Tích tụ ruộng đất, tăng hiệu quả canh tác: Kỳ 1 - Ruộng rộng, lợi nhuận lớn
![]() |
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của Công ty cổ phần Nông nghiệp T.Ư, phường Đa Mai (TP Bắc Giang). |
Thuê đất, tạo việc làm tại chỗ
Ngày 1-7-2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về việc tiếp tục vận động nông dân dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Theo đó, giai đoạn 2014-2016, toàn tỉnh dồn đổi được hơn 11 nghìn ha đất nông nghiệp, vượt gần 4 nghìn ha so với mục tiêu đề ra; số thửa bình quân còn 2-3 thửa/hộ, giảm 7-8 thửa/hộ so với trước. Đây là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ ruộng đất trên quy mô lớn.
Nhờ chủ trương này, nhiều tổ chức, cá nhân đã năng động tìm hướng đi riêng để có vùng đất đủ lớn liên kết với doanh nghiệp (DN). Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng là một ví dụ. Toàn bộ cánh đồng rộng 30 ha liền vùng, liền khoảnh của thôn Huyện, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) được HTX thuê lại của bà con nơi đây. Dẫn chúng tôi thăm vùng sản xuất trồng đủ các loại rau màu, anh Lưu Xuân Kiên, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: “Xứ đồng này có kênh mương, đường tiện cho cấy cày, thu hoạch nhưng bà con vẫn chỉ sạ lúa, trồng khoai nên thu nhập chẳng đáng là bao. Vụ đông năm 2016, tôi và ba người bạn quyết định thành lập HTX, thuê ruộng của gần 50 hộ trong thôn với giá một triệu đồng/sào/năm để trồng màu”.
Khi hoàn tất các thủ tục về đất đai, HTX bắt tay ngay vào công việc, khởi điểm với 15 ha cải bắp, súp lơ an toàn lệch vụ. Xác định chỉ có sự tham gia của DN thì đầu ra của nông sản mới ổn định, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Hải Dương). Công ty cam kết cân tại ruộng với mức 3 nghìn đồng/kg rau, nếu giá tăng thì điều chỉnh theo thị trường; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát nông dân trồng, chăm sóc. Do rau thu hoạch không trùng vào lúc rộ nên kết thúc vụ đông năm ngoái, HTX Rau sạch Yên Dũng lãi hơn 700 triệu đồng.
Không để bà con chịu thiệt, HTX tạo việc làm cho chính những người dân mà đơn vị thuê ruộng. Trên cánh đồng thường xuyên có khoảng 25-30 người chăm sóc rau, cao điểm lên đến 80 người với tiền công từ 130-150 nghìn đồng/người/ngày, tùy công việc. Lợi nhuận cao, năm nay, HTX tổ chức trồng rau trên toàn bộ diện tích thuê được. Sản phẩm có đầu ra ổn định do ký kết hợp đồng chặt chẽ với Công ty Cổ phần BAGICO (Việt Yên), Công ty TNHH Hiền Lê (Hải Dương) và bếp ăn công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.
Trước đó, năm 2015, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp T.Ư (Hà Nội) thuê hơn 7 ha đất canh tác tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang) trong 10 năm. Trên diện tích này, Công ty xây dựng một nhà lưới có hệ thống tưới tự động để nhân giống rau; đồng thời trồng nhiều loại rau, củ, quả theo phương pháp rải vụ, an toàn, sau đó luân canh với một vụ lúa mùa. Trung bình mỗi tháng vào giai đoạn trồng màu, Công ty thu hoạch khoảng 30-40 tấn rau các loại. Sản phẩm được một DN ở Hưng Yên bao tiêu với giá ổn định. Trong quá trình sản xuất, hai bên thường xuyên trao đổi, bố trí cơ cấu từng loại rau ở mỗi thời điểm sao cho phù hợp và thỏa thuận về giá.
Đơn cử, vụ đông năm 2016, giá rau trên thị trường bán rẻ song Công ty không bị tác động nhờ giá rau luôn ổn định. Ông Lương Cao Cường, Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Khi liên kết, đối tác thường thăm thực địa, thấy quy mô, hạ tầng bảo đảm mới cam kết làm ăn lâu dài. Xuất phát từ yêu cầu này, chúng tôi đã vận động người dân cho thuê đất; còn DN tuyển lao động tại địa phương, trong đó ưu tiên người trung tuổi làm việc trên cánh đồng với mức chi trả tiền công hợp lý”.
Ngoài DN, HTX, một số cá nhân cũng mạnh dạn thuê đất sản xuất. Bỏ công việc với mức lương cao tại TP lớn, anh Nguyễn Văn Đoàn, thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) thuê 2 ha ruộng chân vàn cao của người dân thôn Phượng Hoàng và thôn Tè trong xã trồng chanh bốn mùa, táo. Nhờ kiên trì, chịu khó, ứng dụng kiến thức về quản trị kinh doanh được học khi còn là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, anh thu lợi nhuận gần một tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 3-4 lao động địa phương. Chung niềm đam mê với ruộng đồng, anh Đỗ Đức Hoàn (SN 1983), thôn Tân Tiến, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) cũng thuê 3 ha ruộng để lập nghiệp với cam Canh, nuôi cá, gà. Nhờ vậy, gia đình anh lãi hơn 300 triệu đồng/năm...
![]() |
Doanh nghiệp thu mua sản phẩm của HTX Rau sạch Yên Dũng. |
Góp đất, mượn ruộng đón... mùa vàng
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có khoảng 100 mô hình mới, cách làm hay trong tích tụ ruộng đất bằng cách thuê, mượn, góp đất, tập trung tại các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam. Sau khi có ô ruộng lớn, chủ mô hình đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tiên tiến, lắp đặt thiết bị hiện đại vào canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5, thậm chí gấp hơn chục lần so với sản xuất thông thường. |
Bên cạnh hình thức thuê đất, nhiều nông dân trong tỉnh còn góp đất sản xuất. Tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) có gần 100 hộ “hùn” đất cùng HTX Hưng Thịnh trồng rau chế biến. Sản phẩm được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang) thu mua. Ở HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Quang Trung, xã Lan Giới (Tân Yên), ngoài đất của các thành viên, HTX còn vận động bà con trong thôn Đồn Hậu, Chính Lan góp đất sản xuất thường xuyên khoảng 5 ha. Sản phẩm thu hoạch đến đâu DN thu mua hết đến đó, mỗi sào lãi hơn 6 triệu đồng/vụ.
Năng động, nhạy bén và được sự khuyến khích của chính quyền cơ sở, bà con thôn Quang Hiển, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) gom ruộng xây dựng nhà màng để trồng rau với quy mô 1,4 ha. Nhà lưới được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa. Một giếng nước đường kính hơn 5 m đã được cải tạo cùng hệ thống bể pha chế phân bón, chế phẩm sinh học. Nhà màng trồng đa dạng các loại rau ăn lá, củ, quả theo quy trình an toàn. Bằng cách này, nhóm hộ không phải mất chi phí thuê ruộng. Người làm nhiều, đóng góp lớn được trả ngày công cao. Lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản đầu tư sẽ được chia theo tỷ lệ diện tích đất góp, bởi vậy đều nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Coi tấc đất như tấc vàng, một số cán bộ khuyến nông đã mượn ruộng trồng khoai tây chế biến, trồng hoa đón Tết. Ví như anh Nguyễn Văn Tuyển ở thôn 9, xã Hương Lạc (Lạng Giang). Gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ nên nhìn những cánh đồng trơ gốc rạ bỏ trống trong vụ đông anh thầm tiếc. Anh chia sẻ: “Trước đây gặt lúa mùa đến đâu bà con trồng ngay rau màu vụ đông đến đó. Khi các nhà máy, khu công nghiệp hình thành đã thu hút hầu hết lực lượng lao động trẻ nên nhiều hộ dù tiếc ruộng cũng lực bất tòng tâm. Thấy ruộng bỏ không nhiều, tôi luôn nghĩ phải làm gì đó để sử dụng hiệu quả đất đai quê mình”.
Ba năm qua, cứ vào vụ đông, anh mượn 8-20 ha ruộng của bà con tại nơi mình ở trồng khoai tây chế biến Atlantic với phương thức Công ty cung ứng giống và đối trừ khi thu hoạch. Nhà chỉ có hai vợ chồng nên để lo công việc đồng áng, anh phải thuê nhân lực. Mỗi đợt xuống giống, vun xới, anh tạo việc làm cho 30-40 người với thu nhập 150-200 nghìn đồng/người/ ngày; lúc thu hoạch có thể lên tới 50-60 người. Riêng vụ đông xuân năm ngoái, anh lãi hơn 600 triệu đồng/vụ. Hiện nay, anh chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục trồng khoai cho vụ đông vào tháng 10 tới.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có khoảng 100 mô hình mới, cách làm hay trong tích tụ ruộng đất bằng cách thuê, mượn, góp đất, tập trung tại huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam. Sau khi có ô ruộng lớn, chủ mô hình đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tiên tiến, lắp đặt thiết bị hiện đại vào canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao. Bình quân thu nhập đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4-5, thậm chí hơn chục lần so với sản xuất thông thường. Các mô hình đều được tính toán từ đầu vào, đầu ra kỹ lưỡng, nhất là khâu tổ chức sản xuất chặt chẽ, thu hút được DN vào chuỗi, ràng buộc trách nhiệm nên không có sự biến động, tiêu thụ thuận lợi. Đặc biệt, hàng nghìn nông dân có việc làm trên chính đồng đất quê hương mà không phải ly hương thông qua làm thuê cho DN, HTX.
(Còn nữa)
Thu Hương - Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)