Tổ liên gia thắm nghĩa, đượm tình
![]() |
Hội người cao tuổi phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ góp phần tăng cường mối đoàn kết tại cộng đồng dân cư. |
“Tối lửa, tắt đèn có nhau”
Dù bố mẹ, họ hàng đều ở quê xa, nhưng gia đình anh Phạm Văn Nam, tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) vẫn luôn tìm thấy cảm giác thân mật, gần gũi nơi phố thị. Anh Nam làm nghề lái xe taxi, còn vợ anh - chị Huyền làm công nhân, nhà có hai vợ chồng và hai con nhỏ. Mỗi lần bận việc, không có người trông con, anh chị lại gửi mấy bác trong tổ liên gia gần nhà trông hộ.
Những lúc về quê, anh chị nhờ hàng xóm "ngó qua, ngó lại" nhà đề phòng kẻ gian. Thỉnh thoảng, nhà ai nấu món ngon, hay đi xa mua đồng quà, tấm bánh cũng biếu anh chị. Chị Huyền tâm sự: "Từ ngày có tổ liên gia, vợ chồng tôi như có thêm người thân ở bên cạnh, mọi người đối xử chan hòa, nhân ái!"
Anh Dũng cùng tổ liên gia của khu phố kể: Cách đây hơn một năm, trong lúc ăn cơm tối, bụng tôi bỗng đau quằn quại. Nhờ được mấy bác trong tổ liên gia đưa đến viện kịp thời cùng sự tận tình của bác sĩ, nên hôm sau tôi được xuất viện. Nếu lúc đó không có hàng xóm, không biết tính mạng của tôi sẽ ra sao!".
![]() |
Giao lưu cờ tướng của người dân Tổ dân phố số 6, phường Trần Nguyên Hãn. |
Bà Dương Thị Mỹ Bình, Tổ phó tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi, (TP Bắc Giang) cho hay: 12 tổ liên gia ở khu phố đều có quy chế hoạt động, mỗi tổ gồm 20-25 thành viên. Tổ trưởng, tổ phó là những người có uy tín do các chủ hộ bầu. Ngoài tuyên truyền, động viên các gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tổ liên gia còn giúp đỡ nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn hàng triệu đồng để làm ăn mà không lấy lãi.
Đơn cử như hộ chị Nguyễn Thị Yến, chồng bị nhiễm chất độc da cam; con trai bị ảnh hưởng di chứng từ người bố, chân tay tật nguyền đã hơn 20 năm. Không nghề nghiệp, thu nhập chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp ít ỏi của chồng, gia đình chị phải chạy vạy từng bữa ăn.
![]() |
Hội thi “Mâm cơm dinh dưỡng” do Hội Phụ nữ huyện Việt Yên tổ chức góp phần gắn kết tình cảm trong cộng đồng dân cư. |
Thấu hiểu hoàn cảnh éo le đó, tổ liên gia đã góp vốn cho chị vay hai triệu đồng để nuôi lợn. Có đồng vốn, chị Yến tranh thủ mở quán hàng nước và bán bánh khoai để trang trải cuộc sống. Nhờ đó gia đình chị đã vợi bớt khó khăn.
Cần nhân rộng
Không chỉ ở TP, hiện nay ở các vùng nông thôn, miền núi, mô hình tổ liên gia đã và đang phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Ông Dương Minh Nguyên, Tổ trưởng tổ liên gia thôn Vườn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) chia sẻ: Hiện 7/7 tổ liên gia (mỗi tổ từ 15-25 gia đình) của thôn có quỹ hoạt động như: Quỹ thăm hỏi ốm đau, khuyến học. Vào mùa gặt, hay gia đình nào xây nhà, các hộ trong tổ liên gia đều giúp lẫn nhau, không tính công xá. Mỗi khi nhà có việc hiếu, hỉ, mọi người cắt cử nhau đến phục vụ nhiệt tình từ hôm trước. Tình hình an ninh, trật tự trong thôn luôn được giữ vững.
Để gây dựng được mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp giữa các gia đình, tổ trưởng tổ liên gia phải là người có uy tín, năng động, nhiệt tình và linh hoạt trong xử lý các tình huống phát sinh". Ông Vũ Thanh Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Bắc Giang |
Được biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 17 nghìn tổ liên gia tự quản. Đây là mô hình do các gia đình tự nguyện thành lập, hoạt động dựa trên quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố, đúng quy định của pháp luật. Mô hình tổ liên gia hiện nay đã góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa các gia đình với nhau và tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Theo ông Nguyễn Văn Dư, Trưởng Ban phong trào (Ủy ban MTTQ tỉnh): Không phải gia đình nào ở gần nhau cũng hiểu nhau, vì gia cảnh, trình độ nhận thức mỗi người khác nhau, do đó vấn đề mấu chốt là làm sao quy tụ và làm cho mọi người thấy được lợi ích thiết thực từ mô hình tổ liên gia. Để làm được điều đó, về lâu dài, rất cần sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền cơ sở để mô hình ngày càng nhân rộng.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)