Bàng Bá Lân - Nghệ sĩ đa tài
![]() |
Nhà thơ Bàng Bá Lân. |
Nhà thơ Bàng Bá Lân tên thật là Nguyễn Xuân Lân. Ông sinh ngày 17-12 -1912 ở phố Tân Ninh, Phủ Lạng Thương. Nhưng thực ra quê gốc ông lại ở làng Đôn Thư, xã Ngô Xá, huyện Bình Lục (Hà Nam). Ông mất ngày 20-10-1988 tại TP Hồ Chí Minh.
Từ năm lên 4 đến năm lên 8 tuổi, Bàng Bá Lân theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi Kép (Lạng Giang). Sau đấy ông về quê Đôn Thư sống với ông nội từ năm 1920 - 1928, rồi lại về Kép. Thiếu thời ông học ở nhiều trường khác nhau như tiểu học Pháp - Việt ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương, tiểu học Pháp - Việt ở Đáp Cầu. Ông từng đỗ bằng Thành Chung, tương đương với phổ thông cơ sở bây giờ tại trường Bưởi, nay là trường Chu Văn An, Ba Đình, Hà Nội.
Đến năm 1934, vì thi tú tài tới ba lần vẫn không đỗ nên ông lại về Kép sống với cha mẹ, vui thú điền viên, làm thơ, chụp ảnh. Sự nghiệp thơ ca của ông được đánh dấu bằng việc cho xuất bản tập "Tiếng thông reo" (1934) khi ông tròn 22 tuổi. Nhà thơ Bàng Bá Lân cũng là người tham gia phong trào Thơ Mới và đã có tập "Xưa" (1941) in chung với nữ sĩ Anh Thơ- một người phụ nữ quê Bắc Giang đa tài, đa tình nhưng cũng rất đa đoan.
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu sự nghiệp thơ ca và đánh giá khá cao thơ của Bàng Bá Lân nên đã chọn hai bài mang rõ phong cách thơ của ông. Đấy là bài "Trưa hè" và "Cổng làng". Chỉ cần đọc 4 câu ở khổ đầu bài "Cổng làng", ta dễ dàng nhận ra ngay chất quê, hồn quê mang đậm phong vị quê xứ Kinh Bắc xưa: Chiều hôm đón một cổng làng/ Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi/ Đồng quê vờn lượn chân trời/ Đường quê quanh quất bao người về thôn. Và đây nữa: Trời cao, mây bạc, trăng tròn/ Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non/ Diều ai gọi gió véo von/ Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng/ Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi? (Tiếng hát trong trăng - 1934).
Hai câu thơ sau của bài thơ này không biết tự bao giờ nhiều người quen cho rằng đấy là ca dao và truyền tụng nhau trở thành "tam sao thất bản". Không phải là "múc ánh trăng vàng đổ đi", mà phải là "lại múc trăng vàng đổ đi" mới chính xác với nguyên bản tác phẩm. Chính nhà thơ cũng đã từng giải thích điều này với tác giả Hoàng Chí Quang khi ông còn sống và sau này đã được tác giả in trên báo Tiền phong, số ra ngày 7-10-2007, rằng: Người ta không thể “múc ánh trăng vàng” mà là “múc trăng vàng” ở dưới nước. Khi cái gàu của cô gái trong câu ca dao, dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, hòa với nước, sóng sánh cùng với nước. Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng cao cũng đồng thời múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó.
Sự nghiệp thơ ca của Bàng Bá Lân khá phong phú so với những người cùng thời. Từ trước Cách mạng Tháng Tám ông đã có các tác phẩm "Tiếng thông reo" (1934), "Xưa" (in chung với nữ sĩ Anh Thơ (1941), "Tiếng sáo diều" (1939 - 1945). Từ ngày Nam tiến, ngoài dạy học, làm báo, ông còn cho xuất bản nhiều tập thơ và tiểu luận có giá trị như "Để hiểu thơ" (1956), "Thơ Bàng Bá Lân" (1957), "Tiếng võng đưa" (1957), "Người vợ câm", "Vực xoáy", "Gàn bát sách" (phiếm luận) và tập thơ "Vào thu"... Ông cũng cho in bộ sách gồm ba quyển "Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại". Riêng cuốn "Trọn đời cho thơ", hiện bản thảo đã thất lạc.
Cùng với thi ca, nhiếp ảnh cũng đem lại cho thi sĩ tài hoa này nhiều thành tựu. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng, như: Giải Agfa - Việt báo (Hà Nội, 1937), giải Nhì cuộc thi ảnh tại phủ Thống sứ Bắc Kỳ (1938), Huy chương của tạp chí nhiếp ảnh và điện ảnh Pháp ở Paris (1939)...
Có thể nói cuộc đời của người nghệ sĩ xứ Phủ Lạng Thương Bàng Bá Lân đầy chông gai và trắc trở. Nhưng với người nghệ sĩ chân chính, có thể những trở ngại ấy lại là cú hích quan trọng để ông có thêm nghị lực cầm bút, cầm máy đem đến những thành công rất đáng khâm phục ở cả hai lĩnh vực thơ ca và nhiếp ảnh. Khi có người hỏi sáng tác để làm gì, ông đã không ngần ngại trả lời: "Có lẽ tại buổi thiếu thời tôi đã sống nhiều ở thôn quê, những cảnh vật và nếp sống của người dân quê đã in sâu vào trí não tôi nên về sau dù ở đâu tôi cũng vẫn không quên mái đình cong cong, cây đa cô độc, ngõ tre thăm thẳm, đám mạ xanh rờn, đồng lúa vàng hoe, cùng những buổi nắng sớm mưa chiều, trưa hè oi nồng, đêm đông lạnh giá với mùa cấy mùa gặt vất vả nhưng đông vui vang rộn giọng ví lời ca chan chứa tình thương mộc mạc. Những cảnh vật đó cứ ám ảnh tôi hoài, bắt tôi phải nghĩ tới, nhớ tới chúng. Vì thế, hình ảnh chúng đã choán khá nhiều chỗ trong thơ tôi. Có thể nói rằng tôi làm thơ phần nhiều là để được sống lại những ngày tháng mộc mạc êm đềm đã qua bên bờ tre rặng lúa".
Có lẽ vì thế mà sinh thời ông đã được bạn thơ tặng danh hiệu: Thi sĩ đồng áng hay thi sĩ đồng quê, quả chẳng có sai.
Yên Ngọc
Ý kiến bạn đọc (0)