Ngăn chặn hành vi trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp để trục lợi
Trồng keo, bạch đàn trên đất cấy lúa
Theo quy định của Luật Đất đai, trên diện tích đất nông nghiệp, người dân chỉ được phép cấy lúa hoặc trồng hoa màu ngắn ngày. Thế nhưng tại thôn Trước, xã Tân Tiến có 40 hộ trồng keo, bạch đàn, sưa, cam, bưởi với tổng diện tích gần 2ha. Trong đó một số hộ trồng diện tích lớn như hộ ông Nguyễn Văn Độ hơn 1 nghìn m2 bạch đàn; hộ các bà Đỗ Thị Yên, Đỗ Thị Đào trồng hơn 700m2 bưởi.
Ông Đỗ Văn Luyện, Trưởng thôn cho rằng: Những dự án xây dựng của tỉnh, TP thực hiện trên địa bàn thôn làm ảnh hưởng đến hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp khiến bà con không canh tác được. Tiếc ruộng bỏ hoang nhiều năm nên các hộ đã trồng cây lâu năm để có thêm thu nhập.
![]() |
Nhiều diện tích đất nông nghiệp hằng năm tại xã Tân Tiến được người dân trồng bạch đàn, keo. |
Tình trạng này cũng xảy ra ở các thôn khác như: An Phong, Xuân, Đọ, Ngò, Văn Sơn. Theo ông Trần Văn Pháo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cuối năm 2019, qua kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng xã đã phát hiện có 105 trường hợp vi phạm trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp. Hành vi này vi phạm Luật Đất đai, làm ảnh hưởng đến diện tích canh tác của các hộ liền kề bởi diện tích trồng cây lâu năm là nơi trú ẩn của chuột, côn trùng gây hại.
Toàn TP hiện có hơn 350 trường hợp vi phạm trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp với tổng diện tích gần 8 ha, tập trung tại 4 phường, xã: Dĩnh Trì, Tân Tiến, Tân Mỹ, Dĩnh Kế. Trong đó xã Dĩnh Trì nhiều nhất với 152 trường hợp. Nhiều hộ mới trồng năm 2019 nhưng cũng có hộ trồng từ vài năm trước. Một số trường hợp sử dụng máy múc san ủi trồng cây với quy mô lớn; hiện có diện tích cây trồng đã phát triển cao 2-3m.
Theo khoản 1, Điều 9, Nghị định số 91 của Chính phủ, hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 50 triệu đồng tùy theo diện tích; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất. UBND TP cho biết sẽ xử lý nghiêm vi phạm, quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ không xem xét bồi thường cây trồng lâu năm trên đất lúa. |
Tình trạng người dân trồng cây lâu năm trên diện tích đất nông nghiệp có nguyên nhân chủ yếu là cố tình nhằm hưởng lợi từ đơn giá bồi thường tài sản cây trồng lâu năm khi TP thực hiện các dự án cần giải phóng mặt bằng. Bởi thực tế những diện tích vi phạm đều nằm trong diện tích quy hoạch các dự án.
Do nhận thức của một số người dân về quy định của pháp luật còn hạn chế. Bên canh đó công tác quản lý đất đai của một số phường, xã chưa chặt chẽ, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm dẫn tới năm 2019, nhiều hộ dân lại ồ ạt trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Yêu cầu xử lý dứt điểm trước ngày 30/4
Trước tình trạng trên, ngay từ đầu năm nay, Thành ủy đã có công văn chỉ đạo tăng cường xử lý nghiêm việc trồng cây lâu năm trên đất lúa. UBND TP yêu cầu các phường, xã có người dân vi phạm tuyên truyền, vận động về Luật Đất đai; cán bộ, công chức chuyên môn thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm và yêu cầu hộ dân khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
TP thành lập tổ kiểm tra công tác về quản lý đất đai để tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm. Qua rà soát, đơn vị chức năng của TP và xã, phường đã lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 100% hộ dân tự ý trồng cây lâu năm trên đất trồng lúa. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của TP, xã đã phân công lực lượng thường xuyên giám sát, kiểm tra vi phạm về đất đai; một số hộ mới trồng đã bị phát hiện, trong đó có một hộ ở thôn Tân Phượng trồng 45 cây bưởi bị yêu cầu nhổ bỏ, tịch thu toàn bộ số cây giống. Qua đó đã có tác dụng răn đe đối với người dân, không phát sinh vi phạm mới.
![]() |
Diện tích trồng bưởi trên đất cấy lúa tại thôn Trước, xã Tân Tiến. |
Tuy nhiên kết quả xử lý vi phạm còn chưa cao, chưa triệt để. Hiện mới có 30 trường hợp khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng đất ban đầu. Các hộ còn lại vẫn chưa chấp hành, cố tình đòi Nhà nước đền bù số cây trồng trên diện tích vi phạm với lý do cây đã phát triển và họ phải đầu tư kinh phí lớn cho việc trồng, chăm sóc cây thời gian qua. Nhiều hộ dân không hợp tác, thậm chí có người không nhận diện tích vi phạm của mình nên gây khó cho việc kiểm kê, xác định tài sản trên đất để thiết lập hồ sơ cưỡng chế.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm công bằng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP có văn bản về việc tổ chức cưỡng chế khôi phục lại hiện trạng của đất. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường, cùng với chỉ đạo phường, xã tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh để người dân hiểu chính sách pháp luật về đất đai, chống các biểu hiện lợi dụng chính sách trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, TP yêu cầu các phường, xã tập trung hoàn thành việc thiết lập hồ sơ cưỡng chế các trường hợp vi phạm, xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế khôi phục lại tình trạng ruộng đất ban đầu trước 30/4. Thành ủy yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nếu không xử lý nghiêm vi phạm và tiếp tục để phát sinh vi phạm mới.
Quế Thương
Ý kiến bạn đọc (0)