Thiếu tướng Chu Công Phu: Người con của quê hương Cách mạng
![]() |
Thiếu tướng Chu Công Phu. |
“Học võ” rồi “làm văn”
Nắng cuối chiều trải vàng trên khuôn viên Học viện. Chúng tôi đang đứng ngắm “cơ ngơi” khang trang nơi đào tạo những cán bộ chính trị cho quân đội thì một sĩ quan còn trẻ đến nói: “Thiếu tướng mời các anh lên làm việc”. Biết ông bận nhiều việc, thời gian rất quý nên chúng tôi rảo bước nhanh cùng anh sĩ quan lên phòng làm việc của ông.
Vừa gặp, ông đã vội vào việc luôn: “Vừa trò chuyện vừa trao đổi nhé”. Với phong cách giản dị, trầm tĩnh, nhẹ nhàng của cán bộ làm công tác chính trị, buổi làm việc với ông thêm cởi mở. Hơn một tiếng đồng hồ dường như trôi nhanh hơn.
- “Tôi được đào tạo để trở thành sĩ quan chỉ huy, nhưng rồi lại gắn bó gần suốt cuộc đời quân ngũ với công tác chính trị” - ông mở đầu như vậy. Mạch chuyện được ông tiếp tục với những kỷ niệm không thể quên. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết khi ông đến tuổi nhập ngũ cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cuối, tin chiến thắng dồn dập báo về hậu phương, lứa thanh niên như ông lúc đó như ngồi trên đống lửa, nóng lòng được ra chiến trường.
Dù gia đình thuần nông nhưng khi đất nước cần, các anh, em trai ông đều sẵn sàng cầm súng. Tiếp nối truyền thống ấy, ông lên đường tòng quân tháng 2-1975. Nhiệm vụ lúc đó là huấn luyện chiến sĩ mới trong đội hình Sư đoàn 325, làm lực lượng dự bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam.
Đất nước thống nhất, hòa bình chưa được bao lâu thì biên giới Tây Nam lại vang tiếng súng, năm 1978, đơn vị ông hành quân vào chiến trường, chiến đấu với bè lũ Pôn - Pốt đang gây tội ác man rợ cho đồng bào ta.
Đẩy bật được tàn quân Khơ-me đỏ thì chiến tranh phía Bắc nổ ra. Cả đơn vị lại thần tốc cơ động hàng nghìn km để kịp thời có mặt bảo vệ Tổ quốc. Tháng 2-1979, ông là một trong số những cán bộ, chiến sĩ có mặt sớm nhất ở biên giới Lào Cai trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
![]() |
Học viên Hệ Quân chủng (Học viện Chính trị) thực hành tác chiến chỉ huy cơ quan cấp Trung đoàn bộ binh trên bản đồ gắn với thực địa. |
Gần mười năm chiến đấu, công tác ở biên giới Lào Cai, năm 1989, ông nhận nhiệm vụ tại “điểm nóng” Vị Xuyên (Hà Giang) - nơi cuộc chiến bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc cũng khốc liệt, căng thẳng không kém. Khi ấy ông thuộc quân số của Quân đoàn 29 (Quân khu 2).
Để giữ chốt, bộ đội ta phải đổ xương máu bám từng mỏm núi, đỉnh đồi. Ông cùng các cán bộ, chiến sĩ gùi từng viên gạch, từng cân xi - măng lên xây các điểm chốt kiên cố, khẳng định chủ quyền đất nước và bảo đảm an toàn cho bộ đội khi làm nhiệm vụ.
Chính trong những tháng ngày “lửa thử vàng” đó, ông được cấp trên phát hiện ra những phẩm chất, năng lực và sở trường phù hợp để trở thành cán bộ chính trị. Trưởng thành từ vai trò Chính trị viên phó đại đội, “nghiệp” chính trị gắn với ông từ bấy đến nay.
Dọc dài đất nước vẫn nặng lòng với quê hương
Do yêu cầu nhiệm vụ, năm 2000, ông chia tay vùng đất phên dậu phía Bắc, nơi đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ để về công tác tại Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng).
Biền biệt hàng chục năm trời, điều ông băn khoăn nhất chính là có quá ít thời gian ở gần gia đình, chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái, vun đắp mái ấm với người vợ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi vì xa chồng. Những tưởng sẽ bù đắp cho những người thân yêu nhưng năm 2009, một lần nữa ông lại phải nói lời tạm biệt để lên đường nhận nhiệm vụ tại Quân đoàn 3 (còn được biết đến với tên gọi Binh đoàn Tây Nguyên).
Thiếu tướng Chu Công Phu sinh năm 1956, quê ở xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Năm 2010 ông được phong hàm Thiếu tướng. Với nhiều thành tích xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. |
Trên cương vị Phó Chính ủy rồi Chính ủy, Phó Tư lệnh Quân đoàn, ông cùng tập thể cán bộ, chỉ huy xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh. Được thành lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với truyền thống “Quyết thắng-Sáng tạo-Đoàn kết-Thống nhất-Nghiêm túc-Tự lực”, nên khi nhận nhiệm vụ, ông ý thức được trách nhiệm nặng nề làm sao để Quân đoàn trưởng thành, xứng đáng là binh đoàn chủ lực, cơ động, dự bị chiến lược của Quân đội ta.
Nhắc đến khoảng thời gian này, ông hóm hỉnh: “Hình như tôi có duyên với những “điểm nóng” vì hàng chục năm qua, tôi thường có mặt ở những nơi xuất hiện khó khăn, thử thách mới”. Những năm 2009-2010, địa bàn Tây Nguyên có những diễn biến phức tạp, một số đối tượng lợi dụng tình hình để kích động, lôi kéo người dân, thực hiện âm mưu của các thế lực thù địch.
Trong khi đó, địa bàn Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận quốc phòng-an ninh. Do vậy, ông cùng cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn tăng cường thắt chặt mối đoàn kết với cấp ủy, chính quyền các đoàn thể trên địa bàn đóng quân. Tổ chức nhiều hoạt động dân vận, tham gia phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Theo yêu cầu nhiệm vụ, năm 2014, ông được điều động về Học viện Chính trị đảm nhận vị trí Phó Chính ủy. Hơn 60 năm qua, Học viện là “cái nôi” đào tạo sĩ quan chính trị có trình độ về chính trị, quân sự cấp chiến dịch, chiến thuật (học viên quân sự cấp trung) cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bắt tay thực hiện nhiệm vụ mới, ông cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc nỗ lực đưa Học viện phát triển theo hướng đổi mới toàn diện, đồng bộ và đi vào chiều sâu các mặt công tác, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đồng thời xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực; chú trọng nâng cao vị thế, uy tín của Học viện trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự, đấu tranh tư tưởng, lý luận. Xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tương xứng với một trung tâm hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn của Quân đội và quốc gia.
Khi nhắc về quê hương, giọng ông chợt hào hứng: “Hơn 40 xa quê nhưng chưa bao giờ tôi quên. Qua sách báo, bạn bè và gia đình, tôi luôn có được những thông tin kịp thời về Bắc Giang. Dù ở biên giới phía Bắc hay ngược vào Tây Nguyên, tôi đều vui mừng trước những bước phát triển của quê hương.
Đặc biệt là trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, so với các địa phương trong cả nước, Bắc Giang có tốc độ chuyển dịch kinh tế chưa mạnh, cuộc sống một bộ phận người dân còn khó khăn, mỗi lần về với sông Cầu, sông Thương… tôi luôn trăn trở trước tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy hết.
Cá nhân tôi mong rằng cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục nêu cao truyền thống, huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Chăm lo đời sống nhân dân và thắt chặt đoàn kết với các đơn vị quân đội, xây dựng Bắc Giang mạnh về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng”.
Quốc Phương - Việt Hưng
Ý kiến bạn đọc (0)