Bệnh tay - chân - miệng: Quan trọng là phòng tránh
Xin bác sĩ cho biết bệnh tay - chân - miệng diễn tiến như thế nào trên địa bàn tỉnh?
Tay-chân- miệng là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, dễ lây lan và phát triển mạnh từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Dịch đang bùng phát tại các tỉnh miền Nam. Tỉnh Bắc Giang có số người mắc ở mức thấp, chưa xuất hiện ca bệnh nặng, tử vong. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 144 ca mắc bệnh này, tương đương với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, riêng trong tháng 9-2018, số người mắc tăng cao (51 trường hợp), ghi nhận nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi (82,6%) và ở bé trai (65,3%). Bệnh nhi mắc rải rác ở các địa phương, chưa ghi nhận ổ dịch, chùm ca bệnh, đặc biệt ở các trường mầm non, nhóm trẻ. Trong đó, huyện Yên Thế có số bệnh nhân mắc cao nhất (86 ca), còn lại mỗi huyện, TP chỉ có từ 3-14 người mắc. Trong khi những tháng trước đó, số ca tay - chân - miệng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
![]() |
Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang. |
Ông có thể cho biết tình hình bệnh nhi mắc tay - chân - miệng đang điều trị tại các bệnh viện trong những ngày gần đây?
Nếu được phát hiện kịp thời, điều trị căn bệnh này không khó, ở các khoa khám bệnh của bệnh viện đều có bệnh nhân đến khám tay-chân-miệng. Hầu hết đều ở thể nhẹ, được bác sĩ chẩn đoán, kê đơn điều trị ngoại trú, trường hợp nặng hơn mới yêu cầu nhập viện. Từ tháng 9 đến ngày 2-10, toàn tỉnh có 46 bệnh nhi phải nhập viện. Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thế tiếp nhận 29 bệnh nhi tay-chân-miệng vào điều trị nội trú, cao nhất tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 6 bệnh nhân; Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn có 5 bệnh nhân; Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên có 3 bệnh nhân. 3 bệnh nhi ở Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) và Bệnh viện Sản- Nhi Bắc Ninh.
![]() |
Điều trị cho bệnh nhi tay-chân-miệng tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Theo ông, tác nhân gây bệnh tay-chân-miệng có biến đổi hay không khi mà ở nhiều tỉnh, TP đã có bệnh nhân tử vong?
Tác nhân gây bệnh thường do vi-rút Coxsakie và Enterovirus 71 (EV 71) lây chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp (dịch tiết mũi họng, vết rộp nước, phân…) từ người sang người, xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng, vào ruột. Bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng, đau miệng với những vết loét đỏ, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… hoặc những vết phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Khi bệnh khởi phát rất dễ nhầm với sốt siêu vi, viêm họng, viêm màng não.
Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), số ca nặng gia tăng ở nhiều tỉnh, TP do năm 2018 có sự biến đổi của chủng virus EV71, chiếm 25% tổng ca mắc. Virus này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, dễ biến chứng, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của căn bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có giải pháp nào để chủ động dự phòng, không để lây lan trên diện rộng, nhất là ở các trường mầm non, nhóm trẻ?
Phòng, chống bệnh tay- chân- miệng là nội dung bắt buộc trong kế hoạch phòng, chống dịch chủ động hằng năm của đơn vị cũng như các địa phương trong tỉnh. Bởi đây là bệnh truyền nhiễm, hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa. Tại thời điểm này, các hoạt động tuyên truyền, kiểm soát bệnh tay-chân-miệng tại trường học, khu dân cư được đặt lên hàng đầu. Nhiều phường, xã, thị trấn thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt khuẩn tại các trường học, nhà dân.
Các nhà trường thường xuyên hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ nền nhà, giường ngủ, khuôn viên; cho các cháu ăn uống hợp vệ sinh. Khi phát hiện có ca bệnh, nhà trường phải phối hợp với ngành y tế chủ động dập dịch. Giáo viên chú ý theo dõi phát hiện sớm trẻ sốt, nổi phỏng nước để kịp thời cách ly và báo cáo với cơ sở y tế.
Tại gia đình, phụ huynh chú trọng chế biến thức ăn, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, nơi vui chơi của trẻ; xử lý tốt chất thải, phân, rác; rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với trẻ. Khi thấy các em nhỏ có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Xin cảm ơn ông!
Minh Thu
(Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)