Hành trình lọc máu giành sự sống
Thường xuyên ở viện
Cuộc sống của bệnh nhân suy thận mạn tính gắn liền với bệnh viện bởi đều đặn mỗi tuần họ phải lọc máu vài lần. Không chỉ giữa người bệnh với nhau mà giữa bệnh nhân với bác sĩ, điều dưỡng cũng gắn bó, thân tình. Quen thuộc đến mức bác sĩ, điều dưỡng nhớ tên từng người bệnh.
![]() |
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo. |
Gắn bó với giường chạy thận gần 10 năm, ông Nguyễn Đăng Bộ (SN 1950) ở xã Thái Đào (Lạng Giang) thân thiết với nhiều bệnh nhân cùng cảnh ngộ. Đến giờ khi vào viện chỉ cần thoáng nhìn vào cánh tay có vết mổ nối động mạch và tĩnh mạch để cắm kim lọc là ông biết bệnh nhân phải chạy thận. Trên khuôn mặt ông hiện rõ nét khắc khổ, nhăn nheo vì bệnh tật.
Nắng cũng như mưa, lễ Tết cũng giống ngày thường, ông đều đặn vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh lọc máu 3 lần/tuần. Buồn nhất là những khi nhà có giỗ chạp, hiếu hỷ cũng phải thu xếp đến viện đúng lịch. “Trong 3,5 giờ lọc máu, cơ thể chìm dần vào giấc ngủ, có những lúc mơ tới một ngày mình không phải chạy thận chu kỳ. Khi tỉnh dậy, tôi biết ngày hôm nay, ngày mai và những ngày sau mình buộc phải nghị lực hơn để chiến đấu với bệnh tật”.
Khác với nhiều buồng bệnh tấp nập bệnh nhân, không gian điều trị của khu vực lọc máu tĩnh lặng. Ở đây, bác sĩ, điều dưỡng và người bệnh luôn nhẹ nhàng. Cách nhật họ lại gặp nhau, vừa điều trị vừa tâm sự, chia sẻ về cuộc sống. Hiện Khoa Nội thận-Tiết niệu-Lọc máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang chạy thận nhân tạo cho 365 bệnh nhân.
Bệnh nhân Trần Văn Đã (SN 1966), xã Song Khê (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Mỗi người một hoàn cảnh với những vui buồn riêng song trong thời điểm khó khăn nhất, bệnh nhân vẫn kiên trì điều trị. Người mắc căn bệnh này suốt đời không thể tách rời lọc máu, coi bệnh viện là nhà”.
Không ai muốn tới bệnh viện, cũng chẳng ai muốn hẹn gặp nhau tại đây. Thế nhưng những bệnh nhân thường xuyên chạy thận nhân tạo lại luôn trông ngóng, chờ được gặp lại bạn đồng cảnh ngộ. Bởi lẽ nếu không gặp lại trong những lần lọc máu tiếp theo thì có nghĩa là người bạn cùng điều trị đã không còn nữa. Mỗi khi thấy giường người khác trống, bệnh nhân lại thở dài.
Được biết, tỷ lệ bệnh nhân thận nhân tạo tử vong hằng năm chiếm 7,5%; khi phải lọc máu chu kỳ trung bình bệnh nhân sẽ sống thêm 6,3 năm. Có đến hơn 50% người bệnh chạy thận tử vong dưới 5 năm lọc máu và số người sống từ 10 năm trở lên chiếm khoảng 15 - 20% tổng số người chạy thận chu kỳ.
Nhặt nhạnh từng đồng để chạy thận
Trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối sẽ kéo dài cuộc sống hơn nếu có điều kiện kinh tế để chạy chữa. Thế nhưng phần lớn người bệnh đều thuộc diện hộ nghèo, mất sức lao động, không có thu nhập nên cuộc sống đối diện với muôn vàn khó khăn.
![]() |
Khu vực lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đều mong muốn được ghép thận nhưng chi phí tốn kém (lên đến hàng tỷ đồng), không phải ai cũng có đủ điều kiện về sức khỏe, kinh tế để thực hiện.
Ở đây, ai cũng coi tấm thẻ BHYT là phao cứu sinh của mình vì không có BHYT thì khó có khả năng chi trả viện phí khi mỗi tuần phải lọc máu đôi ba lần. Hầu hết bệnh nhân thận nhân tạo đều tham gia BHYT song nhiều người vẫn kiệt quệ vì không có sức khỏe, thời gian để lao động kiếm sống, phải nhờ cậy vào người thân.
Ngoài thời gian điều trị, một số bệnh nhân lao động giản đơn như: Nhặt phế liệu, rửa bát, bưng bê tại quán nước, hàng ăn phụ vào các khoản chi phí, đến giờ lại gác việc vội vàng nhập viện. Như bệnh nhân Nguyễn Văn Nam (SN 1985), xã Song Khê (TP Bắc Giang) đang là trụ cột gánh vác mọi công việc trong gia đình. Gần đây, anh cảm thấy cơ thể nặng nề hơn, đi tiểu có bọt nên đi khám.
Điều không may khi bác sĩ kết luận anh bị chứng thận suy có chỉ định chạy thận nhân tạo. Anh phải nghỉ việc để điều trị bệnh. Kinh tế khánh kiệt, không có việc làm, gia đình trở thành hộ nghèo trong xã. Nhặt nhạnh từng đồng để lọc máu, ngoài giờ vào viện, anh Nam tranh thủ phụ vữa cho cánh thợ trong thôn. Rơi vào hoàn cảnh không mong muốn, anh vẫn kiên trì vừa lao động kiếm sống, chữa bệnh.
Với bệnh nhân chạy thận, tiền mua thêm thuốc (ngoài danh mục bảo hiểm y tế) cũng là gánh nặng. Dù tằn tiện, mỗi bệnh nhân cũng phải chi thêm 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Chi phí tốn kém là vậy nhưng ngặt một nỗi bệnh nhân lọc máu chu kỳ dễ mắc các biến chứng như: Cao huyết áp kháng trị, cường tuyến cận giáp, tổn thương thần kinh ngoại biên, mất ngủ.
Để tăng hiệu quả điều trị, phòng ngừa biến chứng, từ tháng 7-2019, Khoa Nội thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai kỹ thuật lọc máu hấp phụ bằng quả lọc Resine phục vụ bệnh nhân lọc máu chu kỳ. Người bệnh đã lọc máu nhiều năm đều được chỉ định thêm kỹ thuật này.
Tuy nhiên, chi phí thực hiện tốn kém (từ 3-7 triệu đồng/1 lần lọc) mà lại chưa được Quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả. Nên trong số bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới có 20 người có điều kiện thực hiện thêm kỹ thuật này để dự phòng biến chứng. Như anh Nguyễn Văn Quyết (SN 1969) ở huyện Nam Sách (Hải Dương) phải chạy thận gần 10 năm. Nhưng 2 năm trở lại đây anh mắc chứng khó ngủ, huyết áp tăng.
Bác sĩ giải thích đây là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân lọc máu chu kỳ. Xa xôi, cách trở nhưng tuần nào anh cũng đi phà qua sông Lục Nam vài lần sang Bắc Giang chạy thận. Gần đây, bác sĩ chỉ định anh thực hiện thêm kỹ thuật lọc máu hấp phụ để hạn chế chứng mất ngủ.
Được vợ và các con động viên, vừa qua, ngoài lọc máu chu kỳ, anh đã đề nghị bác sĩ thực hiện thêm kỹ thuật lọc máu hấp phụ. Nhưng có lẽ vài tháng anh mới đủ kinh phí làm kỹ thuật này một lần. Được biết, đối với bệnh nhân chạy thận lâu năm như anh trong thời gian từ 1-1,5 tháng phải lọc 1 lần và hiệu quả đạt cao nhất là 1 tuần/1 lần.
Xu hướng trẻ hóa
Có những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo này. Như Lê Văn Tiến, 18 tuổi; Nguyễn Văn Huynh, 23 tuổi; Nguyễn Thị Hằng, 28 tuổi; Nguyễn Văn Ngọc, 29 tuổi… Nhìn đôi bàn tay gầy gò, tĩnh mạch nổi lên gân guốc ở những thanh niên trẻ này khiến mọi người không khỏi xót xa.
Không ai muốn tới bệnh viện, cũng chẳng ai muốn hẹn gặp nhau tại đây. Thế nhưng những bệnh nhân thường xuyên chạy thận nhân tạo lại luôn trông ngóng, chờ được gặp lại bạn đồng cảnh ngộ. Bởi lẽ nếu không gặp lại trong những lần lọc máu tiếp theo thì có nghĩa là người bạn cùng điều trị đã không còn nữa. Mỗi khi thấy giường khác trống, bệnh nhân lại thở dài. |
Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay, toàn tỉnh có gần 400 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, trong đó khoảng 25% ca mắc dưới 30 tuổi. Căn bệnh có xu hướng trẻ hóa. Như bệnh nhân Ngô Văn Toàn (SN 1988), xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) đã phải chạy thận vài năm do căn bệnh viêm cầu thận diễn tiến nhanh sang giai đoạn cuối.
Hiện có 2 cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Trung tâm Y tế huyện Yên Thế). Trung tâm Y tế huyện Yên Thế có 10 máy đang điều trị cho 31 bệnh nhân lọc máu chu kỳ.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa vào sử dụng khu nhà điều trị nội trú Thận-Tiết niệu-Lọc máu với tổng mức đầu tư hơn 29 tỷ. Trong đó có 100 máy chạy thận nhân tạo. Tại đây bố trí khu vực lọc máu dành riêng cho bệnh nhân viêm gan để phòng lây nhiễm chéo.
Kỹ thuật y khoa hiện đại giúp nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính kéo dài sự sống. Và mỗi người bệnh đang từng ngày từng giờ vượt qua nỗi nhọc nhằn, bền bỉ chiến đấu với căn bệnh nan y.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)