Nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong chiến tranh
![]() |
Bộ đội kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975) được hình thành và phát triển trong những điều kiện cụ thể của mỗi cuộc chiến tranh, gắn liền với những đặc điểm đất nước, con người Việt Nam.
Những hoạt động tác chiến chiến dịch được tiến hành trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, được kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai phương thức tác chiến du kích và tác chiến chính quy, mang tính chất của chiến tranh giải phóng dân tộc chống lại những kẻ thù xâm lược có quân đông, có trang bị, vũ khí nhiều và hiện đại.
Những hoạt động tác chiến chiến dịch bao gồm “tổng thể các hoạt động chiến đấu của lực lượng vũ trang, diễn ra bằng các trận chiến đấu đồng thời hay kế tiếp, liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó có những trận then chốt, có hoặc không kết hợp với khởi nghĩa vũ trang và các hình thức đấu tranh khác của quần chúng, trong một không gian và thời gian nhất định, theo một kế hoạch thống nhất và sự lãnh đạo chỉ huy thống nhất, nhằm thực hiện những nhiệm vụ quân sự - chính trị do chiến lược đề ra”. Tuy nhiên, những “tổng thể các hoạt động chiến đấu” đó đã được vận dụng rất sáng tạo, khi lựa chọn và tổ chức thực hiện ở từng loại hình chiến dịch cụ thể.
Trong 30 năm chiến tranh giải phóng, các loại hình chiến dịch cũng phát triển từ thấp đến cao, theo sự phát triển về biên chế tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật sử dụng, điều hành cũng ngày càng hoàn thiện; loại hình chiến dịch cũng đa dạng. Những loại hình chiến dịch đã diễn ra mang tính phổ biến, thường xuyên xuất hiện như: Chiến dịch tiến công, chiến dịch phản công.
Có loại hình chiến dịch xuất hiện ít hơn như: Chiến dịch tiến công tổng hợp, chiến dịch phòng ngự, chiến dịch phòng không... Mỗi loại hình chiến dịch giữ vị trí vai trò nhất định trong chiến tranh và có hình thức tổ chức, sử dụng lực lượng, phương thức hành động riêng để đánh bại những biện pháp, thủ đoạn nhất định của đối phương. Quy mô các loại hình chiến dịch cũng rất đa dạng, khác nhau; có chiến dịch quy mô nhỏ, quy mô vừa và quy mô lớn; có chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược - chiến dịch quyết chiến chiến lược.
Từ thực tiễn rất phong phú, đa dạng của hơn một trăm chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có thể thấy đặc điểm nghệ thuật tác chiến chiến dịch Việt Nam, trước hết và chủ yếu là nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển cao, được tổ chức trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, sử dụng lực lượng cả 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích.
Đây là lực lượng nòng cốt của chiến dịch, đồng thời cũng là linh hồn của nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong hệ thống nghệ thuật quân sự Việt Nam. Điều này đã phản ánh tính tổng hợp toàn diện của nghệ thuật tác chiến chiến dịch: mục đích tổng hợp, sử dụng lực lượng tổng hợp và đánh địch bằng phương thức tổng hợp để trực tiếp tạo ra sức mạnh tổng hợp, đánh bại đối phương ở những thời điểm, thời cơ, những trận đánh then chốt và chiến dịch mang tính quyết chiến chiến lược.
Đặc điểm lịch sử nghệ thuật tác chiến chiến dịch Việt Nam đã phản ánh đầy đủ tư tưởng tích cực, chủ động, kiên quyết, liên tục tiến công. Tư tưởng chiến lược tiến công là tư tưởng chỉ đạo nổi bật của chiến tranh nhân dân. Xem xét ở phạm vi hình thức cho thấy: “Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã có gần 98% tổng số các chiến dịch là chiến dịch tiến công và chiến dịch phản công”.
Tư tưởng tiến công, là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, được quán triệt đến mọi cán bộ, chiến sỹ và được vận dụng ở các loại hình tác chiến chiến dịch. Đồng thời, tư tưởng tích cực, chủ động, kiên quyết, liên tục tiến công cũng là một tư duy trực tiếp hình thành sự sáng tạo trong các hoạt động tác chiến, không chỉ ở phạm vi một trận đánh, một chiến dịch, mà còn thể hiện sự vượt trội đối phương về nhãn quan quân sự; một bài học kinh nghiệm vô giá mang giá trị lý luận nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Nghệ thuật tác chiến chiến dịch Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bao gồm những nội dung cơ bản, cốt lõi sau: Chọn hướng (khu vực), mục tiêu, đối tượng tác chiến đúng, phù hợp với từng giai đoạn của cuộc chiến, khả năng của chiến dịch; cách đánh chiến dịch; tạo lập thế trận tác chiến chiến dịch đi đôi với phá thế trận của địch; tổ chức, sử dụng lực lượng chiến dịch; tổ chức chỉ huy tác chiến chiến dịch.
Nghệ thuật tác chiến chiến dịch là một bộ phận của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã hình thành và phát triển từng bước ngày càng hoàn chỉnh, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc chiến đấu chống xâm lược. Quán triệt sâu sắc đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, kế thừa tinh hoa truyền thống đánh giặc của dân tộc; học tập và vận dụng có chọn lọc những kinh nghiệm quân sự tiên tiến của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; nghệ thuật tác chiến chiến dịch của ta đã phát triển đúng đắn sáng tạo, thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, tính dân tộc, tính hiện đại; vừa phản ánh những quy luật chung của chiến tranh và đấu tranh vũ trang cách mạng; vừa mang những sắc thái độc đáo Việt Nam, góp phần hình thành một trường phái quân sự Việt Nam và học thuyết quân sự Việt Nam.
Những giá trị thuộc về nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong nghệ thuật quân sự Việt Nam là một sản phẩm hình thành nên Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng. Ngày nay, những giá trị đó cần phải được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong những điều kiện mới.
Theo Tin tức
Ý kiến bạn đọc (0)