Bảo vệ não - biết nghỉ ngơi
![]() |
Dọn dẹp nhà cửa là cách nghỉ ngơi tích cực để bảo vệ não. |
Tránh nghỉ ngơi “tiêu cực”
Thường nghỉ ngơi là ngừng làm việc, là tách rời khỏi công việc “động não” để não được thư thái, buông thả rồi hồi phục. Thế nhưng không ít người sau khi “động não”, làm việc trí óc mệt rồi lại nghỉ ngơi bằng cách chơi cờ, đọc báo, nghe tin tức, xem truyền hình, đặc biệt là đọc truyện, xem phim...
Tất cả những cách thức nghỉ ngơi đó, chúng tôi xin được gọi là “tiêu cực” vì đều buộc não phải “động”, căng thẳng thêm, gây nguy hại, không khác gì “thêm dầu vào lửa”!
Nghỉ ngơi tích cực
Vậy biết nghỉ ngơi ở đây là nghỉ ngơi tích cực. Đó là thay đổi trạng thái hoạt động cho cơ thể một cách có lợi nhất. Đó là từ làm việc trí óc ta chuyển sang những công việc chân tay thông thường như chăm sóc gia đình, làm công việc nội trợ, lau dọn nhà cửa, trồng cây, tưới hoa. Khi đó, não vẫn làm việc nhưng theo quy luật hưng phấn và ức chế, khi vùng não chỉ đạo hoạt động chân tay hưng phấn, thì vùng não trước đó “động” để suy nghĩ nay trở thành ức chế và được nghỉ ngơi.
Bằng cách nghỉ ngơi tích cực, chân tay, hình hài được vận động, kích hoạt chức năng của tạng phủ, giúp khí huyết lưu chuyển, không chỉ não được nuôi dưỡng, phục hồi mà còn bảo vệ được sức khỏe cho cơ thể.
Nhưng ở đây, quan trọng nữa là thay đổi công việc, còn có nghĩa là thay đổi cả tiểu môi trường sống. Tiểu môi trường đó không chỉ là ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, không khí trong sạch hay bụi bẩn… mà đặc biệt là trường năng lượng. Có điều lý thú, còn ít biết là không chỉ những vật sống như: Chó, mèo, gà vịt, chim chóc, cây cối, hoa lá mà cả những “vật chết” như: Giường tủ, bàn ghế, quần áo sạch hay bẩn… đều “sinh phát” trường năng lượng. Biết vậy, để chúng ta nghỉ ngơi tích cực cho não trên phương diện vật chất, cấu tạo và cả tinh thần vui tươi, thoải mái.
Rèn luyện tạo giấc ngủ ngon
Giấc ngủ, nhất là giấc ngủ sâu, có thể nói là cách nghỉ ngơi hiệu quả, tốt nhất cho não, vì lúc đó não gần như không phải “động”, suy nghĩ. Để tạo được giấc ngủ ngon, trước hết và quan trọng nhất là tạo được cho tâm thần trong sáng, thoải mái, thật sự thoải mái. Để tạo được như vậy, phải luyện rèn. Và việc luyện rèn này phải được thực hiện không chỉ trước khi đi ngủ mà cả ngày, cả tháng, cả năm, cả đời! Và thứ nữa, người già cần ngủ nhiều, ngủ như trẻ thơ khi tuổi càng cao. Và đó cũng phải rèn luyện, luyện rèn chứ không phải tự nhiên mà có vì khi già, cơ thể con người, đặc biệt là não, chức năng đã suy yếu, xuống cấp.
Biết cách nhập tĩnh
“Nhập tĩnh”, người xưa nói vòng vo, thần bí là nhập vào cảnh giới, nhập vào cõi yên tĩnh. Sự thực chỉ là cách dẫn dắt, đưa đầu não vào trạng thái tĩnh lặng, an nhiên để não thoát khỏi căng thẳng, được nghỉ ngơi. Vậy cách “dẫn dắt, đưa đầu não” đó là thế nào? Cũng hết sức đơn giản và gần gũi, đó là thư giãn. Cơ, gân, xương, khớp thư giãn, buông lỏng để hệ thần kinh thực vật - hệ thần kinh điều khiển nội tạng được thư giãn. Rồi theo đó, theo tính thống nhất, đầu não cũng “chùng xuống”, thả lỏng, mọi căng thẳng sẽ tiêu tan.
Như vậy, nhập tĩnh hay thư giãn nói thật đúng bản chất, đúng với tiếng Việt mình là “buông xả”. Mà đã là buông xả, thư giãn thì ta có thể làm bất cứ lúc nào, đi đứng, ngồi nằm và cả đang làm việc, chỉ cần 5 - 10 giây. Nó hoàn toàn khác với một số người cho là phải tập cả buổi.
Lương y Vũ Huy Ba
Ý kiến bạn đọc (0)