Phòng ngừa đối tượng có tiền án, tiền sự tái phạm
Ngựa quen đường cũ
Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn lực lượng điều tra, khám phá hơn 150 vụ phạm pháp hình sự với gần 200 đối tượng; bắt gần 100 vụ với hơn 100 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, trong các vụ phạm pháp hình sự được làm rõ thì có đến 30% đối tượng phạm tội đã từng có tiền án, tiền sự; riêng các vụ án về ma túy thì tỷ lệ tái phạm chiếm từ 70-80%.
![]() |
Đối tượng Phạm Văn Đông ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) trộm cắp tài sản bị Công an huyện Lạng Giang bắt giữ. |
Tại huyện Lục Nam, từ đầu năm đến nay, Công an huyện điều tra làm rõ 24 vụ phạm pháp hình sự với 22 đối tượng. Phân tích trong số 17 bị can bị khởi tố có 10 đối tượng từng có tiền án, tiền sự. Điển hình như trường hợp Lê Ngọc Tân (SN 1972) ở thôn Vũ Trụ Đồn, xã Vũ Xá và Vũ Minh Phương (SN 1982) ở thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện bị khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản.
Qua điều tra, cả hai đều có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy; bản thân Tân có một tiền án về tội khai thác khoáng sản trái phép, Phương có tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tương tự, đối tượng Nguyễn Quyết Thắng (SN 1991) ở thôn Mai Thưởng, xã Yên Sơn cũng từng có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản trước khi bị bắt liên quan đến hàng loạt vụ cướp giật. Các đối tượng: Đoàn Văn Huy (SN 1994), Nguyễn Đặng Huy (SN 1989) cùng trú tại thị trấn Đồi Ngô cũng đều có hai lần đi trại cải tạo trước khi tiếp tục sa lưới.
Thực tế, các đối tượng có tiền án, tiền sự có mối quan hệ xã hội phức tạp nên dễ bị bạn bè xấu rủ rê; nhiều trường hợp không có việc làm dẫn đến nguy cơ tái phạm cao. Điển hình như Đồng Văn Xuân (SN 1989) ở thôn Tân Độ, xã Tiêu Liễu (Yên Dũng) vừa bị Công an huyện Yên Dũng làm rõ hành vi cướp giật tài sản. Xuân từng bị đưa đi trường giáo dưỡng khi mới 13 tuổi; đối tượng cũng có tiền án về tội trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Đặc biệt, tháng 3/2019, khi đang thụ lý án, Xuân bỏ trốn khỏi nơi cải tạo và bị bắt ngay sau đó. Hay như cặp vợ chồng “hờ” Giáp Văn Toản (SN 1980) trú tại thôn Bảo Lộc 2, xã Bảo Sơn (Lục Nam) và Bàn Thị Phượng (SN 1987) ở xã Cao Phong, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) vừa bị Công an huyện Lạng Giang bắt giữ về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Đáng chú ý, Phượng đang được hoãn thi hành án do nuôi con nhỏ, còn gã chồng "hờ" từng phải đi cải tạo về tội dâm ô trẻ em. Thượng tá Nguyễn Anh Sơn, Trưởng Công an huyện Lạng Giang nói: “Hầu hết các đối tương khi bị bắt giữ đều ý thức được hành vi phạm tội của mình song do ham chơi, lười lao động nên tiếp tục sa ngã. Tại cơ quan điều tra, bọn chúng thường không hợp tác, quanh co, chối tội”.
Tăng cường quản lý, hỗ trợ tái hòa nhập
Theo Cơ quan thi hành án Công an tỉnh, hiện trên địa bàn có khoảng 2,3 nghìn đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Qua nắm bắt tình hình, nhiều người sau khi chấp hành án có nhu cầu xin việc làm nhưng gặp khó khăn do từng “nhúng chàm”. Với quan điểm coi người chấp hành án phạt tù xong khi về địa phương là người lao động, được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm kiếm cơ hội việc làm cho họ.
Tìm hiểu tại xã Vũ Xá (Lục Nam) cho thấy, cùng với thường xuyên gọi hỏi, răn đe 12 đối tượng có tiền án, tiền sự và nghiện ma túy, từ đầu năm đến nay, Công an xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương giới thiệu việc làm cho hai trường hợp. Anh Hoàng Văn T (SN 1980) ở thôn Vũ Trụ Đồn chia sẻ: “Vừa qua tôi được địa phương bảo lãnh, giới thiệu vào làm công nhân tại một doanh nghiệp. Có việc làm, có thu nhập để nuôi sống bản thân nên tôi cảm thấy tự tin, bớt mặc cảm với gia đình và xã hội. Tôi cũng chẳng còn thời gian tiếp xúc với bạn nghiện, tự nhủ sẽ không sa ngã, không vi phạm pháp luật”.
Để các đối tượng không “ngựa quen đường cũ”, đại diện một số đơn vị, địa phương cho rằng, cùng với quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, bắt giữ các đối tượng; thiết lập hồ sơ đưa vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các cơ sở bắt buộc... thì việc động viên, hỗ trợ, chia sẻ, tư vấn, cho vay vốn và giới thiệu việc làm sẽ giúp các đối tượng hoàn lương, tránh xa những thói hư, tật xấu.
Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh nói): “Ngoài lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm để tìm giải pháp trong việc quản lý, giám sát đối với các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù; quan tâm hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho họ. Bởi chỉ khi có việc làm họ mới có thu nhập, mới có tiền để trang trải những nhu cầu tối thiểu cho mình, không nghĩ đến việc trộm cắp, cướp giật, vận chuyển ma túy…”.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)