Những gia đình "bão" rình sau cánh cửa
![]() |
Chị Ninh Thị L ở xã Đèo Gia (Lục Ngạn) đưa chồng đi điều trị bệnh do rượu ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh. |
"Bố cứ say thế này, con xấu hổ lắm!"
Nghe tiếng con gái 17 tuổi quỳ dưới nền gạch ôm chân bố, vừa khóc lóc vừa kêu than: “Bố cứ say thế này, con xấu hổ lắm bố ơi”, chị L lặng đi, lén lau nước mắt. Có lẽ chị và hai con đã quá sức chịu đựng cảnh chồng say xỉn chửi mắng, hành hạ vợ con, mới đây chị quyết định đưa chồng đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Ngồi ở hàng ghế nhựa đặt tại hành lang tầng 5 của bệnh viện trong một buổi chiều gió rét lạnh thấu da, ánh mắt chị L nhìn như vô định nhìn về phía khu điều trị bệnh nhân loạn thần do rượu, nơi đó có chồng chị - anh Tống Văn B (SN 1975) đang ngồi co ro trên giường trùm chăn bông. Người phụ nữ dân tộc Cao Lan dáng nhỏ thó, gương mặt khắc khổ, đôi tay gầy guộc thỉnh thoảng lại đưa quệt nước mắt chua chát kể về cuộc đời mình: "Chồng em nghiện rượu, khổ lắm chị ơi. Bao năm rồi, em và các con phải chịu đựng, vừa nhục nhã vừa xấu hổ với làng xóm".
Vợ chồng chị đều làm nông ở cùng xã Đèo Gia. Khi lấy nhau, cả hai chịu khó làm ăn, cùng chia ngọt sẻ bùi; rồi lần lượt hai con một gái một trai ra đời. Những tưởng cuộc sống sẽ hạnh phúc êm ấm, ai ngờ chồng chị bị nghiện rượu. Sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng có thể uống được. Lo nhất vào những ngày Tết, cưới xin, cỗ bàn…trong khi mọi người vui vẻ thì gia đình chị lại nơm nớp lo sợ, bởi anh cứ uống rượu vào là say lướt khướt, chân nam đá chân chiêu: “Uống rượu vào là không ngủ, nói năng lảm nhảm, rồi đi lung tung, có lần cả nhà phải bổ đi tìm thì thấy chồng nằm vật bên vệ đường trong tình trạng say mềm. Thần kinh không ổn định, anh quay ra chửi bới thậm tệ. Nhiều lần như vậy, cả nhà lặng im, cứ để anh ấy tự nói nhưng cũng không xong, im cũng bị chửi”. Con gái lớn đang học lớp 12 Trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Lục Ngạn, thấy bố hay say xỉn, có khi vài tháng mới về nhà. Có lần cháu bảo: "Mẹ ơi, con cũng muốn rủ các bạn trong lớp về nhà mình chơi, nhưng bố cứ say thế này, con xấu hổ lắm. Con sợ về nhà!".
Cũng như chị L, mỗi lần chồng say rượu là nỗi ám ảnh với gia đình chị Đặng Thị Th (SN 1978) ở xã Phúc Sơn (Tân Yên). Nói chuyện với tôi, giọng chị cứ nghẹn lại. Vừa khóc, chị vừa kể: "Chồng em bằng tuổi, tên Nguyễn Chí H, trước bị nghiện ma túy. Bao nhiêu tiền bạc, công sức bỏ ra để giúp anh cai, ai ngờ bỏ được ma túy lại sinh ra nghiện rượu. Cách đây hai năm anh H cũng đã vào viện này để cai rượu. Nhưng về đâu lại hoàn đấy, vẫn nốc ừng ực. Rằm tháng Bảy năm trước, do uống rượu nên anh bước hụt bậc thềm nhà bị ngã, đầu đập vào nền gạch dẫn đến chảy máu não, sau đó tai biến và liệt nửa người, thế mà vẫn không bỏ được rượu". Nhìn người đàn ông cao to nhưng gương mặt xanh rớt dò dẫm bám bờ tường, nặng nhọc lê từng bước tại hành lang Bệnh viện Tâm thần tỉnh mà thật cám cảnh. Được biết, chị Th làm công nhân ở một công ty điện tử, kinh tế gia đình phụ thuộc vào một mình chị. Giờ đây chị phải bỏ việc để ở nhà lo cho chồng và hai con đang tuổi ăn học. Chị bảo nghĩ thương các con chứ hẳn là riêng mình thì chị đã giải thoát lâu rồi. Mấy hôm chồng đến viện điều trị, mẹ chồng bỏ việc đồng áng lên chăm con trai nhưng giờ lại phải về để trông cháu thay chị, vì ở nhà chẳng còn ai.
Bạo hành gia đình đa phần vì rượu
Có lẽ nỗi ám ảnh lớn nhất của những gia đình có người nghiện rượu đó là vợ con phải chịu bạo hành vô cớ, kể cả thể xác lẫn tinh thần. Năm 2016, chị Dương Thị H (SN 1994) ở xã Lục Sơn (Lục Nam) bị chồng là Bàn Văn C (SN 1983) đánh dẫn đến tổn thương 32% sức khỏe. Tại cơ quan điều tra, C khai, sau khi đi ăn cỗ về, do say rượu nên chửi mắng vợ. Thấy chồng say, chị lặng im bế con đi ngủ thì hắn ta càng tức tối, quay ra túm tóc vợ liên tục đập đầu chị xuống nền nhà. Thấy vợ bị chảy máu, hắn vẫn không tha, tiếp tục mắng chửi và lấy trên nóc tủ thanh kiếm rồi lảm nhảm: “Thanh kiếm này dùng để trừng trị những con vợ ma quỷ”. Sợ quá, chị H liền vùng chạy ra đường thì hắn đuổi theo túm được và giật chị ngã xuống rồi chém tới tấp. Nghe tiếng khóc lóc kêu cứu, hàng xóm chạy ra can ngăn không thành. Sau khi chém thương tích vợ, hắn bắt chị tập tễnh vào nhà, vừa đi vừa chửi. Khi lực lượng công an đến bắt giữ C, chị H mới được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng vỡ xương gót, gãy dưới xương mác, cẳng chân và nhiều vết thương phần mềm khác.
![]() |
Bệnh viện Tâm thần tỉnh - nơi có nhiều bệnh nhân điều trị loạn thần vì uống rượu. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Trưởng Khoa Nghiện chất (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) cho biết: Năm 2017, Bệnh viện tiếp nhận 510 bệnh nhân đến điều trị do uống rượu. Đáng chú ý, các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng loạn thần, thể trạng suy kiệt. Tìm hiểu bệnh lý cho thấy họ thường xuyên uống rượu suông, không ăn gì hoặc có ăn nhưng không thành bữa. Nghiện rượu gây ra các bệnh liên quan đến thần kinh như hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm. Bác sĩ Quang nhấn mạnh: Tác hại của nghiện rượu không chỉ ảnh hưởng ngay lập tức mà còn kéo dài trong nhiều năm, đôi khi nhiều thế hệ. Thế nhưng hiện nay, việc ngăn chặn uống rượu dường như chưa được quan tâm đúng mức, chỉ đến khi hậu quả xảy ra, mọi người mới thấy sự nguy hiểm do uống rượu. Theo một khảo sát mới đây của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, tình trạng uống rượu diễn ra tràn lan, không kiểm soát được. Trong các bữa cỗ nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, trung bình mỗi mâm (6 người) tiêu thụ từ 2,5 đến 3 lít rượu trắng. Chưa biết rõ nguồn gốc, chất lượng các loại rượu ra sao nhưng con số ấy phản ánh tình trạng uống rượu đang ở mức báo động. Những gia đình bệnh nhân đến điều trị ở đây đa phần là hộ nghèo, có chồng nghiện rượu lại càng thêm khốn khó.
Nghiện rượu gây ra nhiều hệ lụy không chỉ cho cá nhân người nghiện mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình. Bố nghiện rượu dễ sinh nóng giận, gia đình bất hòa, các con luôn cảm thấy ngại ngùng, chán nản, chúng xấu hổ, không muốn tiếp xúc với mọi người, không muốn mời ai đến nhà, sợ những chuyện không hay có thể xảy ra. Mặt khác, người nghiện rượu thường không tự chủ được bản thân nên hay làm mất lòng người thân, bạn bè, hàng xóm. Tai nạn giao thông cũng dễ xảy ra.
Đã có nhiều giải pháp ngành y tế, cơ quan chức năng đặt ra để hạn chế việc uống rượu, bia. Nhưng có lẽ theo nhiều người thì cách hiệu quả nhất là bản thân hãy biết cách từ chối nếu bị mời khi cảm thấy đã uống đủ lượng rượu. Khi từ chối bạn phải thể hiện sự kiên định của mình một cách nhẹ nhàng và lịch sự, người khác sẽ hiểu là bạn đang nghiêm túc và tôn trọng quyết định của bạn. Bên cạnh đó, mỗi người hãy bỏ thói quen ép, mời rượu kiểu bắt buộc. Những người nghiện rượu cần đến bệnh viện để được tư vấn, có phác đồ điều trị. Nếu kiên trì điều trị trong khoảng từ 10-20 ngày sẽ hạn chế được uống rượu. Tuy nhiên, quan trọng là sau khi cai rượu trở về với gia đình, cần có đủ bản lĩnh nếu không cũng rất dễ tái nghiện rượu.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)