Xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản: Kỳ 2 - Cần vào cuộc quyết liệt hơn
![]() |
Sản phẩm cà chua bi của Bắc Giang được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Việt Hưng |
Những khó khăn, trở ngại
Theo ý kiến của một số nhà quản lý và nhà khoa học: Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang đang gặp một số khó khăn, trở ngại đó là: Nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, cách thức tổ chức manh mún, chủ yếu là nông hộ, chưa xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung. Một số mặt hàng nông sản chất lượng cao nhưng thường bán dưới dạng thô, chưa qua chế biến. Vì lẽ đó, sản lượng nông sản tuy xuất khẩu lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp.
Mặt khác, tư duy về tổ chức sản xuất của người nông dân còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, sự liên kết chưa cao; cơ chế quản lý đất đai theo nông hộ tương đối lớn, khi doanh nghiệp muốn đầu tư, muốn góp đất hợp tác làm ăn rất khó khăn. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình còn hạn chế, chưa thực sự coi KH&CN là động lực phát triển kinh tế-xã hội, nên chưa có sự đầu tư thỏa đáng để tạo ra những sản phẩm mũi nhọn mang tính đột phá và đầu tư kinh phí để xây dựng, bảo hộ thương hiệu.
Ngoài ra, năng lực tổ chức của một số doanh nghiệp, HTX hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp của Bắc Giang còn yếu, vấn đề liên kết tiêu thụ chưa chặt chẽ, chưa tạo sức cạnh tranh hấp dẫn cũng như thâm nhập và chiếm lĩnh ở những thị trường lớn. Việc doanh nhân hóa nông dân và doanh nghiệp hóa nông nghiệp còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đối với một số sản phẩm còn ít. Không ít sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng ở trong và ngoài nước biết đến, khiến sức tiêu thụ chậm, lợi nhuận thấp, giá trị của thương hiệu chưa cao...
Đáng chú ý, tình trạng làm giả, nhái nhãn, mác bao bì sản phẩm hàng hóa được đã được bảo hộ và gian lận thương mại đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng sản phẩm.
Ông Chu Thanh Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay mà lực lượng chức năng đang gặp phải đó là việc làm giả nhãn, mác các sản phẩm ngày càng tinh vi, trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ mỏng, thiếu các phương tiện kiểm định chất lượng. Chỉ tính riêng 11 tháng của năm 2014, lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý hơn 400 vụ vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và sở hữu trí tuệ, xử phạt gần 1 tỷ đồng, trong đó nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kinh doanh thức ăn chăn nuôi không đúng với tiêu chuẩn công bố.
Trở lại sản phẩm gà đồi Yên Thế, một trong những nông sản chủ lực của tỉnh dù đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể và được bảo hộ, song đằng sau tờ giấy đó vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Nếu như dịp Tết nguyên đán năm 2013, giá gà Mía lai duy trì ở mức 85.000-90.000đồng/kg, gà Ri lai ở mức 120.000-150.000 đồng/kg thì dịp Tết năm 2014 giá đã giảm hơn một nửa.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang. |
Trung bình, khi nuôi 1000 con gà, người chăn nuôi thua lỗ hơn 20 triệu đồng. Nguyên nhân một phần do cung đã vượt cầu; một phần trong quá trình tiêu thụ, nhiều thương lái đã trà trộn gà đồi Yên Thế với các loại gà kém chất lượng khác để trục lợi. Bên cạnh đó, một bộ phận hộ chăn nuôi vì lợi nhuận nên chưa tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, việc giám sát giữa các hộ chưa thực sự chặt chẽ đã phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, giá thành sản phẩm.
Ông Ngô Anh Hoàng, Phó trưởng Phòng Quản lý Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang cho biết: Khi một sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, phải đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe như diện tích, phương pháp canh tác, đất đai, khí hậu, kỹ thuật thâm canh, chất lượng sản phẩm...Đặc biệt, sản phẩm đó phải tồn tại ở địa phương từ 25-30 năm. Nếu để mất thương hiệu, không chỉ thiệt hại lớn với người nông dân mà đối với cả các địa phương, doanh nghiệp bảo hộ sản phẩm đó.
Vươn ra "biển lớn"
Tại rất nhiều cuộc hội thảo liên quan đến xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu do UBND tỉnh và các ngành phối hợp tổ chức, rất nhiều ý kiến nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và một số nước ASEAN... Vì nếu chỉ xây dựng, nhưng sản phẩm đó không được tiêu thụ rộng rãi, thương hiệu đó sẽ bị mờ nhạt, giá trị kinh tế không cao.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang, ở mỗi thị trường đều có những quy định riêng rất ngặt nghèo về chất lượng đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ với các quy trình sản xuất như tiêu chuẩn Global Gap, EU Gap... Nếu như sản phẩm nào đó không đạt yêu cầu, họ sẽ trả lại và tẩy chay. Chẳng hạn, tới đây, khi vải thiều Bắc Giang đưa vào thị trường Mỹ (năm 2015 dự kiến xuất sang Mỹ khoảng 500 tấn), họ sẽ sử dụng công nghệ chiếu xạ để kiểm tra sản phẩm. Nếu chỉ cần một nhóm hộ sản xuất không tuân theo đúng quy trình, sẽ gây thiệt hại nặng nề đến hàng vạn hộ nông dân khác. Trong khi đó, với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ của hàng chục nghìn hộ trồng vải hoặc hàng vạn hộ chăn nuôi như hiện nay, sẽ là một thách thức lớn với chúng ta. Do vậy, đòi hỏi phải lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, uy tín tham gia xuất khẩu.
Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chúng ta cần phải đặc biệt coi trọng công tác tiếp thị, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm để ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến. Đây được coi là một trong những biện pháp không thể thiếu trong sản xuất hàng hóa mà rất nhiều tập đoàn lớn ở trong và ngoài nước áp dụng từ trước đến nay. Nếu chúng ta có sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, nhưng không có thị trường tiêu thụ thì chuỗi giá trị đưa vào sẽ không có ý nghĩa". Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam |
Cùng đó, việc bảo hộ cũng không thể xem nhẹ. Hiện nay, ngoài các sản phẩm như Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, Mỳ Kế, Mỳ Chũ đã được bảo hộ ở Singapor, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN... thời gian tới, khi các sản phẩm nông nghiệp mới của Bắc Giang xây dựng được thương hiệu, công tác này rất cần được tiến hành sớm. Trên thế giới, có nhiều công ty luôn nghiên cứu các thương hiệu của nước khác để họ sở hữu, bảo hộ, nếu như địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nào muốn lấy lại thương hiệu đó thì phải trả một khoản phí rất lớn và bài học thương hiệu cà phê Trung Nguyên và nước mắm Phú Quốc của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài bảo hộ trước là những ví dụ điển hình.
Chung sức xây dựng thương hiệu
Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang cho rằng: Hai vấn đề quan trọng nhất trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu đó là bảo đảm chất lượng sản phẩm và cách thức tổ chức sản xuất. Về chất lượng sản phẩm, nếu như các doanh nghiệp, HTX không tập trung đầu tư, hoặc đầu tư không tuân theo quy trình, chất lượng sản phẩm không bảo đảm, dần dần thương hiệu sẽ bị mai một. Về cách thức tổ chức sản xuất: Do tính chất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, liên kết giữa các hộ chưa chặt chẽ, vì thế bản thân các hộ sản xuất phải nhận thức được vai trò, vị trí của thương hiệu, tự giác nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu như các hộ không liên kết, thì dù chính quyền, cơ quan chức năng hỗ trợ đến mấy, thương hiệu rất khó được bảo vệ.
Đặc biệt, một vấn đề then chốt đó là cần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, nông dân là những người trực tiếp làm ra sản phẩm. Vì thế, người nông dân phải nâng cao trình độ sản xuất, trước tiên là trình độ khoa học, kỹ thuật, nắm bắt cái mà thị trường cần, hiểu biết luật pháp. Đồng thời, nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội phải hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn khoa học kỹ thuật, lựa chọn cây, con giống có chất lượng để đưa vào sản xuất, chăn nuôi.
Đi kèm với đó, chính quyền và ngành chức năng cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tập trung nghiên cứu, đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp liên kết giữa nhà khoa học-nhà quản lý- nhà nông và nhà doanh nghiệp trong việc ứng dụng các tiến bộ về KH&CN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được bảo hộ thông qua các cơ quan chức năng có liên quan.
Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu càng khó gấp nhiều lần. Để thương hiệu nông sản Bắc Giang trụ vững, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng rất lớn của các địa phương, cơ quan, ngành chức năng. Nếu thiếu sự nỗ lực, quyết tâm từ nhiều phía, thương hiệu sẽ bị vùi lấp, thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế. Đồng thời, sản phẩm đặc trưng văn hóa vùng miền theo đó sẽ bị quên lãng, không còn chỗ đứng trên bản đồ thương hiệu ở trong và ngoài nước.
Công Doanh- Hùng Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)