Giải mật "Sự kiện 228" làm 30 nghìn người Đài Loan thiệt mạng
![]() |
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. |
"Sự kiện 228"- trang sử buồn của người xứ Đài
Theo tờ Taipeitimes.com số cuối tháng 2-2017, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã thông báo trước dư luận, nước này sẽ cho giải mật một khối lượng hồ sơ khổng lồ lên tới 4.617 tài liệu, khoảng 1,37 triệu trang nói về vụ thảm sát kinh hoàng có tên 228 Incident "Sự kiện 228" làm hàng chục nghìn người nổi dậy ở hòn đảo bị thiệt mạng. Ngoài số tài liệu nói trên còn khoảng 990 nghìn trang hồ sơ hiện do 83 ban, ngành lưu trữ, sẽ được xếp vào diện chờ chuyển giao cho chính quyền Đài Loan, công việc dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6-2017. Quyết định trên được đưa ra cùng với kế hoạch ba năm nhằm thu thập thêm thông tin, chứng cứ mới và lời khai của các nhân chứng để phục vụ công tác điều tra. Cũng theo nguồn tin nói trên, việc thu thập những tài liệu này rất quan trọng vì nó cho biết danh tính cụ thể của từng nhân vật liên quan, cũng như chi tiết biến cố xảy ra được lịch sử ghi lại bằng cái tên “Sự kiện 228”, trang sử đen tối trong lịch sử Đài Loan.
Sau nửa thế kỷ nằm dưới ách thống trị của Nhật Bản (1895-1945), ngày 25- 10- 1945, chính quyền Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch tiếp quản Đài Loan từ quân Nhật. Tướng Trần Nghi (Chen Yi), một thân tín của Tưởng được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đài Loan. Việc làm đầu tiên của Trần Nghi là ra lệnh đóng cửa và tịch thu tài sản của gần 500 cơ sở kinh tế do quân Nhật quản lý trước đó và cả những cơ sở kinh tế của người Đài Loan hợp tác với Nhật Bản. Mọi việc khơi ngòi từ quyết định này khiến cho sản xuất bị đình trệ, thất nghiệp gia tăng, giá cả nhiều mặt hàng leo thang chóng mặt. Mọi quyền lực kinh tế đều rơi vào tay "nhóm lợi ích" Trần Nghi, những người này tha hồ thao túng trước sự làm ngơ của cảnh sát và quân đội. Chỉ sau hai năm nắm quyền, Trần "tướng quân" đã đẩy Đài Loan vào khủng hoảng, lạm phát, tham nhũng, hối lộ lộng hành khắp mọi nơi.
Vai trò Trần Nghi trong "Sự kiện 228"
Cái gì đến sẽ đến, trưa 27-2-1947, khi quân của Trần Nghi trấn áp những người bán thuốc lá tại khu chợ ở trung tâm Đài Bắc, một cảnh sát đã quyết định thu giữ thuốc lá của một phụ nữ bán hàng lớn tuổi. Sợ mất tài sản, người phụ nữ này đã kiên quyết chống lại nên bị cảnh sát bắn chết. Ngay lập tức, những người xung quanh xông vào đánh viên cảnh sát khiến anh ta bắn bừa vào đám đông làm 1 người khác chết trước khi bỏ chạy về đồn. Dân chúng đuổi theo vây chặt đồn và yêu cầu giao nộp viên cảnh sát. Thay vì làm theo yêu cầu của dân chúng, cảnh sát lại làm ngược lại khiến bạo loạn bùng lan. Ngày 28-2-1947, Trần Nghi ra lệnh cho quân đội và cảnh sát bắn thẳng vào đám đông để trấn áp, làm hàng chục người chết và bị thương. Hành động này làm dấy lên làn sóng giận dữ lan nhanh khắp đảo quốc buộc Trần Nghi phải rời Đài Loan về đất liền, còn đại diện dân chúng đứng ra nắm quyền.
![]() |
Trần Nghi (thứ 3 từ phải sang) tại Giang Tô (Trung Quốc) năm 1953. |
Chính quyền mới gồm thành phần trí thức, sinh viên, chủ nhà máy, công nhân với 32 người được thành lập để tạm điều hành Đài Loan và đưa ra yêu cầu cải cách gửi cho Tưởng Giới Thạch. Nếu yêu cầu không được đáp ứng, người biểu tình sẽ đề nghị Liên Hợp quốc quản lý và điều hành Đài Loan. Tưởng Giới Thạch đã thẳng thừng từ chối và giao cho Trần Nghi chỉ huy để tái chiếm Đài Loan bắt đầu vào ngày 8-3-1947 và từ đây tình hình trở nên hỗn loạn, Quốc dân Đảng lạm dụng việc được lệnh bắn bỏ bất cứ ai chống lại nên tha hồ cướp bóc, hãm hiếp rồi bắn chết thường dân. Có ít nhất từ 2 nghìn đến 4 nghìn người dân Đài Loan bị binh lính Quốc dân Đảng giết hại chỉ trong hơn 20 ngày (từ 8 đến 31-3-1947). Chưa hết, Trần Nghi còn tiến hành một chiến dịch thanh trừng đẫm máu kèm bắt giữ, tra tấn và cả thủ tiêu bất cứ ai nghi vấn tham gia làm loạn hay manh động chống lại. Theo tờ New York Times của Mỹ, tổng số người bị thiệt mạng liên quan đến "Sự kiện 228" ước khoảng hàng chục nghìn người. Thậm chí, đến năm 1987, tức 40 năm sau khi xảy ra "Sự kiện 228", khi chính quyền Đài Loan bãi bỏ chế độ thiết quân luật, vẫn còn hàng nghìn người có liên quan đến vụ bạo loạn nói trên bị giam giữ và quản thúc tại nhiều nhà tù đặc biệt.
Toàn quyền Trần Nghi (1883-1950), cấp bậc thượng tướng, Chủ tịch và Tổng tư lệnh Cảnh vệ Đài Loan, sinh tại Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, từng tốt nghiệp Cầu Khởi thư viện (nay là Đại học Chiết Giang). Năm 1902, Trần Nghi sang Nhật tu nghiệp quân sự 7 năm, từng giữ chức Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến trong 8 năm, từ năm 1934. Năm 1935, với những kinh nghiệm về Nhật Bản và Đài Loan, Trần Nghi trở thành ứng cử viên số 1 cho chức Chủ tịch tỉnh Đài Loan sau khi Nhật đầu hàng. Với tư cách đại diện Trung Hoa, ngày 25-10-1945, trước sự chứng kiến của đại diện các nước đồng minh, Trần Nghi ký hiệp ước nhận hàng với Tướng Ando Rikichi, Tổng đốc Đài Loan, tại Tòa thị chính Đài Bắc (nay là cung Trung Sơn). Trần Nghi tuyên bố ngày này là ngày giành lại Đài Loan, dù vẫn có tranh cãi về mặt pháp lý vì Nhật Bản chưa hề trao trả lại Đài Loan trong bất kỳ hiệp ước nào cho tới tận năm 1952.
Trần Nghi sau đó bị cách chức Chủ tịch tỉnh Đài Loan do những quyết sách sai lầm dẫn đến "Sự kiện 228" khiến hòn đảo này chìm trong tham nhũng dẫn đến lạm phát nghiêm trọng, dân chúng bất bình. Những cáo buộc đầu cơ trục lợi đối với người đại lục, sự yếu kém của các dịch vụ xã hội và hành chính cũng góp phần gia tăng căng thẳng.
Theo Taipeitimes.com, một tài liệu cực kỳ quan trọng trong số những tài liệu được giải mật đã chứng minh vai trò của Trần Nghi, nhân vật đã sử dụng chiến thuật hai mặt để trấn áp phong trào phản kháng của người dân. Taipeitimes.com còn trích dẫn bức điện đề ngày 2-3-1947 mà Trần Nghi gửi Tưởng Giới Thạch xin chi viện để đàn áp các cuộc nổi dậy, được Viện Sử học Đài Loan công bố hôm 23-2-2017. Bức điện lộ nguyên hình bộ mặt của Trần Nghi, kẻ cố gắng câu giờ với phe nổi dậy nhằm chờ lực lượng hỗ trợ từ đại lục. Cũng nhờ bức điện nói trên, hậu thế mới biết bộ mặt thật của Trần Nghi, một mặt hứa hẹn cải cách và kêu gọi người dân không tham gia biểu tình, mặt khác lại hối thúc Tưởng gấp rút chi viện. Cụ thể, ngày 1-3-1947, Trần Nghi trong khi đồng ý thành lập một Ủy ban lâm thời nhằm hòa giải mâu thuẫn giữa người dân và quân đội, thì ngay ngày hôm sau ông ta gửi điện cho Tưởng và khi quân tiếp viện đến đã tiến hành ngay kế hoạch đã định.
Sự bức thiết phải giải mật "Sự kiện 228"
Trong suốt thời gian dài sau khi xảy ra "Sự kiện 228", chính quyền Quốc dân Đảng ở Đài Loan đã nghiêm cấm việc bàn thảo hay công khai "xới lên" thảm họa nói trên. Việc nghiêm cấm này đã làm cả một thế hệ trẻ ở Đài Loan không hề hay biết đến việc cha ông họ bị giết hại năm 1947. Mãi đến đầu năm 1992, gia đình những nạn nhân của "Sự kiện 228" mới tập hợp lại trong một phong trào có tên Công lý và hòa bình. Phong trào này đưa ra kiến nghị yêu cầu chính quyền Đài Loan phải làm sáng tỏ "Sự kiện 228" của Quốc dân Đảng năm 1947. Thế nhưng phải đợi đến năm 1995, khi Tổng thống Lý Đăng Huy, người từng tham gia cuộc bạo loạn nói trên lên nắm quyền tại Đài Loan thì "Sự kiện 228" mới từng bước được sáng tỏ. Và từ đây, chính quyền Đài Loan quyết định lấy ngày 28-2 hằng năm làm Ngày toàn quốc tưởng nhớ nạn nhân "Sự kiện 228". Một công viên ở trung tâm thành phố Đài Bắc cũng mang tên sự kiện này.
![]() |
Người dân Đài Loan tưởng nhớ các nạn nhân "Sự kiện 228". |
Rất nhiều người, nhất là hậu duệ của những người bị thảm sát đang hy vọng việc giải mật tài liệu sẽ làm sáng tỏ cái chết đầy uẩn khúc của cha ông họ cũng như làm rõ nghi vấn về vai trò của chính quyền Tưởng Giới Thạch những năm đầu thế kỷ trước. Mới đây, phát biểu trước thềm kỷ niệm 70 năm "Sự kiện 228", nữ Tổng thống Thái Anh Văn cam kết, chính quyền sẽ tích cực điều tra, công bố sự thật và truy cứu trách nhiệm những người liên quan để thay đổi quan niệm cho rằng "chỉ có nạn nhân mà không có thủ phạm".
Nhân sự kiện trên, Chủ tịch Viện Sử học Đài Loan Ngô Mật Sát cho biết, viện của ông đã tổng hợp 18 tài liệu về "Sự kiện 228" được viết hoặc thu thập dưới thời cựu lãnh đạo Trần Thủy Biển và dự án đã được khôi phục sau khi Đảng Dân tiến (DPP) của bà Thái Anh Văn giành chiến thắng, đặc biệt là bức điện ngày 2-3-1947 mà Trần Nghi gửi Tưởng Giới Thạch, bức thư này đã từng được tìm kiếm nhưng đã bị người ta cố tình bưng bít.
Việc giải mật "Sự kiện 228" sẽ giúp dư luận hiểu thêm vai trò của Tưởng Giới Thạch, điều này đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Trong khi đại đa số cho rằng Tưởng Giới Thạch phải chịu trách nhiệm chính nhưng cũng có ý kiến nói chưa có bằng chứng cho thấy vị này ra lệnh thảm sát trước ngày 28-2. Theo Giáo sư Dương Thiên Thạch, chuyên gia phân tích nhật ký của Tưởng Giới Thạch cho biết, Tưởng Giới Thạch không tránh khỏi trách nhiệm nhưng ông ta lại không hề ra bất cứ mệnh lệnh nào. Bằng chứng, trong các hồ sơ đang được Lưu trữ Quốc gia (NAA) quản lý, đều không phát hiện được gì về việc Tưởng ra lệnh thảm sát vào ngày hôm đó. Thực hư ra sao dư luận Đài Loan đang chờ đợi sự công minh của chính quyền hiện tại.
Khắc Hùng
(Theo WP/Taipeitimes.com 2&3/2017)
Ý kiến bạn đọc (0)