâm đến nhiệm vụ này nên các em hạn chế sự hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình thời sự, ảnh hưởng tới tình cảm cách mạng, ý thức trách nhiệm của học sinh.
Nhà trường THPT làm tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng sẽ có tác động tích cực đến việc bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của các em. Có nhiều cách để tuyên truyền đường lối chính sách, thời sự cho học sinh qua các tổ chức chính trị của trường, qua các tiết dạy trên lớp của thầy, cô giáo, phổ biến tin tức thời sự vào buổi chào cờ đầu tuần. Các lớp dành khoảng 10 phút đọc báo trước giờ tiết đầu hàng ngày, bản tin nhà trường ghi những nội dung thời sự hàng ngày.
Hàng năm, Chi bộ, Đảng bộ nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng về đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cho học sinh. Nội dung bồi dưỡng thiết thực, phù hợp tâm sinh lý học sinh THPT.
Cùng đó, xây dựng tổ chức đoàn trong trường học vững mạnh là khâu mấu chốt. Đoàn có trách nhiệm giáo dục, rèn luyện ĐVTN không sa vào các tệ nạn xã hội, thực hiện nghiêm túc luật pháp của Nhà nước, có nếp sống văn hóa lành mạnh, gương mẫu trong học tập và sinh hoạt.
Đoàn trường cần tổ chức nhiều nội dung, hình thức để ĐVTN gắn bó với đời sống xã hội như bảo vệ môi trường, di sản, làm công tác từ thiện, đảm nhận những công trình do nhà trường phát động. Bên cạnh đó cần chú trọng xây dựng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý chí trong học tập để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Đổi mới dạy, học môn Giáo dục công dân
Môn Giáo dục công dân (GDCD) có ưu thế trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Hiện nay, ở các trường THPT, việc dạy và học môn học này chưa có chất lượng. Nội dung, chương trình ít có sự đổi mới, còn nặng tính hàn lâm, thiếu kiến thức thực tế cuộc sống. Phương pháp giảng dạy của các thầy, cô giáo thiếu sinh động, nặng về lý thuyết, không sát với cuộc sống và tâm tư, tình cảm của học sinh.
Bản thân học sinh chưa coi trọng việc học tập môn GDCD vì không phải môn thi tốt nghiệp. Sự chỉ đạo giảng dạy, học tập môn học này của lãnh đạo nhà trường ít được quan tâm rút kinh nghiệm. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy còn thiếu.
Toàn tỉnh có 48 trường THPT, trong đó giáo viên GDCD có 103 người, giáo viên dạy giỏi 15, chiếm 14,6%, còn thiếu 3 giáo viên. Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy môn học này, đội ngũ giáo viên phải được đào tạo chuyên sâu về kiến thức và phương pháp giảng dạy. Trong chương trình đào tạo bồi dưỡng, giáo viên được quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Giáo viên dạy môn GDCD phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống trong sáng, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm, có tình thương yêu học sinh, chân tình cởi mở, dân chủ, thân thiện. Nội dung chương trình đào tạo bồi dưỡng sát với yêu cầu nhà trường THPT, tạo sự hứng thú, ham mê giảng dạy, học tập của thầy, cô giáo và học sinh. Có những chính sách chế độ ưu tiên đối với giáo viên môn GDCD nhằm nâng cao vị thế, trách nhiệm. Làm tốt khâu đào tạo bồi dưỡng giáo viên sẽ tạo được chất lượng dạy và học môn học này.
Phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội
![]() |
Học sinh Trường THPT Dân lập Nguyên Hồng (TP Bắc Giang) duy trì việc đọc sách báo đầu giờ học. Ảnh: Đỗ Quyên. |
Xây dựng quy chế, nguyên tắc, phương pháp tổ chức mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục đạo đức cho học sinh THPT là nhiệm vụ quan trọng. Sự phối hợp này không chặt chẽ, thiếu thường xuyên sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Để có sự phối hợp tốt, đi vào thực chất bền vững, khâu then chốt là phải xây dựng quy tắc, nội dung phối hợp. Nhà trường xây dựng quy định học sinh học trên tham gia các hoạt động ngoại khóa, giữ gìn cơ sở vật chất nhà trường, môi trường xanh, sạch, đẹp văn minh… Học sinh ở nhà, gia đình có những quy định học tập, lao động, vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội. Các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương có quy định chăm lo giáo dục học sinh, tạo điều kiện cho các em được tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, bảo vệ môi trường, chăm sóc bảo vệ cây xanh nơi công cộng, giữ gìn an ninh trật tự.
Để việc kết hợp nhà trường, gia đình, xã hội thực sự có hiệu quả khâu quan trọng là xây dựng được cơ chế phối hợp, thành lập ban chỉ đạo điều hành sát sao, chặt chẽ, trách nhiệm vì sự tiến bộ của học sinh. Thành phần ban chỉ đạo gồm lãnh đạo nhà trường, đại diện phụ huynh học sinh, đại diện lãnh đạo đảng, chính quyền, MTTQ ở địa phương. Hằng năm, Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động, lịch làm việc.
Trong công tác phối hợp không chỉ thực hiện mục đích, yêu cầu, nội dung phương châm, phương pháp giáo dục mà còn thể hiện tính thực tiễn, tính khoa học, đặc biệt là giáo dục đạo đức học sinh THPT.
Nguyễn Ngọc Sơn
(Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Bắc Giang)
Ý kiến bạn đọc (0)