Các nhà lãnh đạo tại miền Đông Ukraine tuyên thệ nhậm chức
|
Ông Alexander Zakharchenko tuyên thệ nhậm chức người đứng đầu Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk thuộc miền Đông Ukraine, ngày 4/11. (Ảnh: Reuters) |
![]() |
Sau khi giành chiến thắng thuyết phục trong các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp và người đứng đầu chính quyền vào ngày 2/11, ông Alexander Zakharchenko đã tuyên thệ nhậm chức người đứng đầu Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk, trong khi ông Igor Plotnitsky đã trở thành lãnh đạo của Cộng hòa nhân dân tự xưng Luhansk thuộc miền Đông Ukraine.
Phát biểu sau lễ nhậm chức, cả hai nhà lãnh đạo của Donetsk và Luhansk đều tỏ ý sẵn sàng tiến hành đối thoại nếu như có một vị trí “ngang hàng” với chính quyền Kiev. Tuy nhiên, “thiện chí này” của ông Zakharchenko và ông Plotnitsky, xem ra lại khó trở thành hiện thực trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã liên tiếp bác bỏ tính hợp pháp của các cuộc bầu cử diễn ra hồi tuần trước tại miền Đông Ukraine và xem đây là một “trò khôi hài của những kẻ khủng bố”.
Ông Poroschenko cho rằng, các cuộc bầu cử này vô hình chung đã tước bỏ quyền tự trị tạm thời của những phần tử theo chủ trương ly khai tại miền Đông Ukraine – vốn được thông qua sau thỏa thuận ngừng bắn đạt được ở Minsk (Belarus) ngày 5/9. Phát biểu trong một phiên họp khẩn của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine, ngày 4/11, ông Poroschenko thậm chí còn lên tiếng kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử khác tại vùng Donbass, dựa trên tinh thần tôn trọng luật pháp Ukraine.
Những diễn biến trên cho thấy, điểm nóng chiến sự miền Đông Ukraine sẽ chưa thể hạ nhiệt trong những ngày tới, khi mà mối quan hệ giữa chính quyền Kiev và các nhà lãnh đạo vùng Donbass đang bị đẩy lên một nấc thang căng thẳng mới sau các cuộc bầu cử ngày 2/11. Và cũng như các lần trước đó, mọi diễn biến căng thẳng tại miền Đông Ukraine đều hướng tới một ngã rẽ “nguy hiểm” trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây.
Báo chí nước ngoài, ngày 4/11 cho biết, chính quyền Kiev đã gửi thông điệp phản đối tới Nga trong bối cảnh Moscow đã tuyên bố chủ trương công nhận các kết quả của cuộc bầu cử gây tranh cãi diễn ra tại miền Đông Ukraine trong ngày 2/11.
Ngay lập tức, Nhà trắng cũng ra thông báo hưởng ứng tuyên bố trên của chính quyền Kiev, theo đó, lên án các cuộc bầu cử phi pháp ở miền Đông Ukraine, đồng thời cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh siết chặt trừng phạt về kinh tế nếu như tiếp tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk.
Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, các cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần trước tại miền Đông Ukraine là một diễn biến “không phù hợp và phản tác dụng”. Phát biểu tại một phiên họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo), ông Ban Ki-moon khuyến cáo, tình hình hiện nay tại Ukraine đang tạo ra những rạn nứt vượt xa phạm vi khu vực, đồng thời kêu gọi tất cả các bên có liên quan tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/9.
Trả lời phỏng vấn tờ Sueddeutsche Zeitung, ngày 4/11, tân Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - bà Federica Mogherini - thậm chí còn bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt có thể khiến Moscow thay đổi lập trường về vấn đề Ukraine. Bà Mogherini cho biết, việc tiếp tục siết chặt hay gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga phụ thuộc vào vai trò của Moscow đối với diễn biến tình hình trên thực địa tại miền Đông Ukraine. Vấn đề này sẽ được Ngoại trưởng 28 nước EU tiến hành thảo luận trong cuộc họp diễn ra vào ngày 17/11 tới.
Trong một tuyên bố thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 4/11, đã bày tỏ sự hoài nghi về vai trò đóng góp của Nga trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng, bà không thấy có lý do gì để “gỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Moscow trong thời điểm hiện tại”.
Phát biểu tại một sự kiện diễn ra ở Berlin (Đức), ngày 4/11, bà Merkel khẳng định, các cuộc bầu cử gây tranh cãi diễn ra tại hai Cộng hòa nhân dân tự xưng thuộc miền Đông Ukraine là Donetsk và Luhansk trong ngày 2/11 là “phi pháp”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng lên tiếng cáo buộc Nga đã không “đủ nỗ lực” để hạ nhiệt căng thẳng tại miền Đông Ukraine, và điều này khiến Đức phải tiếp tục theo đuổi các giải pháp ngoại giao cho vấn đề này, cũng như hối thúc Moscow gia tăng sức ép lên các lực lượng tại miền Đông Ukraine.
Trong một tuyên bố cùng ngày, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert tuyên bố, chính quyền Berlin không công nhận các cuộc bầu cử phi pháp tại miền Đông Ukraine, đồng thời khuyến cáo Moscow sẽ phải đối mặt với những biện pháp gia tăng trường phạt nếu như tình hình tại Đông Ukraine tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.
Theo báo điện tử ĐCSVN
Ý kiến bạn đọc (0)